Hôm qua (12/10/2020), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup tổ chức “Lễ ký kết tài trợ dự án Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ năm 2020 cho 28 dự án với tổng giá trị hơn 136 tỷ đồng.

VINIF tài trợ phi lợi nhuận cho các dự án với mong muốn xây dựng văn hóa, tác phong nghiên cứu hiệu quả và chuyên nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học – công nghệ Việt Nam.

28 dự án nhận tài trợ năm nay thuộc nhiều lĩnh vực như Gen và tế bào; Khoa học máy tính; Trí tuệ nhân tạo; Tự động hóa; Năng lượng tái tạo; Vật liệu thế hệ mới… được lựa chọn từ 139 hồ sơ gửi về trong năm 2020. Với suất tài trợ cao nhất lên tới 10 tỷ đồng, giải ngân ngay trong tháng 10, các nhà nghiên cứu sẽ có nguồn lực kịp thời để chi trả cho thành viên dự án, thuê chuyên gia trong và ngoài nước, mua nguyên nhiên vật liệu, trang thiết bị, thực hiện công bố quốc tế và đăng ký sáng chế…

Ngoài ra, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) sẽ hỗ trợ nguồn lực cho các dự án như giới thiệu chuyên gia tư vấn, cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu lớn và sở hữu trí tuệ từ hệ sinh thái nghiên cứu của Tập đoàn Vingroup. VINIF cũng tạo điều kiện giới thiệu, ứng dụng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nghiên cứu vào thực tế, tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để các dự án tiếp tục hoàn thiện và phát triển sau khi dự án kết thúc… Đây được xem là bước đột phá trong tư duy tài trợ dự án của Tập đoàn Vingroup, qua đó thúc đẩy một cách bền vững sự phát triển của nền khoa học – công nghệ Việt Nam.

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ký kết tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học.

Để được lựa chọn, những dự án nhận tài trợ đã trải qua 3 vòng đánh giá, xét chọn nghiêm ngặt và công bằng của Hội đồng Khoa học cùng sự tư vấn của hơn 50 giáo sư, tiến sĩ như: GS Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW), GS. Hồ Tú Bảo (Viện NCCC về Toán), GS. Phan Thanh Sơn Nam (GS hóa học ĐHQG TP HCM), GS. Nông Văn Hải (Viện HL KHCN VN), GS. Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago), GS. Nguyễn Thái Thục Quyên (ĐH California), GS. Đỗ Ngọc Minh (VinUni)… Việc đánh giá cũng dựa trên 5 bộ tiêu chí gồm Mức độ cần thiết của đề tài; Năng lực nghiên cứu của tác giả, cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; Tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; Tác động tới kinh tế – xã hội; Tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học – công nghệ của sản phẩm, dịch vụ. Những dự án được lựa chọn có tính ứng dụng thực tiễn cao, có thể mang lại giá trị lâu dài cho xã hội.

GS. Vũ Hà Văn phát biểu tại lễ ký kết

Phát biểu tại lễ ký kết, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ: “Mặc dù gặp khó khăn chung do dịch Covid -19 nhưng Tập đoàn Vingroup vẫn quyết tâm duy trì hỗ trợ khoa học vô điều kiện. VINIF luôn mong muốn các nhà khoa học Việt có cơ hội tốt nhất để chuyên tâm nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả, từ đó tạo ra sự khác biệt, đổi mới cho môi trường nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”.

Đây là năm thứ hai Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup thực hiện chương trình tài trợ dự án nghiên cứu thường niên cho các công trình khoa học tại Việt Nam. Năm 2019, 20 dự án khoa học công nghệ đã nhận tổng mức tài trợ 124 tỷ đồng. Qua một năm thực hiện, các dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần từng bước giải quyết những vấn đề thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng như thế giới, như: nghiên cứu vaccine và hệ thống cảnh báo chống Covid-19, phát triển công nghệ in 3D, phát minh vật liệu mới…

Tài trợ các dự án nghiên cứu thường niên là một trong những hoạt động nhằm xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu ứng dụng khoa học trong và ngoài nước của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trong nỗ lực góp phần tạo nên thay đổi tích cực cho nền khoa học công nghệ Việt Nam. Bên cạnh chương trình tài trợ dự án nghiên cứu tiềm năng, VINIF nỗ lực thực hiện trao học bổng cho sinh viên tài năng, kí kết hợp tác với đơn vị nghiên cứu, trường Đại học để xây dựng chương trình đào tạo khuyến khích khoa học. Tháng 11 tới đây, Quỹ cũng sẽ tổ chức lễ trao học bổng thường niên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược với trị giá học bổng từ 120 triệu đến 150 triệu/học viên/năm.

