Ngày hội Khoa học và Công nghệ năm 2021

Đơn vị tổ chức
Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF)

Thành viên

Ngày 12/06/2021, Chương trình Ngày Khoa học – Công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai” được Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đồng tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam năm 2021.

Chương trình được tổ chức tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam theo hình thức phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội của Viện Toán học và Quỹ VINIF. Những nội dung hấp dẫn, những bài học thú vị trong các lĩnh vực công nghệ, y học, toán học, nông nghiệp, khảo cổ học đã được chia sẻ thông qua 06 bài giảng đại chúng của 06 nhà khoa học uy tín.

Tham dự chương trình có Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng với GS. Ngô Bảo Châu (Giáo sư trường Đại học Chicago và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), GS. Vũ Hà Văn (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn), PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học và Quỹ VINIF) và các nhà Khoa học khác.

Tại lễ khai mạc, PGS. TSKH. Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học và Quỹ VINIF) đã chia sẻ về ý nghĩa lớn lao của chương trình: ‘’Ngày Khoa học – Công nghệ là một sự kiện đặc biệt, và những người làm khoa học công nghệ nói chung coi đây là ngày hội của mình. Khoa học công nghệ hiện nay đã thay đổi, thâm nhập vào mọi mặt của đời sống, từ y tế, công nghiệp, nông nghiệp cho tới lĩnh vực văn hóa như lịch sử và khảo cổ học. Như trong hai năm vừa qua, COVID19 đã gây ra những biến động và thay đổi cuộc sống thường ngày của cả thế giới, nhưng vì có công nghệ, chúng ta vẫn kết nối với nhau, cũng như nghiên cứu để tìm ra các giải pháp vượt qua dịch bệnh. Đó là ví dụ sinh động nhất về vai trò và sức mạnh của khoa học và công nghệ”.

Hưởng ứng tinh thần Ngày Khoa học – Công nghệ, Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã chia sẻ và nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Chính phủ tới sự nghiệp khoa học công nghệ của Việt Nam trong những năm gần đây. Đó chính là việc Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học Công nghệ, trong đó có quy định về Ngày KH-CN Việt Nam 18/5 hay quy định về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này nói chung. Nguyên Bộ trưởng cũng chia sẻ về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản, và sự khẳng định vị thế của đội ngũ nghiên cứu Việt Nam trên bản đồ khoa học của thế giới.

Lần đầu tiên tham dự chương trình, GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata, Giáo sư Toán ĐH Yale – Hoa Kỳ đã có những chia sẻ hết sức gần gũi. Theo Giáo sư, hoàn cảnh hiện tại đã cho chúng ta thấy rõ sức mạnh của khoa học và công nghệ, trong việc duy trì các hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống, bên cạnh tiếp tục khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học quan trọng ở chỗ, đôi khi chúng ta không biết rõ lúc nào sẽ cần dùng tới những kết quả nghiên cứu, cũng khó có thể đánh giá đúng tầm quan trọng của các nghiên cứu đó khi gặp các rủi ro như COVID19. Chính vì vậy, đội ngũ khoa học cần phải được hỗ trợ, đặc biệt là tài chính để sẵn sàng cho những thay đổi của cuộc sống. Về mặt công nghệ, Giáo sư Vũ Hà Văn đã khẳng định tầm quan trọng của việc sở hữu và làm chủ công nghệ: chúng ta không thể mãi đi mua thành quả nghiên cứu của nước khác, mà phải chủ động xây dựng đội ngũ kỹ sư và nhân lực trình độ cao của mình. Đây là điều mà Việt Nam đang rất thiếu và cần được đầu tư một cách nghiêm túc, bài bản để khắc phục, xóa đi khoảng cách với các nước phát triển hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng được hệ sinh thái nghiên cứu, kết nối nguồn lực, trao đổi kiến thức và tạo ra các sản phẩm cẩn thiết cho xã hội cũng cần được coi trọng và đầu tư. Những sự kiện như Ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam chính là dịp để đội ngũ làm khoa học đẩy mạnh các hoạt động nhằm lan tỏa và truyền cảm hứng cho cộng đồng, xây dựng một văn hóa và tác phong nghiên cứu khoa học và làm công nghệ đúng đắn.

