Ngày 25/10/2022, “Lễ công bố & sơ kết các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử” sẽ chính thức diễn ra. Qua bốn năm triển khai, lần đầu tiên Quỹ VINIF mở rộng tài trợ các dự án Văn hóa Lịch sử sau thời gian đầu chỉ tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ.
Chương trình tài trợ dự án Khoa học Công nghệ của VINIF được triển khai từ năm 2019, chương trình đã và đang tạo nên những tác động tích cực đối với môi trường và văn hóa nghiên cứu tại Việt Nam. Đến năm 2021, VINIF khởi động Chương trình lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bảo tồn những giá trị văn hóa của đất nước và hỗ trợ các nhà văn hóa thực hiện các dự án ấp ủ của mình.
Năm 2022, chương trình tài trợ dự án Khoa học Công nghệ và chương trình lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử đã tiếp nhận được 250 hồ sơ đề xuất. Trải qua ba vòng đánh giá khoa học, chặt chẽ, hội đồng khoa học công nghệ và hội đồng văn hóa lịch sử đã xét chọn được 19 dự án Khoa học Công nghệ và 05 dự án Văn hóa Lịch sử.
Đặc biệt tiếp sau lễ công bố là 02 bài giảng đại chúng về hai giải thưởng Nobel Y Sinh học và giải Nobel Vật lý năm 2022, do các chuyên gia uy tín và chủ nhiệm dự án trình bày.
Sự kiện lễ công bố dự án năm 2022 cũng sẽ là ngày hội giao lưu giữa các nhà khoa học công nghệ và các nhà văn hóa, nghệ sĩ; với cầu nối là chương trình ca nhạc do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đạo diễn, với sự tham gia của ca sĩ Phạm Thu Hà và các nghệ sĩ khác, đặc biệt là phần độc tấu tác phẩm Trống cơm sẽ do chính tác giả trình bày.
Vậy dự án khoa học công nghệ và dự án văn hóa lịch sử xuất sắc nào sẽ nhận được tài trợ năm 2022 của Quỹ VINIF?
Các dự án đã đạt được kết quả nghiên cứu như thế nào trong ba năm qua?
Thông tin về 24 dự án xuất sắc được nhận tài trợ năm 2022 sẽ được VINIF công bố trong buổi lễ ngày 25/10/2022 tới đây, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, các đại sứ quán tại Việt Nam, các viện khoa học, trường đại học, chủ nhiệm các dự án và một số thành viên hội đồng khoa học của Quỹ.
Hãy cùng đón đợi LỄ CÔNG BỐ & SƠ KẾT CÁC DỰ ÁN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ VĂN HÓA LỊCH SỬ và BÀI GIẢNG ĐẠI CHÚNG VỀ GIẢI NOBEL Y SINH VÀ NOBEL VẬT LÝ NĂM 2022.
Thời gian: Thứ Ba, ngày 25/10/2022.
09h00 – 12h00: Lễ công bố và sơ kết các dự án.
14h00 – 16h30: Bài giảng đại chúng về Giải Nobel Y sinh và Giải Nobel Vật lý năm 2022.
Hình thức tổ chức: Trực tiếp và phát trực tuyến trên Fanpage VINIF.
Địa điểm: Trung tâm hội nghị Almaz, Long Biên, Hà Nội.
#VinBigdata#VINIF#VINIF01#VINIF09#Duan#KhoahocCongnghe#VanHoaLichSu#BaiGiangDaiChung#Nobel
Dự án Mạng quang tử silicon trên chip điều khiển được thông qua trí tuệ nhân tạo (Chủ nhiệm dự án: TS. Trương Cao Dũng, đồng chủ nhiệm: PGS.TS Phạm Văn Cường) là một trong 20 dự án được VINIF tài trợ năm 2019.
Dự án hướng đến đem lại lợi ích cho cộng đồng nghiên cứu khoa học về kinh nghiệm thiết kế, mô phỏng, tối ưu hóa hoạt động, chế tạo mẫu và đo kiểm vi mạch quang tử; tạo ra một mô hình mạng quang tử hiện đại cho ngành khoa học máy tính áp dụng những mô hình, giải thuật nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động và tạo ra một sản phẩm mô phỏng bộ não người với tốc độ lan truyền thông tin bằng ánh sáng siêu tốc.