Theo Dân Trí

Là một quỹ tư nhân mới ra đời, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã mạnh dạn đặt mục tiêu tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo với cam kết tài trợ lâu dài và đủ mạnh, thậm chí chấp nhận rủi ro. Để làm được điều đó, VINIF cần tới một cơ chế vừa đủ chặt chẽ vừa linh hoạt cho phép Quỹ liên tục cập nhật để “chọn mặt gửi vàng” vào những nhóm nghiên cứu thực sự có tiềm năng.

Các nhà nghiên cứu Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine. Vabiotech là một trong những đơn vị đã nhận được tài trợ của VINIF cho nghiên cứu về vaccine phòng COVID-19. Ảnh: nhandan.

Ra mắt từ tháng 8/2018 và được cộng đồng khoa học công nghệ rất quan tâm nhưng VINIF chỉ thực sự được đông đảo xã hội chú ý khi tài trợ khẩn cấp cho ba dự án về Covid vào tháng 3/2020 trong đó có một dự án đồng tài trợ cùng Bộ Khoa học và Công nghệ. Cú bắt tay giữa một đơn vị quản lý nhà nước về khoa học và một quỹ tư nhân để cùng tài trợ cho các nhóm nghiên cứu như vậy là điều hết sức mới mẻ của Việt Nam.

Đề cập đến đợt tài trợ đột xuất này, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành VINIF, cho biết, sau khi trao đổi và được Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc hoan nghênh ý tưởng đồng tài trợ, chỉ trong vòng có mấy chục tiếng đồng hồ, một văn bản thỏa thuận với rất nhiều điều khoản mới như điều kiện hợp tác, quy trình rót một khoản kinh phí rất lớn (cả hai bên tài trợ 16 tỉ đồng), cách phối hợp đánh giá nghiệm thu đề tài… đã được hình thành. Vậy làm thế nào để một quỹ vừa mới thành lập hai năm đã có đủ kinh nghiệm để nhanh chóng tài trợ đột xuất, khẩn cấp theo cách này? “Bí quyết” để VINIF làm được việc này dựa vào hai từ “chặt chẽ và linh hoạt” trong cơ chế hoạt động, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương cho biết.

Quản lý chặt chẽ và linh hoạt

Sau hai năm hoạt động, VINIF đã tổ chức nhiều chương trình và hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho viện nghiên cứu, trường đại học, nhóm nghiên cứu trẻ và các cá nhân, từ chương trình hỗ trợ nghiên cứu thường niên, học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước cho đến cả các tài trợ nhỏ, ngắn hạn hơn như các hội thảo, tọa đàm và diễn đàn khoa học, cố vấn khoa học.

Để đảm bảo không hành chính hóa thủ tục và tài trợ một cách linh hoạt nhất cho các đề tài, VINIF không đưa ra một mốc thời gian cứng về tiến độ mà chỉ gợi ý chia ra làm ba giai đoạn, sau đó các chủ nhiệm đề tài tự xác định mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng dựa trên đặc thù đề tài của mình.

Các khoản tài trợ cho các dự án và hoạt động nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau như y dược học, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, robotics, tự động hóa, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, nguyên liệu thế hệ mới… đều ở dạng “tài trợ mồi”, quy mô trung bình 5 tỉ và cao nhất có thể lên tới 10 tỉ/dự án.

Mục đích của VINIF, theo Giáo sư Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata là góp phần tạo điều kiện cho “các nhóm nghiên cứu có được một khoản tiền đủ lớn để nghiên cứu được các sản phẩm mang tầm quốc tế” và để sau đó có được nền móng tốt tiếp tục con đường nghiên cứu phía trước. Trên thực tế, mức tài trợ của VINIF cũng tương đương với mức tài trợ của Mỹ cho một công trình nghiên cứu khoảng ba năm.