Với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, chương trình đã mang tới cho những người yêu khoa học công nghệ không chỉ những kiến thức mới mẻ, lý thú mà còn rất nhiều câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Sự kiện đã thu hút đông đảo các bạn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ tham dự trực tuyến và sau đó được chia sẻ rộng rãi. Phát biểu bế mạc chương trình, PGS. TSKH. Phan Thị Hà Dương đã gửi lời cám ơn các diễn giả đã có những đóng góp quan trọng trong việc lan tỏa ý nghĩa của ngày hội này. “Chúng ta mong ước hướng tới những mô hình hợp lý, và để hướng tới đó thì cần trang bị cho chúng ta nền tảng, kiến thức đa dạng để hoàn thiện và tìm ra những mô hình hợp lý trong cuộc sống. Và đó là ý nghĩa của khoa học công nghệ” – PGS Phan Thị Hà Dương chia sẻ.

Chương trình Ngày Khoa học – Công nghệ đã lan tỏa được những kiến thức khoa học công nghệ mới tới đại chúng và tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ.


Bài giảng 1: Từ khảo cổ đến Công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột thời Lý năm 1105

Diễn giả: PGS.TS. Trần Trọng Dương – Trưởng phòng nghiên cứu Minh Văn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Giảng viên sau ĐH của GASS, Leader của SEN Heritage

Đeo kính 3D, tham quan các di sản kiến trúc hay các bảo tàng, triển lãm công nghệ thực tế ảo có lẽ không còn quá xa lạ với du khách quốc tế. Song, tại Việt Nam, công nghệ này phát triển đến đâu và đang được ứng dụng như thế nào? Khảo cổ và thực tế ảo: Mối liên hệ là gì?

Nghiên cứu kiến trúc cổ thời Lý vốn là một công việc cần phải sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, với các thao tác, các phương pháp của nhiều chuyên ngành khoa học như văn bản học, sử liệu học, bi ký học, khảo cổ học, Phật học, mỹ thuật học lịch sử, biểu tượng học…. Trong thời điểm hiện nay, các ngành khoa học ngày càng xích lại gần nhau hơn, các nhà khoa học đang trăn trở với nhiều hướng đi mới, với những câu hỏi về phương pháp luận, về những hệ vấn đề cần giải quyết, về một lộ trình làm việc phù hợp để có thể xích gần hơn đến các lý thuyết mới và hòa nhập với các khuynh hướng của giới nghiên cứu quốc tế.

Với cách nhìn nhận trên, bài giảng: “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột” sẽ thảo luận những vấn đề cụ thể trong quá trình nghiên cứu, phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu thời Lý. Bắt đầu bằng cứ liệu bi ký năm 1121, đến việc lắp ghép hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học, để đưa ra giả thuyết khoa học. Tiếp đến, bài nói chuyện sẽ trình bày lý thuyết mandala, các thao tác trong nghiên cứu, và phỏng dựng kiến trúc một cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.

Bài giảng 2: Một số bài toán hình học và Giản đồ cây trong Virus

Diễn giả: PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn – Trưởng Khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội

Virus là loài vi sinh vật nhỏ nhất, kích thước điển hình từ 0,02 đến 0,3 μm, mặc dù gần đây đã phát hiện ra một số virus rất lớn, kích thước dài đến 1 μm (megavirus, pandoravirus). Vậy sinh vật “siêu tí hon” này có cấu trúc và hoạt động như thế nào?

Virus khác với các “sinh vật sống” khác ở chỗ chúng không có quá trình trao đổi chất, không lớn lên và già đi. Chúng phải dựa vào các cỗ máy sinh học của tế bào của vật chủ để nhân đôi. Do vậy, khi không có tế bào, chúng thể hiện chỉ như một hệ vật lý (hạt nano) hơn là một đối tượng sinh học. Kết quả là giống như các cấu trúc vật lý ở kích thước nano, cấu trúc của chúng rất tối giản, rất đối xứng, rất “hiệu quả” theo tư duy vật lý. Vì vậy, virus không chỉ là đối tượng được nghiên cứu để điều trị bệnh mà còn được nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến.

