Dự án Khám phá các vật liệu chức năng mới bằng phương pháp tiếp cận học máy giới thiệu một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành mới – Tin học Vật liệu (Materials Informatics – MI) – một hướng mới của Khoa học và Công nghệ Vật liệu dựa trên Trí tuệ nhân tạo và học máy Dữ liệu lớn bằng các thuật toán học máy, đến cộng đồng khoa học Việt Nam.
MI là một lĩnh vực nghiên cứu mang tính liên ngành rất mạnh mẽ, cần sự phối hợp của các chuyên gia vật lý, hóa học, khoa học vật liệu và công nghệ thông tin để giải quyết bài toán thực tế: phát triển vật liệu mới cho các ứng dụng công nghệ một cách tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Công cụ học máy và trí tuệ nhân tạo dựa trên các cơ sở dữ liệu lớn đang phát triển như vũ bão, chi phối hoạt động của hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống là cơ sở vững chắc cho mục tiêu này. Từ quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có một số lợi thế tương đối để tham gia vào trào lưu khoa học này, đó là (1) các nhà nghiên cứu đã được đào tạo tốt trong thập kỷ qua có thể tham gia ngay vào lĩnh vực này, (2) trên thế giới có nhiều chuyên gia Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đồng nghiệp từ Việt Nam và (3) nhu cầu tài chính cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này là phải chăng và nguồn lực tính toán cần thiết có thể được sắp xếp với sự linh hoạt đáng kể. [Hình trái lấy từ A. Agrawal et al. “Perspective: Materials informatics and big data: Realization of the “fourth paradigm” of science in materials science,” Appl. Phys. Lett., vol. 4, p. 053208, 2016.]