Để chọn được những nhóm nghiên cứu thực sự mạnh, có tiềm năng thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn như vậy, VINIF đòi hỏi một quá trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, đặc biệt là hội đồng phản biện gần như phải “đo ni đóng giày” cho từng đề tài chứ không thành lập một hội đồng chung. “Quá trình tìm người phản biện rất công phu vì các hồ sơ đến từ rất nhiều ngành khác nhau mà không phải cứ người đúng chuyên ngành là đã có thể phản biện được. Hội đồng khoa học đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công của việc chọn lựa đề tài nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch”, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương cho biết.

Về quy trình, Quỹ VINIF đang áp dụng việc thực hiện ba vòng phản biện cho tất cả các đề xuất tài trợ: Ở đợt phản biện đầu tiên, mỗi hồ sơ sẽ được ba nhà khoa học trong nước đọc; Vòng hai gồm 2 nhà khoa học, trong đó có nhà khoa học nước ngoài tiếp tục phản biện (ở vòng này các nhà khoa học sẽ đánh giá cả mức độ phù hợp trong đề xuất tài chính của dự án); Ở vòng cuối cùng, các chủ nhiệm dự án trực tiếp trình bày về dự án của mình trước một hội đồng 10 thành viên. Như vậy với 133 hồ sơ nộp vào năm 2020, qua ba vòng phản biện, đã có tới gần 500 lượt đọc và cần tới hơn 50 nhà khoa học tham gia các hội đồng để cuối cùng Quỹ đã chọn được 22 dự án khoa học công nghệ hướng ứng dụng (ngoài ra còn có 6 dự án công nghệ ứng dụng đã được xét duyệt trước đó).

Theo thông lệ phổ biến trong quản lý tài trợ khoa học, VINIF không rót kinh phí tài trợ một lần mà theo từng giai đoạn đăng ký của chủ nhiệm đề tài. Hết mỗi giai đoạn, các đề tài sẽ được hội đồng nghiệm thu tiến độ rồi mới nhận tiếp kinh phí của giai đoạn tiếp theo. Để đảm bảo không hành chính hóa thủ tục và tài trợ một cách linh hoạt nhất cho các đề tài, VINIF không đưa ra một mốc thời gian cứng về tiến độ mà chỉ gợi ý chia ra làm ba giai đoạn, sau đó các chủ nhiệm đề tài tự xác định mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng dựa trên đặc thù đề tài của mình.

Từ hiện trạng thực tế mặt bằng công bố quốc tế ở Việt Nam đang tập trung vào số lượng nhiều hơn là hướng tới chất lượng ở các tạp chí top đầu, các nhà khoa học cũng khuyến nghị VINIF cần thảo luận xem có nên đặt ra tiêu chí về số lượng bài báo cần đạt hay không.

Nhờ linh hoạt trong những công việc quản lý thường xuyên như vậy nên VINIF ứng phó rất nhanh chóng với những trường hợp tài trợ đột xuất như các đề tài nghiên cứu về COVID-19 kể trên. Thay vì rót kinh phí cho các đề tài COVID-19 theo ba đợt với định mức 30%-30%-30% và cuối cùng là 10% khi nghiệm thu kết quả thì VINIF rót kinh phí cho các đề tài COVID-19 theo tỉ lệ 70%-30% để các nhóm nghiên cứu có ngay nguồn lực cho các nghiên cứu thực nghiệm.

Học hỏi và rút kinh nghiệm

Đánh giá chất lượng hồ sơ đầu vào và sản phẩm đầu ra là vấn đề quan trọng của các quỹ đầu tư cho khoa học. VINIF cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Đây là lý do vì sao Quỹ dành nhiều thời gian và công sức vào mục tiêu xây dựng một danh mục tạp chí uy tín để phục vụ cho việc đánh giá hồ sơ và nghiệm thu tài trợ. Và cũng bởi có một thực tế khác là “các hội đồng không thể bao gồm hết các chuyên gia, các chuyên gia không đủ mạnh để đánh giá hết các đề tài”, theo nhận xét của giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch hội đồng ngành Toán Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED), nhận xét trong Hội thảo Nâng cao chất lượng công bố khoa học do VINIF tổ chức ngày 7/10 vừa qua.

