“Việt Nam đang thực sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dữ liệu. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đồng hành cùng các cơ sở đào tạo để khuyến khích các bạn trẻ có năng lực học tập và nghiên cứu khoa học dữ liệu – vốn là ngành không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Đây là chia sẻ của Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup khi triển khai Chương trình tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu vào ngày 18 tháng 7 năm 2020.

GS. Vũ Hà Văn phát biểu tại Lễ ký kết Hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu năm 2020

Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo là hai ngành quan trọng trong cuộc Cách mạng 4.0. Với mong muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, năm 2020, Quỹ VINIF đã mở Chương trình tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu, giữa VINIF và các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành của Việt Nam. Chương trình hướng tới mục tiêu hỗ trợ nguồn lực tài chính và công nghệ, mạng lưới tri thức và chuyên gia cho cơ sở đào tạo và học viên cao học có điều kiện học tập, nghiên cứu đạt tầm quốc tế. Mỗi năm Quỹ VINIF tài trợ 2 tỷ đồng với thời gian tài trợ dự kiến 3 năm.

Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup và
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ngày 18 tháng 7 năm 2020)

Năm 2020, Quỹ VINIF ký kết tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu với 5 đơn vị đào tạo gồm: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện John von Neumann – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong năm đầu tiên triển khai chương trình, các đề án đã đạt được một số kết quả ấn tượng: chương trình giảng dạy được cập nhật, xây dựng bài bản, hiện đại; đội ngũ cán bộ giảng dạy và các chuyên gia là các nhà khoa học tâm huyết, có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tuyển được các sinh viên xuất sắc bậc đại học lên học tiếp thạc sỹ khoa học với số lượng vượt trội; 70 công trình công bố trên các tạp chí, hội thảo hàng đầu trong lĩnh vực có sự tham gia của các học viên; tạo cơ hội học tập và nghiên cứu với các nhà khoa học uy tín trên thế giới cho học viên; nâng cao năng lực, kinh nghiệm và truyền cảm hứng trong nghiên cứu khoa học cho học viên; nâng cấp cơ sở vật chất cho các đề án tiếp cận dần chuẩn quốc tế; tăng cường kết nối trong nước – quốc tế; tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Học viên của Chương trình tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu giữa VINIF và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 2021, Quỹ VINIF đã ký kết tài trợ thêm 01 đề án mới với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM và tiếp tục tài trợ lần hai cho các đề án năm 2020. Tính đến nay, Quỹ VINIF đã tài trợ 06 đề án đào tạo Thạc sĩ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành của Việt Nam, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng.

Một tác động quan trọng của chương trình này là hai ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã trở thành hai ngành mới trong danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước năm 2022, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chưa có mã ngành trong danh mục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chỉ là chuyên ngành trong các ngành khác.

Theo Thông tư 09 /2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc mở ngành mới trình độ thạc sĩ phải đáp ứng Điều 2 của Thông tư. Trong đó nhấn mạnh đến việc phải “Có phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ liên quan đến ngành đăng ký đào tạo nếu chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng” và cần có minh chứng về nhu cầu nhân lực, hợp tác hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc đào tạo, sử dụng nhân lực của ngành học mới này.

Các văn bản thỏa thuận, hợp tác, cam kết tài trợ của VINIF chính là những minh chứng rất quan trọng cho thấy việc mở ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo – đào tạo trình độ thạc sĩ là rất cần thiết. Năm 2020, Trường Đại học Quy Nhơn đã gửi đề án đề nghị mở ngành đào tạo mới trình độ thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng lên Bộ GD&ĐT. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành (Điều 33 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học – Luật số 34/2018/QH14), Hội đồng Trường Đại học Quy Nhơn đã ra Nghị quyết về việc mở ngành đào tạo mới và Hiệu trưởng đã ra Quyết định mở ngành thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng, mã số đề nghị là 8904648. Đây là ngành đào tạo Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ đầu tiên của cả nước. Năm 2021, cũng từ các thỏa thuận và hợp tác của Quỹ VINIF, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HCM cũng trình đề án lên Đại học Quốc gia HCM để đề nghị mở ngành Trí tuệ nhân tạo thí điểm và cũng đã được chấp thuận.

