(truyenthongkhoahoc.vn) Ngày 20/3, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra sự kiện “Toán: Học thế nào và làm ở đâu”. Đây là sự kiện nhằm hướng ứng Ngày Toán học quốc tế 14.3.
GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho biết, tháng 11 năm 2019, tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 40, UNESCO đã tuyên bố chọn ngày 14/3 là Ngày Toán học Quốc tế. Năm 2021 chủ đề được chọn là “Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn”.
Năm nay Ban Tổ chức hướng tới các bạn sinh viên và học sinh THPT cùng các vị phụ huynh và những ngời yêu Toán, quan tâm tới Toán học.
Phần lớn thời gian của sự kiện, các nhà Toán học chia sẻ những thông tin thú vị về việc ứng dụng Toán vào mọi mặt của đời sống. PGS. Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học và Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF với bài giảng “Những khối đa diện đều và những bí ẩn Toán học”.
TS. Hà Minh Hoàng, Đại học Phenikaa với bài giảng “Vẻ đẹp của vận trù học và Toán tối ưu qua các ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam”. TS. Hà Minh Hoàng cho rằng mức độ gần gũi với cuộc sống của toán học là một sự thật bất ngờ với hầu hết bạn trẻ. Chẳng hạn, hàng ngày, mỗi người đều phải đưa ra nhiều quyết định, việc đưa ra quyết định dựa vào các thông số đã có.
PGS. Nguyễn Ngọc Doanh, Đại học Thủy lợi với bài giảng “Toán học trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. PGS. Nguyễn Ngọc Doanh là thành viên Tổ thông tin đáp ứng nhanh (về sau được đổi tên thành Tổ an toàn Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ là cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giúp Ban chỉ đạo trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.
GS. Vũ Hà Văn, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata với bài giảng “Chuyện của Paul”. GS. Vũ Hà Văn đã có lý giải về việc ai đó gặp may trong các trò đỏ đen? Vì sao con bạch tuộc đoán đúng các kết quả trận bóng đá? Vì sao một chú cún có thể chơi chứng khoán giỏi?
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia: GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS. Đoàn Thái Sơn, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); TS. Võ Sĩ Nam, VinBigdata; GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, GS Toán của ĐH Yale (Mỹ); PGS. Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học và Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF; Nguyễn Xuân Hoàng, Công ty Misa; TS. Hà Minh Hoàng, Trường Đại học Phenikaa; PGS. Nguyễn Ngọc Doanh, Đại học Thủy lợi.
Tại tọa đàm các chuyên gia và khách mời đã thảo luận về cơ hội nghề nghiệp, hướng phát triển cho sinh viên học Toán.
Các bạn học sinh, sinh viên đã đặt các câu hỏi cho các chuyên gia: sinh viên có nhất thiết phải học Toán không? Cơ hội việc làm sau này khi học Toán?
PGS. Phan Thị Hà Dương cho rằng, nếu lựa chọn theo Toán thì cần thận trọng. Việc theo đuổi Toán lý thuyết đến một lúc nào đó sẽ rất căng thẳng bởi vì nếu không tập trung cao độ và có tư duy sâu sắc thì làm mãi mà không nhận được kết quả nào. Trong khi với cùng một năng lực và thời gian như thế, làm nghề khác đã có thể đạt được kết quả.
TS. Võ Sĩ Nam, Trưởng phòng Tin y sinh ứng dụng, VinBigdata, nói rằng, thực ra, Toán học tồn tại rất tự nhiên trong cuộc sống, nên đừng tách biệt hóa. TS. Võ Sĩ Nam nêu thực tế yêu cầu của viện nơi ông công tác rất đa dạng, có thể Toán, Hóa, Sinh, nhưng quan trọng nhất chỉ cần nắm chắc, hiểu sâu kiến thức và có tư duy mô hình hóa bài toán thực tế.
GS. Vũ Hà Văn cho biết, Toán học chia thành hai hướng nghiên cứu và là công cụ để làm việc.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Misa chia sẻ, nền tảng cơ bản của Tin học là Toán. Nếu học Toán giỏi thì chắc chắn lập trình giỏi, vì lập trình cần tư duy logic của Toán.
GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho hay, Toán học bây giờ có mặt ở rất nhiều nơi, độ khó, phức tạp phân chia theo từng lĩnh vực. Chúng tôi cũng giống như một giáo phái, luôn có trách nhiệm “truyền đạo”, thuyết phục các bạn đi theo ngành Toán nhưng không có nghĩa là làm nghiên cứu toán mà còn nhiều cơ hội khác sử dụng toán trong cuộc sống.