Các chip quang tử bốn hướng của dự án linh hoạt hơn và có thể mở rộng cho việc thiết kế các công tắc quang học hiện đại, cho phép xây dựng mạng chip quang tử đa chiều được áp dụng rộng rãi cho mạng truyền thông nội chip và trung tâm dữ liệu quang tử.
Thay vì dùng phương pháp thông thường, nhóm dự án phát triển một giải thuật mới gọi là khám phá đa mẫu MSD-PPO. Giải thuật này giúp hạn chế tối đa sự mất mát truyền tải, thời gian định tuyến nhanh nhất và điện năng tiêu thụ thấp nhất.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm dự án tích cực tham gia các hội thảo trong nước và cử thành viên tham gia học tập, nghiên cứu ở Australia về quy trình thiết kế vi mạch quang tử và tìm hiểu công nghệ sản xuất vi mạch tiên tiến. Ngoài ra, dự án đã tổ chức các seminar khoa học nội bộ tại lab nghiên cứu AIPhotonics và thành lập website cho nhóm.
Bên cạnh đó, dự án đã hợp tác với nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu AIST Nhật Bản để chế tạo mẫu prototype của vi mạch quang tử trong phòng sạch bằng công nghệ chế tạo quang khắc kỹ thuật cao và đo kiểm đặc tính quang của vi mạch đã chế tạo đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như tiến trình tối ưu hóa trong mô phỏng vi mạch bằng phần mềm thiết kế chuyên dụng.
Sau 24 tháng triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng:
– 05 mẫu silicon chip đã được chế tạo và đo kiểm;
– 02 Bản vẽ thiết kế chip;
– Công bố 6 bài báo ISI-Q1, trong đó có 2 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí của hệ thống xuất bản khoa học Nature danh tiếng;
– Gửi đăng ký độc quyền sáng chế tại Mỹ;
– Đào tạo 02 thành viên nghiên cứu trẻ có các công bố quốc tế xuất sắc (Đỗ Hoàng Khôi Nguyên và Nguyễn Thị Hằng Duy);
Tháng 5/2022, nhóm dự án được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ quan chủ trì) khen thưởng vì thành tích khoa học xuất sắc giai đoạn 2019-2021.
TS. Trương Cao Dũng, chủ nhiệm dự án, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ “Dự án này là động lực và bệ phóng để nhóm nghiên cứu đạt được những thành tích mà quá khứ nhóm nghiên cứu chưa bao giờ đạt được, đó là 2 bài báo được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports của Nhà xuất bản khoa học danh tiếng Nature. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã công bố những bài báo Q1 trong hệ thống tạp chí của IEEE/Photonics Society, là những tạp chí rất có uy tín trong lĩnh vực quang tử học. Ngoài ra, tôi rất vui vì dự án đã mang lại nguồn cảm hứng cho các bạn sinh viên. Các em tích cực tham gia nghiên cứu và đã có các công bố quốc tế xuất sắc.
”#VINIF#DựánKHCN#KhoahọcCôngnghệ#VINIF01
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) có mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các Trường đại học và các Viện nghiên cứu thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
Qua hơn 3 năm thành lập và phát triển, Quỹ VINIF đã hợp tác với hơn 90 viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước; tài trợ và quản lý 83 dự án; cấp 750 suất học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ; cấp 30 suất học bổng sau Tiến sĩ; hợp tác 08 đề án đào tạo Thạc sĩ; tổ chức và tài trợ nhiều hội thảo, sự kiện khoa học – công nghệ; tổ chức 24 bài giảng đại chúng với hơn 300,000 lượt theo dõi trực tuyến.
Điểm nhấn trong năm 2022, Quỹ sẽ tăng gấp đôi số lượng Học bổng sau Tiến sĩ (postdoc).