Tuy nhiên để xây dựng được một danh mục tạp chí uy tín như mong muốn không đơn giản vì hiện nay có hiện tượng các tạp chí, kể cả thuộc Q1 nằm trong cơ sở dữ liệu của Web of Science – ISI hoặc Scimago có chất lượng rất chênh lệch. Do đó, chọn được một danh mục tạp chí phù hợp, nhận được sự chấp thuận của cộng đồng không chỉ là câu hỏi đặt ra đối với riêng VINIF mà là câu hỏi chung với bất kỳ một quỹ tài trợ nghiên cứu nào.

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đều thống nhất với mức hỗ trợ tài chính mà Quỹ VINIF đang hỗ trợ các dự án, việc thu hẹp danh mục tạp chí được nghiệm thu, đảm bảo chất lượng, uy tín là điều cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào một danh sách tạp chí cố định, mà cần có một tiêu chí cụ thể và rõ ràng, kết hợp với đánh giá của Hội đồng xét duyệt, đặc biệt khi Quỹ VINIF đang tài trợ các dự án đa ngành, liên ngành, và cần sự đa dạng hoá.

Các nhà khoa học thuộc các hội đồng khoa học chuyên ngành đều tư vấn VINIF nên học theo kinh nghiệm xây dựng danh mục tạp chí của các quỹ đi trước, đã được thảo luận nhiều và đang được thống nhất sử dụng. “Nếu tự nhiên VINIF đưa ra danh mục riêng thì chắc khó đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học”, theo PGS. TS Đinh Văn Trung, Viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam).

Lý do thứ hai để VINIF nên vận dụng danh mục của các quỹ đi trước vì quá trình rà soát các tạp chí từ đầu và xây dựng một danh sách riêng sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực con người, mà VINIF khó lòng đảm đương. Với kinh nghiệm cá nhân, giáo sư Ngô Việt Trung cho biết, các hội đồng khoa học cũng phải liên tục thảo luận và bàn bạc rất nhiều lần mới đưa ra được những tiêu chí về danh mục tạp chí uy tín để xét duyệt. Ví dụ, trong mười năm qua, hội đồng khoa học các nhiệm kỳ của Quỹ NAFOSTED (mỗi nhiệm kỳ 2 năm) cũng liên tục thảo luận để hoàn thiện, đưa ra các danh mục ngày càng phù hợp hơn. Qua gần 10 năm thì cách làm này cho thấy hiệu quả tốt.

Giáo sư Ngô Việt Trung cũng tư vấn, để xây dựng một danh mục chất lượng cao thì không nên để một nhóm nhà khoa học xây dựng, vì khi đó sẽ dẫn tới tình trạng bị tính chủ quan của từng người ảnh hưởng. VINIF nên dựa vào tiêu chí định lượng cứng: bắt đầu xuất phát từ cơ sở dữ liệu được cộng đồng thống nhất, ví dụ như danh mục Q1 của Web of Science hoặc Scimago, tiếp tục thu hẹp lại bằng việc chọn tốp đầu của Q1, sau đó cùng thảo luận với các chuyên gia uy tín của từng ngành để chốt danh mục.

Song song với đó, đặt mục tiêu nâng cao chất lượng công bố quốc tế ở Việt Nam, các nhà khoa học khuyến nghị VINIF cần thảo luận xem có đặt ra tiêu chí về số lượng bài báo cần đạt hay không? Nếu nhóm nghiên cứu phải chia ra đăng cho đủ số lượng thì chất lượng sẽ không bằng so với việc nhóm chuyên tâm, có thời gian dài hơi cho nghiên cứu và công bố, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nêu.

