VINIF.2021.DA00163 – Nấm lớn trong rừng Việt Nam: ghi nhận các loài ăn được, ước tính sản lượng, mùa vụ và khả năng nuôi trồng

Chủ nhiệm dự án
TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng & TS. Lê Thanh Huyền
Tổ chức chủ trì
Viện Nấm và Công nghệ Sinh học

Thiết lập cơ sở dữ liệu về các loài nấm lớn tại các khu hệ rừng khác nhau ở Việt Nam từ đó ghi nhận khả năng sử dụng làm thực phẩm, ước tính sản lượng, mùa vụ và sàng lọc khả năng nuôi trồng của các loài nấm rừng ăn được có số lượng xuất hiện nhiều.

Những nội dung chính của dự án

  • Khảo sát, thiết lập ô mẫu và tuyến thu mẫu tại: 4 ô mẫu, mỗi ô mẫu 4 ha (200m x 200m) thiết lập 3 đường thu mẫu là chu vi 3 hình vuông đồng tâm có diện tích lần lượt là 4 ha, 1 ha và 0,25 ha. Các ô mẫu được thiết lập tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Rừng phòng hộ Đa Nhim và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
  • Thu mẫu nấm theo các đường thu mẫu và ô mẫu trong liên tục 1 năm: 2 tuần thu mẫu 1 lần, 23 lần/năm trên tất cả 4 ô mẫu (Không thu mẫu vào các thời điểm mùa khô kiệt nước và mùa mưa lũ ở phía bắc). Thu nhận mẫu nấm, mô tả hình thái ngoài tại thực địa, thu mẫu sinh học phân tử, ghi nhận các dữ liệu về sinh thái như trọng lượng mẫu, nhiệt độ, độ ẩm không khí và mưa/nắng tại khu vực thu mẫu. Sấy khô, đánh số và bảo quản mẫu. Phân lập các mẫu nấm trên môi trường thạch.
  • Định danh các mẫu nấm: tách chiết DNA và định danh sơ bộ dựa trên trình tự ITS của tất cả các mẫu, so sánh với mô tả hình thái để định danh chi tiết các mẫu trong nhóm nấm ăn/nấm độc đã được ghi nhận trên thế giới.
  • Lưu trữ, bảo quản, và khảo sát khả năng phát triển hệ sợi của các giống nấm ăn phân lập được.
  • Sàng lọc, chọn lựa 1-2 loài nấm ăn có tiềm năng và nuôi trồng thử nghiệm.
  • Xử lý số liệu, viết báo cáo và công bố kết quả.

Tác động của dự án

  • Nấm rừng là một nguồn tài nguyên quí có thể vừa sử dụng làm thực phẩm, vừa sử dụng như các loại đông dược. Hiểu rõ được nguồn tài nguyên này giúp chúng ta có thể quản lý và khai thác một cách hiệu quả.
  • Trong khi các loài nấm rừng tự nhiên được thị trường tiêu thụ với giá cao thì hằng năm vẫn có nhiều trường hợp tử vong do ăn nhầm nấm độc. Các dữ liệu mô tả về nấm ăn và nấm độc có thể giúp cộng đồng địa phương tận dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nguồn lâm sản ngoài gỗ trong công tác trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, các dữ liệu sinh học phân tử về nấm độc giúp các trung tâm chống độc phát triển các bộ kít thử nhanh phát hiện tác nhân gậy độc để có phác đồ điều trị tốt hơn.
  • Các dữ liệu về sản lượng và thời điểm thu hoạch giúp các cộng đồng địa phương có chiến lược thu hoạch tốt hơn nhằm tăng thu nhập nhưng giữ cho nguồn tài nguyên bền vững.
  • Các loài mới và ghi nhận mới của khu vực được công bố và bổ sung vào danh lục nấm lớn Việt Nam.
  • Bộ sưu tập mẫu vật khô giúp các nghiên cứu sau có thể kiểm tra, so sánh, và hiệu chỉnh lại các kết quả nghiên cứu của dự án cũng như bổ sung chính xác hơn và dữ liệu khoa học của nấm lớn Việt Nam.
Chủ nhiệm dự án
TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng & TS. Lê Thanh Huyền
Tổ chức chủ trì
Viện Nấm và Công nghệ Sinh học

Tags

Tiến độ dự kiến
15/11/2021
15/08/2022
Giai đoạn 1

– Bộ sưu tập mẫu vật khô: Tối thiểu 200 mẫu khô có đầy đủ dữ liệu về mô tả ban đầu và sinh học phân tử.
– Hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học: 02 quyết định công nhận Nghiên cứu sinh và người hướng dẫn với tên luận văn liên quan tới nội dung dự án.

15/08/2023
Giai đoạn 2

– Bộ sưu tập mẫu vật khô: Tối thiểu 500 mẫu vật được bảo khô ở điều kiện tốt. Toàn bộ mẫu có đầy đủ dữ liệu về mô tả ban đầu và sinh học phân tử.
– Bộ sưu tập chủng giống: Tối thiểu 20 giống được bảo quản trên môi trường thạch nghiêng trong ống nghiệm. – – Các giống có đủ các cơ sở dữ liệu về phân loại, còn khả năng sống và nhân nuôi hệ sợi.
– Bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hạng Q1 trở lên hoặc tương đương: Bản thảo bài báo đã được xác nhận gửi hiệu chỉnh tiếng Anh (Professional Editing).
– Hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học: 01 quyết định công nhận học viên cao học.

15/11/2024
Giai đoạn 3

Bài báo công bố trên tạp chí quốc tế hạng Q1 trở lên hoặc tương đương: Thư chấp nhận đăng hoặc đã xuất bản.
Sách tham khảo: Đã hoàn thiện bản thảo 100-150 trang (có quyết định xuất bản). Cơ sở dữ liệu các loài nấm ăn và nấm độc trong rừng tự nhiên ở Việt Nam. Sách có nội dung khoa học, có giá trị tham khảo và giảng dạy, có độ tin cậy để trích dẫn trong các nghiên cứu khác.
Bằng giải pháp hữu ích: Đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Liên quan tới nuôi trồng/sử dụng các loại nấm rừng thu được từ dự án.
Hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học: Giấy xác nhận tốt nghiệp Thạc sĩ kèm luận văn có nội dung liên quan tới dự án.