Theo Thông tư số 09/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ GD&ĐT, ngành Khoa học dữ liệu và ngành Trí tuệ nhân tạo, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, đã chính thức là hai ngành mới và có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Hiện tại, nhóm ngành Toán học sẽ bao gồm ngành Toán học, ngành Khoa học tính toán, ngành Khoa học dữ liệu, ngành Toán ứng dụng, ngành Toán cơ, ngành Toán tin. Nhóm ngành Máy tính sẽ bao gồm ngành Khoa học máy tính, ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, ngành Kỹ thuật phần mềm, ngành Hệ thống thông tin, ngành Kỹ thuật máy tính, ngành Trí tuệ nhân tạo. Điều này có nghĩa ngành Khoa học dữ liệu và ngành Trí tuệ Nhân tạo đã được chính thức hóa việc đào tạo tại Việt Nam.

Với sự hợp tác của Quỹ VINIF và các viện, trường trên cả nước, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đã trở thành hai ngành mới trong danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp xu hướng phát triển, hướng đến xây dựng nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam.

(Báo Tuoitre.vn) VinIF đã tài trợ 83 dự án, trợ lực hơn 400 nhà khoa học, trao gần 800 học bổng, kết nối gần 200 tổ chức, đơn vị.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trợ lực hơn 400 nhà khoa học - Ảnh 1.
VinIF hướng đến mục tiêu xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, làm chủ công nghệ lõi, xây dựng văn hóa nghiên cứu và phát triển các cộng đồng nghiên cứu khoa học. Ảnh: B.C

Đây là những con số thành tựu mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) vừa thống kê và cho biết đã bền bỉ trợ lực cho các nhà khoa học chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động.

“Với khát vọng đổi mới văn hóa làm khoa học, chúng tôi đã và đang âm thầm xây dựng một hệ sinh thái gắn kết, cùng chung tay cho mục tiêu phát triển khoa học – công nghệ nước nhà”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.

Tạo ổ cho “phượng hoàng”

Là 1 trong 158 nhà khoa học trẻ đầu tiên được nhận học bổng Thạc sĩ của VinIF năm 2019, Thạc sĩ Phan Kế Sơn, Viện Khoa học vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết đây là sự động viên rất lớn.

“Đối với tôi, học bổng này có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần. Hiện tôi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ đạt điểm xuất sắc, có một công bố trên tạp chí Q1 và một công bố tại hội thảo quốc tế. Tôi cũng may mắn là một trong hai nhà khoa học trẻ đại diện cho Viện tham gia dự hội nghị khoa học thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu 2021 tổ chức tại Singapore”, anh Sơn chia sẻ.

Không chỉ thạc sỹ Sơn, trong những năm qua đã có hơn 780 nhà khoa học nhận được các học bổng từ VinIF. Với mục tiêu xây dựng văn hóa nghiên cứu và phát triển các cộng đồng nghiên cứu khoa học, từ khi thành lập, đơn vị này đã liên tục cho ra đời các chương trình tài trợ mới mẻ, phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho những “phượng hoàng” chắp cánh.

Cụ thể, trong năm đầu tiên, đơn vị này đã ra mắt hai chương trình, gồm tài trợ các dự án KHCN và tài trợ học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Sang năm thứ hai, đơn vị này tài trợ và hợp tác thêm với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, chủ yếu ở lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức KHCN đến với đại chúng, liên tục hai chương trình hợp tác, tài trợ sự kiện – hội thảo; cùng Khóa học ngắn hạn và Giáo sư thỉnh giảng được VinIF triển khai mới.

