VINIF.2021.DA00138 – Hệ thống Internet vạn vật theo dõi điện tim thai với cảm biến không tiếp xúc

Chủ nhiệm dự án
TS. Hàn Huy Dũng & TS. Nguyễn Minh Đức
Tổ chức chủ trì
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Dự án hướng tới thiết kế thiết bị theo dõi điện tim thai nhi tại nhà với công nghệ cảm biến không tiếp xúc, đảm bảo sự an toàn, dễ sử dụng nhưng vẫn đạt được độ tin cậy cao trong thu nhận và xử lý tín hiệu điện tim thai nhi phục vụ chẩn đoán lâm sàng. Đồng thời, dự án ứng dụng công nghệ IoT để xây dựng một hệ sinh thái kết nối các bác sĩ sản nhi và các bà mẹ mang thai, lưu trữ và cung cấp dữ liệu điện tim thai nhi cho các bác sĩ phục vụ chẩn đoán cũng như các dịch vụ tạo kênh kết nối giữa các bác sĩ và bà mẹ cho thăm khám định kỳ và thông báo các trường hợp nguy cấp kịp thời.

Những nội dung chính của dự án

Dự án có 3 nội dung chính gồm:
(1) Phát triển thiết bị thu tín hiệu điện tim thai nhi với công nghệ cảm biến không tiếp xúc.
(2) Phát triển hệ thống thông tin điện tim mẹ/con bao gồm ứng dụng điện thoại thông minh cho bệnh nhân và bác sỹ, máy chủ đám mây quản lý dữ liệu, phần mềm xử lý tín hiệu.
(3) Thử nghiệm hệ thống trên 200 bà mẹ mang thai.

Tác động của dự án

Các dị tật bẩm sinh về tim cho đến hiện nay là một trong những dị tật phổ biến nhất trong thai nhi và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỉ lệ tử vong trong và sau sinh. Tỉ lệ dị tật tim mạch càng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực chuyên môn để có thể thực hiện đánh giá thai nhi định kì hiệu quả và liền mạch, với hiện tượng quá tải thăm khám luôn xảy ra tại các bệnh viện tuyến trung ương. Tại các vùng nông thôn hay vùng xa xôi, sự thăm khám thai nhi định kỳ thậm chí ít hoặc không được thực hiện. Ngoài ra, việc phải đến các trung tâm y tế để thăm khám thai nhi định kỳ đã gặp nhiều cản trở trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi các yêu cầu tiếp xúc và giãn cách xã hội được thực hiện. Do vậy, dự án này với mục tiêu hướng đến theo dõi tim thai nhi tại nhà và cung cấp một hệ sinh thái kết nối bác sĩ-bà mẹ sẽ giúp giải quyết các khó khăn nêu trên một cách triệt để, từ đó nâng cao sức khỏe các bà mẹ và thai nhi, giảm thiểu đáng kể các ca dị tật về tim mạch và tỷ lệ tử vong trong và sau sinh.

Chủ nhiệm dự án
TS. Hàn Huy Dũng & TS. Nguyễn Minh Đức
Tổ chức chủ trì
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Tags

Tiến độ dự kiến
15/11/2021
15/11/2022
Giai đoạn 1

(1) 2 thiết bị đo ECG với cảm biến không chạm
(2) Ứng dụng điện thoại thông minh cho bệnh nhân: kết nối BLE, lưu trữ dữ liệu, hiển thị tín hiệu, đăng nhập, đăng ký, hiển thị thông tin người dùng, truyền số liệu tới máy chủ đám mây
(3) 1 bài báo hội nghị
(4) Ứng dụng máy chủ đám mây: thu thập và lưu trữ dữ liệu, đăng ký, đăng nhập cơ bản, Lưu trữ thông tin người dùng
(5) Ứng dụng điện thoại thông minh cho bác sỹ: Đăng nhập, đăng ký
(6) 1 báo cáo kỹ thuật lần 1 về hệ thống và các ứng dụng điện thoại và máy chủ

15/11/2023
Giai đoạn 2

(1) 6 thiết bị đo ECG với cảm biến không chạm
(2) Ứng dụng điện thoại thông minh cho bệnh nhân (cập nhật): hiển thị thông tin tính toán từ máy chủ đám mây, liên hệ bác sĩ, cảnh báo sớm
(3) Ứng dụng máy chủ đám mây: hoàn thiện giao diện web cho bác sỹ và bệnh nhân, cơ sở dữ liệu quản lý bệnh nhân, bác sỹ
(4) Thuật toán xử lý tín hiệu f/m ECG: giảm nhiễu, phân tách tín hiệu f/m ECG, thuật toán tính toán các tham số tín hiệu ECG của mẹ và con, thuật toán học sâu cơ bản cho việc chẩn đoán xu hướng sức khỏe, phát hiện bệnh
(5) Ứng dụng điện thoại thông minh cho bác sỹ (cập nhật): quản lý danh sách bệnh nhân, hiển thị thông tin bệnh nhân, kết nối với máy chủ đám mây, giao tiếp với bệnh nhân
(6) 1 bài báo hội nghị
(7) 1 bài báo tập san khoa học Q1 được đăng hoặc chấp nhận đăng
(8) Báo cáo kỹ thuật lần 2 về các cập nhật trên hệ thống và các ứng dụng điện thoại và máy chủ

15/11/2024
Giai đoạn 3

(1) Danh sách thử nghiệm 200 bà mẹ kèm giấy đồng ý tham gia thử nghiệm.
(2) Hồ sơ kết quả survey trước và sau thử nghiệm của 200 bà mẹ.
(3) Bộ dữ liệu tín hiệu ECG của mẹ và con.
(4) Báo cáo kết quả đánh giá dữ liệu thử nghiệm
(5) Bộ hồ sơ cuối cùng xin phép thử nghiệm lần 1 và lần 2 và các chứng nhận đồng ý cho phép thử nghiệm của các hội đồng y đức tại các cơ sở thử nghiệm
(6) website cho bác sĩ và bệnh nhân
(7) 1 bài báo hội nghị
(8) 2 bài báo tập san khoa học Q1 được đăng hoặc chấp nhận đăng
(9) 1 đăng ký sở hữu trí tuệ
(10) Hỗ trợ đào tạo 4 thạc sĩ có hướng nghiên cứu để làm luận văn cùng hướng với dự án