Tính cấp thiết. Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 trong số các bệnh lý ác tính tại Việt Nam và nội soi đại tràng toàn bộ nhằm phát hiện các tổn thương polyp, đặc biệt polyp u tuyến, polyp có nguy cơ cao là phương pháp đóng vai trò cơ bản trong tầm soát bệnh lý này. Tỷ lệ bỏ sót polyp đại tràng theo các nghiên cứu trên thế giới dao động từ 20 – 47% và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm của bác sĩ, thời gian rút dây soi, chất lượng hệ thống máy móc và việc chuẩn bị nội soi đại tràng. Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân có các bệnh lý tiêu hóa đông cùng mô hình bệnh tật đa dạng tạo áp lực lớn cho các trung tâm nội soi dẫn đến các nguy cơ thời gian rút dây nội soi nhanh, chất lượng hình ảnh nội soi có thể không đảm bảo và sự quá tải cũng như mệt mỏi của các bác sĩ. Trong khi đó các đơn vị y tế hiện không đủ điều kiện trang bị các hệ thống nội soi có công nghệ tiên tiến giúp tăng cường chất lượng hình ảnh hoặc các dụng cụ hỗ trợ phát hiện tổn thương và nhận diện những trường hợp có nguy cơ ác tính. Điều này đặt ra bài toán cần có các giải pháp vừa có thể tăng tỷ lệ phát hiện polyp đại tràng đặc biệt là nhóm nguy cơ ung thư cao vừa đảm bảo được tính hiệu quả về chi phí kinh tế cho cả đơn vị y tế và người bệnh.
Mục tiêu của dự án nhằm phát triển các thuật toán học máy hiệu quả cho phát hiện, khoanh vùng polyp đại tràng và phân loại các tổn thương có nguy cơ ung thư hóa qua ảnh nội soi. Từ đó xây dựng một hệ thống thiết bị tính toán thời gian thực hỗ trợ bác sĩ nội soi phát hiện polyp đại tràng và chẩn đoán các tổn thương có nguy cơ ung thư hóa.
Tác động xã hội. Giải pháp công nghệ hỗ trợ bác sĩ nội soi thông qua hệ thống thiết bị chuyên dụng xử lý ảnh nội soi thời gian thực sẽ được đăng ký bằng độc quyền sáng chế, góp phần khẳng định năng lực và ảnh hưởng ứng dụng công nghệ AI trong chăm sóc y tế. Việc triển khai hệ thống AI thời gian thực hỗ trợ bác sỹ nội soi tại các cơ sở y tế bao gồm cả đơn vị có chức năng đào tạo, bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh sẽ giúp kết nối các bác sĩ nội soi, rút ngắn sự khác biệt về kinh nghiệm tay nghề cũng như hướng đến quyền lợi của người bệnh được thụ hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt với chi phí không quá cao. Dự án cũng sẽ phát triển nền tảng hỗ trợ đào tạo cho các bác sĩ nội soi dựa trên hình ảnh và ca bệnh lâm sàng thực tế thu thập tại các đơn vị y tế. Điều này sẽ giúp nâng cao toàn diện, cập nhật liên tục và chuẩn hóa kiến thức, các tiêu chí đánh giá, phân loại, nhận định tổn thương đại tràng cho các bác sĩ nội soi ở nhiều cơ sở thuộc nhiều tuyến.