Cũng theo đại diện đơn vị này, năm 2021, VinIF là một trong những Quỹ đầu tiên tại Việt Nam tiên phong tài trợ Học bổng Nghiên cứu Sau tiến sĩ (30 suất học bổng với mức 30 triệu đồng/tháng), thu hút nhiều tiến sĩ trẻ đã bảo vệ ở nước ngoài.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trợ lực hơn 400 nhà khoa học - Ảnh 2.
Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học – Công nghệ ghi nhận những con số nổi bật trong 3 năm triển khai. Ảnh: B.C

“Không dừng ở đó, từ năm 2019 đến nay, chúng tôi cũng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để hỗ trợ các bạn trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu “thai nghén” ngay trên ghế nhà trường. GS. Lê Quân, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, VinIF góp sức cùng các trường đại học thực hiện nhiệm vụ ươm tạo thế hệ nhà khoa học kế cận, đáp ứng đòi hỏi của môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.

Theo GS.Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học VinBigData và VinIF (Tập đoàn Vingroup), đích đến cuối cùng của nghiên cứu khoa học phải là tạo ra được những nhà khoa học có tư duy lành mạnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Những sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tế, giúp nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng cuộc sống của người Việt và khẳng định tầm vóc trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Muốn làm được như vậy, nhà khoa học không thể đứng độc lập một mình, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực dài hạn của VinIF trong việc hỗ trợ nguồn lực phát triển dự án khoa học – công nghệ là nhằm mục tiêu đó”, GS.Vũ Hà Văn cho hay.

Tiên phong tài trợ “không trói buộc”

Chọn cho mình một hướng đi riêng, có thể nói VinIF không dàn trải mà tập trung đầu tư mũi nhọn. Theo các chuyên gia, đơn vị này lựa chọn các nhóm mạnh về nghiên cứu, có tính đột phá, hàm lượng khoa học cao trên các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tiễn hướng đến cộng đồng.

Đại diện đơn vị này cho biết cũng cam kết tài trợ mà không có bất kỳ “trói buộc”, các bản quyền phát minh, sáng chế của các dự án đều thuộc về chủ nhiệm cũng như cơ quan chủ trì của dự án đó. “Song song, chúng tôi cũng tiên phong “tháo gỡ” những nút thắt về cơ chế tài chính cũng như hành chính, nhằm giảm thiểu lượng giấy tờ quy chế, giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”, vị này nói.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup trợ lực hơn 400 nhà khoa học - Ảnh 3.
Chương trình Học bổng Đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước năm nay đã đạt được không ít cột mốc ấn tượng, khẳng định sức hút, uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đối với cộng đồng khoa học – công nghệ Việt Nam. Ảnh: B.C

Theo PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, giám đốc điều hành VinIF, tại Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp có Quỹ học bổng và tài trợ nghiên cứu ngoài doanh nghiệp với quy mô lớn. “Sự ra đời của VinIF được xem là cuộc cách mạng khi tiên phong tài trợ phi lợi nhuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học”, bà Dương nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng trước đây tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp là 70 – 30 (tức là 70% đầu tư đến từ ngân sách nhà nước) thì hiện nay đã tiến tới tỷ lệ 50 – 50. Theo xu thế của thế giới, Việt Nam sẽ hướng đến tỷ lệ 30 – 70. Điều này cho thấy sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Vingroup dành cho lĩnh vực khoa học công nghệ có ý nghĩa rất to lớn.

Bài viết trên Báo Tuoitre.vn

Ngày 18/7 Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VinBigdata) – Tập đoàn Vingroup đã ký kết Hợp tác đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu với 5 trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam.

Hợp tác đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu được Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF ký kết với 5 đơn vị đào tạo gồm: Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện John von Neumann – ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội. Mục tiêu chương trình hướng tới xây dựng các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng kết hợp lý thuyết chuyên sâu và thực tiễn tiến tới đạt trình độ quốc tế.