Cụ thể, năm 2022 Quỹ sẽ có các chương trình sau:
#VINIF01 – Chương trình tài trợ dự án khoa học công nghệ: 20 – 30 dự án
Chương trình hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học định hướng ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học (tổ chức chủ trì) và các nhà khoa học Việt Nam (chủ nhiệm dự án) có phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại, kết quả xuất sắc và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Kinh phí mỗi dự án từ 2 tỷ đến 10 tỷ.
Hạn nộp hồ sơ: từ ngày 01/03/2022 đến 25/04/2022.
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/chuong-trinh-tai-tro-du-an-khoa-hoc-va-cong-nghe/
#VINIF03 – Tổ chức và tài trợ các hội thảo khoa học công nghệ
Tổ chức các hội thảo có uy tín trong nước và quốc tế; do Quỹ VINIF chủ trì hoặc tài trợ, phối hợp với các trường đại học và các viện nghiên cứu.
Hạn nộp hồ sơ: ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức.
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/hop-tac-tai-tro-su-kien-va-hoi-thao/
#VINIF05 – Khóa học ngắn hạn và Giáo sư thỉnh giảng
Phối hợp với các đơn vị khoa học uy tín tổ chức các khóa học (2 tuần – 2 tháng) và các Bài giảng đại chúng. Diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Hạn nộp hồ sơ: ít nhất 60 ngày trước ngày tổ chức.
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/khoa-hoc-ngan-han-va-giao-su-thinh-giang/
#VINIF06 – Học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước: 300 học bổng
Tài trợ học bổng Thạc sĩ (120 triệu/năm), Tiến sĩ (150 triệu/năm) trong nước (6 tháng hoặc 12 tháng).
Hạn nộp hồ sơ:
Học bổng Thạc sĩ: từ ngày 01/06/2022 đến 30/06/2022
Học bổng Tiến sĩ: từ ngày 02/05/2022 đến 25/05/2022
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/hoc-bong-thac-si-tien-si-trong-nuoc/
#VINIF07– Học bổng sau Tiến sĩ trong nước: 60 học bổng
Hỗ trợ cho các Tiến sĩ xuất sắc từ các đại học uy tín ở nước ngoài hoặc trong nước để làm việc toàn thời gian tại các viện nghiên cứu hoặc trường đại học của Việt Nam. Mức tài trợ 360 triệu/năm.
Hạn nộp hồ sơ: từ ngày 01/03/2022 đến 25/04/2022.
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/hoc-bong-sau-tien-si-trong-nuoc/
#VINIF09 – Chương trình lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử
Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện hoặc các Dự án bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.
Hạn nộp hồ sơ tổ chức các sự kiện: ít nhất 30 ngày trước ngày tổ chức.
Hạn nộp hồ sơ các dự án: từ ngày 01/03/2022 đến 25/04/2022.
Thông tin chi tiết: https://vinif.org/sponsor-programs/chuong-trinh-luu-giu-cac-gia-tri-van-hoa-lich-su/
——————————
Địa chỉ nhận hồ sơ:
Thông tin chi tiết về Quy chế của các Chương trình: điều kiện đăng ký, đối tượng đăng ký, hồ sơ, các bước thực hiện, biểu mẫu, v.v., xem tại www.vinif.org.
Hồ sơ đăng ký được nộp online tại http://oms.vinif.org, qua email và về địa chỉ:
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF).
Tầng 9, Century Tower, Times City, 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Website: www.vinif.org
Fanpage: https://www.facebook.com/vinif.org
Để biết thêm thông tin, có thể gửi email về các địa chỉ sau:
Email: info@vinif.org (Thông tin chung)
project@vinif.org (Chương trình VINIF01)
scholarship@vinif.org (Chương trình VINIF03 đến VINIF09)
(Báo Tuoitre.vn) VinIF đã tài trợ 83 dự án, trợ lực hơn 400 nhà khoa học, trao gần 800 học bổng, kết nối gần 200 tổ chức, đơn vị.
Đây là những con số thành tựu mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) vừa thống kê và cho biết đã bền bỉ trợ lực cho các nhà khoa học chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động.
