Được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho phép thành lập vào năm 2001, trong thời gian qua, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nâng cao trình độ, kiến thức, kĩ năng và chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị tỉnh Sóc Trăng. Một trong những chương trình ấy là hoạt động đào tạo âm nhạc cho hội viên.
Qua quá trình tìm hiểu, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng nhận thấy rằng phần lớn người Khmer khiếm thị có một niềm đam mê mạnh mẽ đối với nhạc ngũ âm, một loại hình âm nhạc truyền thống của người dân tộc Khmer. Với mục tiêu góp phần vừa đào tạo nghề vừa nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người khiếm thị là người dân tộc Khmer, giúp người khiếm thị Khmer tiếp cận, lưu giữ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhạc ngũ âm, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tập trung đào tạo nhạc ngũ âm cho các hội viên có đam mê loại hình âm nhạc này. Từ dàn nhạc ngũ âm do Quỹ Hỗ trợ Vùng và Dân tộc ít người (Đan Mạch) tài trợ vào năm 2005, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp cùng địa phương mở được 02 lớp dạy nhạc ngũ âm cho 16 người khiếm thị là người dân tộc Khmer. Các học viên sau khi được đào tạo đã có thể biểu diễn được một số bài nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer. Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Đội đánh nhạc ngũ âm để duy trì hoạt động của các học viên được đào tạo nhạc ngũ âm, Đội nhạc ngũ âm của Hội từng được Đài Truyền hình VTV2 ghi phóng sự là đội nhạc ngũ âm của người khiếm thị duy nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, dàn nhạc ngũ âm hiện tại của Hội Người mù đã xuống cấp trầm trọng và không còn đảm bảo âm thanh như lúc ban đầu vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nhạc ngũ âm của Hội Người mù và nhu cầu học tập và biểu diễn nhạc ngũ âm của hội viên.
Dự án góp phần đảm bảo trang thiết bị, nhạc cụ để phục vụ cho các lớp đào tạo nhạc ngũ âm cho người khiếm thị của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng cũng như tổ chức được các hoạt động văn hóa văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. Học viên cũng có thêm cơ hội tiếp cận, học và biểu diễn nhạc truyền thống của dân tộc mình, góp thêm phần bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc đặc sắc. Hơn thế nữa, thông qua dự án, cộng đồng cũng sẽ hiểu và đánh giá tốt hơn về ý chí và năng lực của người khiếm thị khi họ được trao cơ hội học tập và làm việc.