Theo thoả thuận hợp tác được kí kết, Quỹ VinIF sẽ hỗ trợ về nguồn lực tài chính, công nghệ, mạng lưới tri thức và chuyên gia cho mỗi cơ sở đào tạo trong 3 năm đầu để tạo tiền đề phát triển. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: Mời giáo sư thỉnh giảng; Xây dựng, bổ sung giáo trình và bài giảng; Tạo cơ hội học tập và nghiên cứu với các nhà khoa học uy tín trên thế giới cho học viên; Nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Quỹ VinIF sẽ tài trợ 10 suất học bổng cho sinh viên xuất sắc tại mỗi đơn vị nhằm khuyến khích sự phát triển của các tài năng.

Giáo sư Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành khoa học dữ liệu.

GS.Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI cho biết: “Việt Nam đang thực sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dữ liệu. Thông qua thỏa thuận Hợp tác đào tạo này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đồng hành cùng các cơ sở đào tạo để khuyến khích các bạn trẻ có năng lực học tập và nghiên cứu khoa học dữ liệu – vốn là ngành không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup ký kết hợp tác đào tạo với đại diện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đại diện phía đơn vị đào tạo, PGS. TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đặt sự kỳ vọng lớn vào hoạt động hợp tác với Tập đoàn Vingroup sẽ góp phần thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội trong lĩnh vực mũi nhọn hiện nay là khoa học công nghệ. Ngoài kinh phí tài trợ, sinh viên, học viên còn có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn thông qua các hoạt động: giảng dạy, hướng dẫn làm đề án hoặc luận văn”.

Khách mời tham dự Tọa đàm “Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và Cơ hội”.

Trong khuôn khổ chương trình, các bên đã cùng tổ chức Tọa đàm “Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và Cơ hội”. Người tham dự có cơ hội tiếp cận góc nhìn mới về khoa học dữ liệu và những thách thức căn bản của hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Sự kiện ký kết hợp tác đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu với 5 trường đại học, viện nghiên cứu cho thấy nỗ lực của Tập đoàn Vingroup trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đặt nền móng cho ngành khoa học, công nghệ Việt Nam tiệm cận thế giới.

Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VinBigdata) do tập đoàn Vingroup thành lập với vai trò hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho tương lai ngành khoa học công nghệ Việt Nam.
Quỹ VinIF triển khai 4 chương trình trọng tâm, gồm: Hỗ trợ các dự án nghiên cứu; Tài trợ học bổng sau đại học; Hợp tác đào tạo thạc sĩ và Hợp tác, Tài trợ hội nghị, hội thảo. Trước đó, trong năm 2019, Quỹ VinIF tài trợ 124 tỷ đồng cho 158 học viên cao học, nghiên cứu sinh và 20 dự án nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Minh Tuấn – VietNamNet

Dân trí Hợp tác đào tạo toàn diện giữa các trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp là chìa khóa để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học dữ liệu nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo khảo sát của Vietnamworks, ngành khoa học dữ liệu đứng thứ tư về nhu cầu tuyển dụng và mức thu nhập bình quân tại Việt Nam. Tại Mỹ, thống kê của Glassdoor cho thấy ngành khoa học dữ liệu đứng đầu trong 25 nghề tốt nhất, xếp thứ 16 về mức lương.

Tại buổi Tọa đàm Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và cơ hội được tổ chức tại Đại học Bách Khoa vào sáng 18/7/2020, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn nhận định nhu cầu về nhân sự ngành khoa học dữ liệu trên thế giới và Việt Nam đều rất lớn, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Các khách mời trao đổi tại buổi Tọa đàm: “Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và cơ hội”

Định hướng thạc sĩ, tiến sĩ là một nghề

Theo ITViệc, ngành CNTT sẽ thiếu hụt khoảng 25% nhân lực so với nhu cầu thực tế trong năm 2020, tương ứng với 350.000-400.000 người. Hàng năm, số lượng cử nhân IT ra trường trên 50.000 người. Tuy nhiên, hơn 70% số này phải qua đào tạo bổ sung để đủ trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo ngân hàng thế giới, nếu đánh giá trên thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á trong danh sách xếp hạng.