Mục tiêu của Quỹ VINIF là thông qua việc tài trợ cho các dự án rất cụ thể để nhằm giới thiệu, hiện thực hóa một số mô hình phổ biến hữu dụng cho quá trình phát triển ở các nước, rất cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam nhưng người Việt đa phần chưa có những hình dung về các mô hình đó. Ví dụ như mô hình doanh nghiệp hỗ trợ nghiên cứu của các trường đại học đã rất phổ biến ở các nước phương Tây nhưng Việt Nam chưa có và cần phải được thúc đẩy. Một mô hình khác nữa là học tiến sĩ hoặc thạc sĩ toàn thời gian vẫn còn xa lạ ở Việt Nam thì các chương trình hỗ trợ học bổng, với số tiền vừa phải (khoảng hơn 10 triệu mỗi tháng) vừa đủ cho cuộc sống đơn giản của nghiên cứu sinh nhưng họ không phải lo về cuộc sống, mà dành thời gian để nghiên cứu. Đó là những mô hình nên trở nên phổ biến ở Việt Nam. Những gì chúng tôi làm chỉ có thể tác động một phần nhỏ cho cộng đồng những người làm nghiên cứu ở Việt Nam, nhưng nếu như nó tạo ra được cảm hứng, được nhiều người ủng hộ, nhiều người cùng làm, các doanh nghiệp khác cũng thúc đẩy thì có thể sẽ tạo ra thay đổi trong cả cộng đồng nghiên cứu và xã hội nói chung. GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Quỹ VINIF

Đặt thêm vấn đề về thời gian nghiệm thu, TS Nguyễn Việt Cường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu ra điểm chưa hợp lý trong nghiệm thu đề tài hiện nay “với quy định phải kiểm toán hằng năm, các chủ nhiệm đề tài nhà nước phải bằng mọi cách xuất bản trong thời hạn quy định (thường là 2 năm – PV), trong khi các tạp chí tốp đầu có thể mất tới hai năm mới đăng bài”. Do đó anh đề nghị VINIF có thể khắc phục điều đó bằng cách “linh hoạt hơn, không chỉ là hết dự án là nghiệm thu, mà hội đồng có thể đánh giá chất lượng và khả năng công bố trên các tạp chí top đầu tới đâu để gia hạn cho nhóm nghiên cứu”.

Theo Tia Sáng

Dự án vắc-xin “made in Vietnam” phòng virus SARS-CoV-2 được các nhà khoa học của công ty Vabiotech triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup) đang có triển vọng “về đích” sớm.

Vượt tiến độ 2 tháng

Một ngày giữa tháng 6, ThS.Mạc Văn Trọng – Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế – nhận được tin từ TS. Đỗ Tuấn Đạt (Chủ tịch Vabiotech), cho hay, dự án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 của ông và các đồng sự “đã có kết quả. Vắc-xin dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao.”

Với ThS.Trọng và nhóm nghiên cứu của công ty Vabiotech, kết quả này có ý nghĩa “sống còn”. Dự án nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 mà họ đang theo đuổi đang đi đúng hướng và đã cho kết quả bước đầu. “4 tháng quên ăn quên ngủ của chúng tôi đã được đền đáp”, nhà nghiên cứu của Vabiotech chia sẻ. 

ThS. Mạc Văn Trọng đang phân tích kết quả biểu hiện gen S của Covid-19 tại Phòng thí nghiệm Viện Sinh-Hóa, Trường Đại học Bristol (Anh)

Trước đó, ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc-xin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện VSDTTƯ xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.

“Đây là cơ sở để phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh”, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng 0 Phó trưởng khoa Virus, Viện VSDTTƯ, nhận định.

Với kết quả này, Vabiotech đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc-xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc-xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Các nhà nghiên cứu của Vabiotech đang tiến hành lấy mẫu máu chuột để đánh giá kháng thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm.
PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN và PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc Điều hành VinIF ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo Thạc sĩ Ngành Khoa học Dữ liệu

Không sốt ruột trước thông tin nhiều nước đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 trên người nhưng các nhà khoa học của Việt Nam cũng đang thực sự chạy đua với thời gian, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ của làn sóng Covid-19 thứ 2. Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng sẽ đón đầu nhờ kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2.

“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này”, ThS.Trọng cho biết. “Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vắc-xin bình thường, thời gian 18 – 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể”.