“Với khát vọng đổi mới văn hóa làm khoa học, chúng tôi đã và đang âm thầm xây dựng một hệ sinh thái gắn kết, cùng chung tay cho mục tiêu phát triển khoa học – công nghệ nước nhà”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.
Tạo ổ cho “phượng hoàng”
Là 1 trong 158 nhà khoa học trẻ đầu tiên được nhận học bổng Thạc sĩ của VinIF năm 2019, Thạc sĩ Phan Kế Sơn, Viện Khoa học vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết đây là sự động viên rất lớn.
“Đối với tôi, học bổng này có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần. Hiện tôi đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ đạt điểm xuất sắc, có một công bố trên tạp chí Q1 và một công bố tại hội thảo quốc tế. Tôi cũng may mắn là một trong hai nhà khoa học trẻ đại diện cho Viện tham gia dự hội nghị khoa học thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu 2021 tổ chức tại Singapore”, anh Sơn chia sẻ.
Không chỉ thạc sỹ Sơn, trong những năm qua đã có hơn 780 nhà khoa học nhận được các học bổng từ VinIF. Với mục tiêu xây dựng văn hóa nghiên cứu và phát triển các cộng đồng nghiên cứu khoa học, từ khi thành lập, đơn vị này đã liên tục cho ra đời các chương trình tài trợ mới mẻ, phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho những “phượng hoàng” chắp cánh.
Cụ thể, trong năm đầu tiên, đơn vị này đã ra mắt hai chương trình, gồm tài trợ các dự án KHCN và tài trợ học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Sang năm thứ hai, đơn vị này tài trợ và hợp tác thêm với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ, chủ yếu ở lĩnh vực khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức KHCN đến với đại chúng, liên tục hai chương trình hợp tác, tài trợ sự kiện – hội thảo; cùng Khóa học ngắn hạn và Giáo sư thỉnh giảng được VinIF triển khai mới.
Cũng theo đại diện đơn vị này, năm 2021, VinIF là một trong những Quỹ đầu tiên tại Việt Nam tiên phong tài trợ Học bổng Nghiên cứu Sau tiến sĩ (30 suất học bổng với mức 30 triệu đồng/tháng), thu hút nhiều tiến sĩ trẻ đã bảo vệ ở nước ngoài.
“Không dừng ở đó, từ năm 2019 đến nay, chúng tôi cũng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để hỗ trợ các bạn trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu “thai nghén” ngay trên ghế nhà trường. GS. Lê Quân, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, VinIF góp sức cùng các trường đại học thực hiện nhiệm vụ ươm tạo thế hệ nhà khoa học kế cận, đáp ứng đòi hỏi của môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp”, đại diện đơn vị này nhấn mạnh.
Theo GS.Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học VinBigData và VinIF (Tập đoàn Vingroup), đích đến cuối cùng của nghiên cứu khoa học phải là tạo ra được những nhà khoa học có tư duy lành mạnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Những sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tế, giúp nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng cuộc sống của người Việt và khẳng định tầm vóc trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Muốn làm được như vậy, nhà khoa học không thể đứng độc lập một mình, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực dài hạn của VinIF trong việc hỗ trợ nguồn lực phát triển dự án khoa học – công nghệ là nhằm mục tiêu đó”, GS.Vũ Hà Văn cho hay.
Tiên phong tài trợ “không trói buộc”
Chọn cho mình một hướng đi riêng, có thể nói VinIF không dàn trải mà tập trung đầu tư mũi nhọn. Theo các chuyên gia, đơn vị này lựa chọn các nhóm mạnh về nghiên cứu, có tính đột phá, hàm lượng khoa học cao trên các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tiễn hướng đến cộng đồng.
Đại diện đơn vị này cho biết cũng cam kết tài trợ mà không có bất kỳ “trói buộc”, các bản quyền phát minh, sáng chế của các dự án đều thuộc về chủ nhiệm cũng như cơ quan chủ trì của dự án đó. “Song song, chúng tôi cũng tiên phong “tháo gỡ” những nút thắt về cơ chế tài chính cũng như hành chính, nhằm giảm thiểu lượng giấy tờ quy chế, giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu”, vị này nói.