Tính riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo báo cáo của Vietnamworks, nhân sự có bằng sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ…) chỉ chiếm 7%, có bằng cử nhân đại học chiếm chủ yếu với 74%, còn lại là trình độ cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông.

Theo Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa, có 2 nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không theo học lên cao học, thứ nhất là nhu cầu của thị trường; thứ hai là quan niệm trong nước về đào tạo kỹ sư và thạc sĩ chưa rõ ràng.

Trước thực trạng trên, Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup cho rằng việc cần làm là tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao. “Thay vì bỏ chi phí để mua các sản phẩm của nước ngoài với giá cao, chúng ta cần tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao mới”.

Để thực hiện điều này, Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata), Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác đào tạo với 5 trường Đại học, Viện nghiên cứu nhằm hỗ trợ nguồn lực tài chính, công nghệ, mạng lưới trí thức, chuyên gia cho các cơ sở đào tạo và học viên cao học có điều kiện học tập và nghiên cứu theo trình độ quốc tế. Theo đó, VINIF sẽ tài trợ 2 tỷ đồng cho từng trường trong năm đầu tiên, hỗ trợ tối đa trong 3 năm.

Theo Phó Giáo sư Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF, Chương trình đào tạo của các trường Đại học, Viện lần này đặt mục tiêu đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng thực tế thay vì đào tạo để sau này làm tiến sĩ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phan Thị Hà Dương cho biết chương trình hợp tác giữa VinIF và các trường sẽ đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng thực tế.

Ngoài ra, Quỹ VINIF có chương trình tài trợ học bổng sau đại học dành cho các học viên cao học và nghiên cứu sinh xuất sắc đang hoặc sẽ theo học các chương trình sau đại học trong nước thuộc các chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc y dược, giá trị lần lượt 12tho0 triệu đồng/năm và 150 triệu đồng/năm.

Đây là một trong những cơ sở để hiện thực hóa cách nhìn nhận việc làm thạc sĩ, tiến sĩ là một nghề trong môi trường khoa học – một điều đã phổ biến ở nước ngoài nhưng Việt Nam thì chưa.

Nhiều chương trình đào tạo để lựa chọn

Trong khuôn khổ toạ đàm, Giáo sư Vũ Hà Văn chia sẻ về chương trình mới dành cho các bạn sinh viên năm cuối do Tập đoàn Vingroup phát động. Những bạn định hướng theo đuổi lĩnh vực khoa học dữ liệu hay trí tuệ nhận tạo sẽ được trang bị thêm kiến thức toán học và lập trình cần thiết trong quá trình làm việc thực tế kéo dài 6-12 tháng tại VinBigdata. Chương trình này sẽ trả thu nhập cho các bạn mà không có ràng buộc. “Sau một năm, khi thành kỹ sư lành nghề, cánh cửa hoàn toàn mở rộng với các bạn”, ông Văn nói.

Phó Giáo sư Trần Minh Triết – Viện trưởng Viện John von Neumann cho biết Đại học Quốc gia TPHCM đã đào tạo khoa học dữ liệu từ năm 2004.

Phó Giáo sư Trần Minh Triết, Viện trưởng Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết từ năm 2004, trường đã có khóa đào tạo định hướng chính về khoa học dữ liệu, máy học, trí tuệ nhân tạo. Ông Triết cũng chia sẻ chương trình của Viện không chỉ giới hạn ở các sinh viên tốt nghiệp đại học, mà mở rộng cơ hội cho sinh viên ưu tú học năm thứ ba, thứ tư, năm cuối.

Đại học Khoa học Tự nhiên, trường đầu tiên có đào tạo chính thức Thạc sĩ Khoa học Dữ liệu từ 2018 sẽ lần đầu tuyển sinh đại học ngành này từ 2020. Viện Toán học có Chương trình tạo nguồn học viên bằng việc nhận hướng dẫn khoa học các sinh viên năm cuối.