Cũng theo đại diện Vabiotech, dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc-xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc-xin cho Việt Nam, nhất là các vắc-xin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng Corona virus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là sẽ cho ra đời loại vắc-xin mới rất nhanh .

“Khi một nước nào đó có vắc-xin thương mại họ sẽ ưu tiên bảo vệ người dân của họ trước. Như đợt đại dịch cúm A/H1N, mua 1 liều vắc-xin đã khó chưa nói gì đến mua cả triệu liều. Vì thế, tính chủ động vắc-xin của một quốc gia là rất quan trọng” – ThS. Mạc Văn Trọng lý giải. 

Hai nghiên cứu về SARS-CoV-2 do VinIF tài trợ đều có kết quả tốt

Sau chục năm tham gia và đứng chính nhiều công trình lớn nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, với ThS. Mạc Văn Trọng, dự án lần này là đặc biệt nhất. Lý do không chỉ bởi bối cảnh “virus thế kỷ” đang nhấn chìm thế giới trong đại dịch mà còn bởi những sóng gió chưa từng có mà nhóm nghiên cứu đã trải qua.

Dự án khởi đầu rất thuận lợi do được tài trợ kinh phí diện “khẩn cấp” của Quỹ VinIF, nhằm ứng phó với một đại dịch toàn cầu. Nhiều công đoạn nghiên cứu của dự án đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) ngay từ đầu tháng 2/2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, dự án đã suýt đổ bể khi châu Âu bị phong tỏa, toàn bộ các hoạt động nghiên cứu phải tạm dừng. Do đã lường trước nguy cơ này nên nhóm nghiên cứu đã làm việc gần như 24/7, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. May mắn là các thành viên vừa rời đi thì nước Anh phong tỏa và về đến Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3.

“Chúng tôi đã chịu áp lực rất lớn. Lo ngại nhất khi đó là không chuyển được mẫu về Việt Nam, bởi nếu thế thì kết quả nghiên cứu gần 2 tháng trời sẽ đổ sông đổ biển”, ThS. Trọng nói về quãng thời gian khó khăn nhất.

Để bù tiến độ cho 14 ngày gián đoạn vì cách ly tập trung sau khi về nước, nhóm nghiên cứu tiếp tục làm việc với cường độ 1 ngày bằng 2 ngày. Phòng thí nghiệm của Vabiotech khi đó đã trở thành “phòng cách ly để nghiên cứu” của những nhà khoa học trở về từ Anh. Nhờ thế mà chỉ 1 tháng sau, dự tuyển vắc-xin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.   

Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng chống dịch bệnh mà đến nay đã khiến gần 9 triệu người trên toàn thế giới nhiễm, gần 500.000 người tử vong, là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc-xin đại dịch.  

“Nhờ nguồn kinh phí tài trợ, công ty đã nâng cấp được hệ thống nuôi cấy tế bào Bioreactor vốn đã được trang bị gần 10 năm trước. Model thế hệ mới này thích ứng hơn với công nghệ vector virus mà chúng tôi đang dùng” – TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Vabiotech tiết lộ.

Cũng theo tác giả của nhiều nghiên cứu phát triển vắc-xin “made in Vietnam”, dự án của Vabiotech có thể tăng tốc còn do được “hưởng lợi” từ những kết quả của đề tài nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của virus SARS-CoV-2 mà Viện VSDTTƯ đang triển khai. Đây cũng là một dự án cấp bách do Quỹ VinIF tài trợ ngay khi Covid-19 mới bùng phát. Nhờ các thông tin “giải mã” này mà dù nhiều nước đã “việt vị” trong dự đoán về dịch bệnh nguy hiểm bậc nhất đầu thế kỷ XXI, Việt Nam vẫn có thể làm chủ tình hình.

“Việt Nam đã xuất sắc khi trở thành một điểm sáng của thế giới về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi kỳ vọng vào những thắng lợi tiếp theo, trong đó có vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” – TS. Đỗ Tuấn Đạt đặt mục tiêu.

Minh Tuấn (VietNamNet – https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/vac-xin-covid-19-made-in-vietnam-vuot-tien-do-du-kien-651931.html)