Theo PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, giám đốc điều hành VinIF, tại Việt Nam, chưa có nhiều doanh nghiệp có Quỹ học bổng và tài trợ nghiên cứu ngoài doanh nghiệp với quy mô lớn. “Sự ra đời của VinIF được xem là cuộc cách mạng khi tiên phong tài trợ phi lợi nhuận cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học”, bà Dương nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng trước đây tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp là 70 – 30 (tức là 70% đầu tư đến từ ngân sách nhà nước) thì hiện nay đã tiến tới tỷ lệ 50 – 50. Theo xu thế của thế giới, Việt Nam sẽ hướng đến tỷ lệ 30 – 70. Điều này cho thấy sự quan tâm và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và Tập đoàn Vingroup dành cho lĩnh vực khoa học công nghệ có ý nghĩa rất to lớn.
Bài viết trên Báo Tuoitre.vn
(Báo Vietnamnet.vn) “Không chỉ tháo gỡ rào cản về tài chính và hành chính, VinIF còn hướng tới tạo điều kiện để nhà nghiên cứu được chủ động về công bố khoa học” – nhận xét của các nhà nghiên cứu dành cho Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF).
Quỹ VinIF mới khởi động được 3 năm nhưng đã và đang góp phần làm đa dạng về loại hình, nguồn lực tài trợ cũng như tạo “đòn bẩy” tích cực tới khoa học Việt Nam.
Chật vật tìm kinh phí gặp nguồn đầu tư… “mạo hiểm”
Là chủ nhân của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018, PGS.TS Trần Đình Phong – Trưởng khoa Khoa học cơ bản và Ứng dụng, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: “Từng có nhiều DN Việt Nam tìm đến và đề nghị chúng tôi đưa công trình khoa học ra thương mại hóa. Nhưng ngược lại, khi tôi hỏi về việc hợp tác để cùng nghiên cứu và phát triển thành công nghệ lõi, sau đó mới tiến đến mục đích thương mại thì phần lớn trong số họ chưa sẵn sàng.”
Ấp ủ giấc mơ chế tạo linh kiện quang điện hóa cho sản xuất nhiên liệu Hydro từ nước, nhằm góp phần giúp Việt Nam làm chủ công nghệ năng lượng sạch, PGS. TS. Trần Đình Phong dành hơn 12 năm nghiên cứu lĩnh vực này. Xác định đây là bài toán rất lớn, cần dồn lực vào nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài, PGS. Phong cho rằng “Nếu DN đầu tư rồi hỏi ngày mai linh kiện của anh đâu thì rất khó. Vì thế, để triển khai ý tưởng của mình, đôi khi chúng tôi cần những nguồn đầu tư mạo hiểm”.
Giữa lúc tìm thêm nguồn tài trợ để nghiên cứu độ bền của vật liệu, nhằm tạo ra những linh kiện đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, anh cùng cộng sự tìm thấy Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF). Vượt qua ba vòng đánh giá, dự án do PGS.TS. Trần Đình Phong chủ nhiệm được lựa chọn là một trong 20 nghiên cứu tiêu biểu VinIF tài trợ năm nay.
“Từ ý tưởng cho đến công trình khoa học, bằng phát minh sáng chế là một bước, để ra được sản phẩm ứng dụng lại là một bước nữa. Một dự án 2-3 năm khó lòng tạo ra được sản phẩm như thế, chưa kể đến việc thương mại hóa. Trên thế giới, cả ngàn ý tưởng mới chỉ có một vài ý tưởng được hiện thực hóa. Kể cả họ dừng lại ở bước mô hình hay công bố khoa học thì đó vẫn là những viên gạch xây dựng nền tảng cho các nghiên cứu sau này.” – PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF chia sẻ.