Đại học Quy Nhơn sẽ mở khóa đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu từ 2020, theo Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ – Hiệu trưởng nhà trường

Tại Đại học Bách Khoa, Hiệu trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết trường đang đổi mới quy trình học thạc sĩ, tích hợp song song với giai đoạn học cử nhân. Nhờ đó, sinh viên có thể lấy bằng thạc sĩ sau 5,5 năm. Với Đại học Quy Nhơn, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ chia sẻ từ năm 2020, trường sẽ mở khóa đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu ứng dụng, mang cơ hội tiếp cận lĩnh vực mới cho các học viên.

Đánh giá đây là “mô hình hợp tác văn minh, chưa có tiền lệ giữa một tập đoàn kinh tế và các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam”, PGS.TS Tạ Hải Tùng – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định mô hình này sẽ thay đổi cách thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam và “là hình mẫu cần được nhân rộng trong xã hội”.

Trường Thịnh – Dantri

Khoản tài trợ này chủ yếu được dùng để xây dựng, bổ sung giáo trình và bài giảng cũng như mời giáo sư thỉnh giảng, góp phần đưa các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng ở Việt Nam tiến tới đạt trình độ quốc tế.

5 trường đại học và viện nghiên cứu ký kết hợp tác với Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VinBDI) gồm: Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Toán học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện John von Neumann – Đại học Quốc gia TPHCM, và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu hoặc Toán ứng dụng ở mỗi trường, viện sẽ được nhận tối đa 2 tỷ đồng cho năm đầu tiên và thời gian hỗ trợ tối đa trong 3 năm. Ngoài ra, Quỹ VinIF còn tài trợ 10 suất học bổng trị giá 120 triệu đồng/năm cho học viên xuất sắc tại mỗi đơn vị.

PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF – ký kết hợp tác đào tạo với PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Vingroup

Ngày nay, dữ liệu chính là nguồn tài nguyên mới vận hành và thúc đẩy thế giới phát triển. Khoa học dữ liệu – lĩnh vực liên ngành dựa trên ba nền tảng kiến thức Toán học, Thống kê và Tin học – thể hiện vai trò lớn trong các lĩnh vực như y tế, tài chính, thương mại điện tử, công nghiệp giải trí, tra cứu trên Internet, hàng không, công nghệ nhận dạng.

Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác sáng 18/7 tại Hà Nội, GS Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBDI – nói, chúng ta “đã nhiều lần có cảm giác lỡ tàu trong các cuộc đua công nghệ” nhưng ông tin rằng, riêng ở lĩnh vực Khoa học dữ liệu, chúng ta có hy vọng bước được vào cuộc đua của thế giới vì đã có sẵn nguồn tài nguyên dữ liệu dồi dào.

“Trong cuộc đua này, yếu tố quan trọng nhất là con người được đào tạo đủ tốt,” ông nói và dẫn ra thực tế thời gian gần đây Viện VinBDI đã làm ra một số sản phẩm như nhận diện tiếng nói hay ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh y tế “không thua kém sản phẩm của các tập đoàn lớn như Samsung hay Google, thậm chí còn tốt hơn”. Ông nhấn mạnh, với những sản phẩm dựa trên dữ liệu tự có như nhận diện tiếng nói của người Việt thì chúng ta hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nước ngoài vì sản phẩm của Google, chẳng hạn, chỉ tập trung vào tiếng Anh và một số ngôn ngữ lớn khác. “Nếu chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên của mình để đào tạo lớp trí thức mới, lớp lao động chất lượng cao mới thì không có lý do gì phải đi mua sản phẩm của nước ngoài với giá rất đắt.”

PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VinIF, thì nhận xét, các chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng của các trường, viện tham gia ký kết với Quỹ mang tư duy hoàn toàn mới. “Khác với việc đào tạo thạc sĩ trước đây, hướng tới đào tạo những người tiếp tục đi theo con đường làm tiến sĩ hoặc giảng dạy và nghiên cứu thì lần này, các chương trình hướng đến ứng dụng, nghĩa là những bạn trẻ sau khi học xong có thể vào ngay các công ty và doanh nghiệp để làm việc.”

Phát huy thế mạnh riêng

Khoa học dữ liệu phân tích và khám phá tri thức mới từ các dữ liệu thực tế, tồn tại dưới nhiều dạng cấu trúc khác nhau như số liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh. Tại Việt Nam, chưa nhiều đơn vị đào tạo có đủ quy mô về nhân sự, đáp ứng được các điều kiện để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa học dữ liệu. Nhưng theo bà Phan Thị Hà Dương, tham gia ký kết hợp tác với Quỹ VinIF đều là những trường, viện uy tín và có nét riêng. “Mỗi trường đều có cách xây dựng chương trình đào tạo riêng để phát huy được hết thế mạnh của mình,” bà nói.

Chẳng hạn, từ tài trợ của Quỹ VinIF, Trường Đại học khoa học tự nhiên – nơi đầu tiên trong cả nước mở chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu từ năm 2018 – sẽ tạo cơ hội cho sinh viên trao đổi với chuyên gia quốc tế, còn các giảng viên và học viên sẽ có điều kiện tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước thường xuyên hơn.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo thạc sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh, với điểm nhấn là trường hè kéo dài 1 tuần có sự tham gia của nhiều giáo sư nước ngoài. Với đặc thù đó, Trường sẽ dành kinh phí để hỗ trợ học viên tham gia hội thảo quốc tế và công bố quốc tế.

Tọa đàm “Nhân lực chất lượng cao Khoa học dữ liệu: Thách thức và Cơ hội” với sự tham gia của lãnh đạo thuộc 5 trường, viện vừa tham gia ký kết hợp tác với Quỹ VinIF. Ảnh: Vingroup

Trường Đại học Quy Nhơn – trường trọng điểm ở miền Trung – đang hoàn thiện thủ tục để mở mới chương trình thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng – thì dự kiến có những suất học bổng hỗ trợ học viên và dành kinh phí tổ chức seminar, hội thảo.

Viện Toán học và Viện John von Neumann đều không chỉ chú trọng đào tạo thạc sĩ mà còn tìm kiếm, phát hiện sinh viên tiềm năng.

Trong đó, Viện Toán học dành một phần tài trợ để đón các sinh viên ngay từ năm 2 đến thực tập nghiên cứu và ứng dụng khoa học với các cán bộ nghiên cứu của Viện vào những khoảng thời gian phù hợp với việc học của các em. Với những sinh viên ở xa đến, Viện sẵn sàng hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở. Tại tọa đàm về nhân lực Khoa học dữ liệu chất lượng cao tiếp sau lễ ký kết hợp tác sáng 18/7, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học, cho biết ông khá bất ngờ khi số sinh viên đăng ký lên đến 30 em, nhiều hơn dự kiến ban đầu gần 4 lần.

Còn Viện John von Neumann, nơi chỉ đào tạo sau đại học, đề xuất mở rộng chương trình để những sinh viên ưu tú, tiềm năng cũng có thể tham gia học những môn ở bậc cao học ngay từ năm thứ ba, năm thứ tư và được tích lũy chứng chỉ, tạo nền tảng kiến thức vững vàng cho sau này, dù các em tiếp tục đi học hay đi làm.

Bên cạnh tài trợ cho các chương trình đào thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Toán ứng dụng, Quỹ VinIF còn có 3 chương trình khác, đó là Hỗ trợ các dự án nghiên cứu; Tài trợ học bổng sau đại học; và Tài trợ hội nghị, hội thảo. Trong đó, riêng năm 2019, Quỹ VinIF đã tài trợ 124 tỷ đồng cho 158 học viên cao học, nghiên cứu sinh và 20 dự án nghiên cứu KH&CN tại Việt Nam.

Theo Tia Sáng – https://tiasang.com.vn/-tin-tuc/Quy-VinIF-tai-tro-nhieu-ty-dong-cho-cac-chuong-trinh-dao-tao-thac-si-Khoa-hoc-du-lieu-va-Toan-ung-dung-25371