Với sự đồng hành của VinIF, bên cạnh nguồn lực tài chính để phát triển công trình khoa học, PGS.TS Phong còn hy vọng có thể kết nối với mạng lưới các đơn vị DN trong nước và quốc tế, hướng tới ứng dụng năng lượng mới vào sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
“Đòn bẩy” cho tiên phong, khác biệt, thực chất
Từ 63 dự án khoa học nhận tài trợ năm 2019 và 2020, đến nay VinIF đã có 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị và 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu được ra đời. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng đã xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 (nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới) và hội thảo uy tín quốc tế, đăng ký thành công 34 bằng sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.
Bên cạnh nguồn lực tài chính, VinIF còn đồng hành cùng đội ngũ thực hiện dự án trong việc kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn. Kết quả nghiên cứu cũng sẽ được VinIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai ứng dụng vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn.
Theo PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương: “VinIF có cơ chế tài chính linh hoạt, hợp lý nhằm giúp các nhà nghiên cứu có điều kiện làm việc tốt nhất, với thủ tục hành chính đơn giản nhất. Điều này xuất phát từ mong muốn giúp các nhà khoa học được làm thật, tiêu đồng tiền thật, được nhận thù lao tương xứng với công sức nghiên cứu. Sau 3 năm triển khai, chúng tôi đã tài trợ gần 450 tỷ đồng cho các dự án, tạo ra 322 sản phẩm.”
Từ góc nhìn của chuyên gia nghiên cứu, TS.Ngô Tất Trung – Giám đốc Trung tâm Tư vấn di truyền và Sàng lọc ung thư – BV Trung ương Quân đội 108 cho biết:“Một trong những điểm đặc biệt trong cách thức tài trợ của VinIF là việc “bỏ qua tất cả những rào cản về thủ tục hành chính, đặt đổi mới sáng tạo lên trên hết.”
Dự án của chúng tôi về “Ứng dụng công nghệ di truyền tiên tiến trong chẩn đoán sớm ung thư gan” đã bước đầu cho kết quả ấn tượng, với một bằng sáng chế đã được gửi đăng ký và một bài báo khoa học Q1 được công bố trước thời hạn. “Nếu không có VinIF, nghiên cứu của chúng tôi sẽ phải chờ rất lâu nữa mới có thể thực hiện” – TS. Trung cho biết.
PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Việc VINIF tài trợ cho các đề tài, dự án góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. Các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới ĐH Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước.”
Không chỉ tháo gỡ rào cản về tài chính và hành chính, VinIF còn hướng tới tạo điều kiện để nhà nghiên cứu được chủ động về công bố khoa học. Một trong những điểm mới của Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học – Công nghệ năm nay là mỗi nhóm nghiên cứu tự đề xuất một danh sách các tạp chí Q1 uy tín dự kiến đăng tải. Hội đồng khoa học sẽ mời ba chuyên gia am hiểu lĩnh vực phản biện, từ đó, Quỹ sẽ thống nhất danh sách với đề tài. Đây được cho là bước đi tiên phong của VinIF, nhằm tôn trọng sự khác biệt trong những công bố thuộc nhiều chuyên ngành hẹp, đồng thời, vượt qua các chỉ số chung để đi vào thực chất năng lực của đội ngũ và ý nghĩa của đề tài.
Xét chọn kỹ lưỡng, ưu tiên tài trợ mũi nhọn, VinIF không chỉ hỗ trợ cá nhân các nhà khoa học, mà còn đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái toàn diện về nghiên cứu – ứng dụng – đào tạo và chia sẻ tri thức. VinIF được kỳ vọng sẽ làm đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho khoa học Việt Nam, góp phần thay đổi quan điểm đầu tư và khung tài chính dành cho khoa học.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: “Sự thành lập của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) là một tín hiệu đáng mừng cho thấy nền Khoa học – Công nghệ Việt Nam đang đi đúng hướng so với tất cả các quốc gia đã phát triển trên thế giới: ở đó, DN đồng hành cùng Chính phủ trong việc tạo thêm nguồn lực thúc đẩy Khoa học – Công nghệ phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để có nhiều DN khác ở Việt Nam học theo mô hình của tập đoàn Vingroup, hình thành ra những quỹ đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học”.
Bài viết trên Báo Vietnamnet.vn