Ngoài ra, còn điều gì thú vị về cấu trúc và hoạt động của virus từ góc nhìn vật lý và hình học đơn giản?

Bài giảng 3: Công nghệ sản xuất Vắc xin Covid bối cảnh Việt Nam – Thế Giới trong sản xuất vắc xin và những điều cần lưu ý tiêm Vắc xin Covid – 19 tại Việt Nam

Diễn giả: TS.BS. Phạm Quang Thái – Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – VSDTTW – NIHE

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, miễn dịch cộng đồng với COVID-19 chỉ có thể đạt được khi 70% dân số được tiêm chủng vắc xin. Do đó, hiện nay các quốc gia đều đang nỗ lực hết công suất trong cuộc đua này. Hàng trăm loại vắc xin đã được tạo ra bằng nhiều công nghệ khác nhau, tuy nhiên, chỉ số ít trong đó đạt được thành công. Hơn nữa, ngay cả khi đã chứng tỏ được khả năng bảo vệ vượt trội, vắc xin COVID-19 cũng gặp phải không ít các vấn đề về phản ứng sau tiêm.

Như vậy, làm thế nào để đảm bảo tối đa tính an toàn trong sản xuất và tiêm chủng vắc xin COVID-19? Từ những bài học của thế giới, Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì?

Bài giảng 4: Giải mã Gen Việt trong kỷ nguyên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo

Diễn giả: TS. Võ Sỹ Nam – Trưởng phòng Tin Y sinh ứng dụng, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigdata)

Kể từ khi dự án giải mã hệ gen người đầu tiên trên thế giới hoàn tất vào năm 2003, đã có rất nhiều dự án quy mô lớn tiếp theo được thực hiện. Trong số đó có thể kể đến dự án giải mã hệ gen của hơn 2,500 người từ 5 châu lục hay dự án giải mã hệ gen của hơn 11,000 bệnh nhân với 33 loại ung thư khác nhau. Các dự án này đã góp phần cách mạng hóa hiểu biết của loài người về hệ gen cũng như cải thiện việc chẩn đoán và điều trị bệnh trên người.

Vậy trong một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, các dự án giải mã gen sẽ được hưởng lợi gì từ những tiến bộ của công nghệ?

Bài giảng 5: Linked Data cho Dữ liệu mở trong nông nghiệp nông thôn

Diễn giả: PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học – HTX Nông nghiệp số

Dữ liệu Liên kết (Linked Data) là một trong những khái niệm và trụ cột chính của Web Ngữ nghĩa (Semantic Web), còn được biết tới như là Web của Dữ liệu. Sự ra đời của hai khái niệm này đã giúp cho việc chia sẻ dữ liệu trên web có thể được thực hiện một cách dễ dàng hơn, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho quá trình khai thác thông tin theo nhu cầu của mỗi người dùng.

Vậy cụ thể, cần hiểu như thế nào về web ngữ nghĩa và dữ liệu liên kết? Tiềm năng ứng dụng của nó đến đâu trong thực tế đời sống?

Bài giảng 6: Thống kê – chiếc cầu kết nối Toán học với các Khoa học thực nghiệm

Diễn giả: PGS.TS. Hồ Đăng Phúc – Nguyên Trưởng phòng Xác suất thống kê – Viện Toán học

Có thể nói, sự trừu tượng đã đem lại cho toán học vẻ đẹp và ý nghĩa đặc biệt. Song, từ vẻ đẹp trừu tượng ấy đến những ứng dụng sinh động trong thực tế, từ toán học đến các ngành khoa học thực nghiệm, mối liên kết là gì?

Theo PGS.TS. Hồ Đăng Phúc, câu trả lời nằm ở Thống kê – một lĩnh vực chuyên cung cấp các công cụ tư duy và tính toán cho nghiên cứu trong hầu hết các khoa học thực nghiệm. Nói cách khác, Thống kê chính là một chiếc cầu liên kết Toán học với thực tế sinh động, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của nhiều ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

Đơn vị tổ chức
Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF)

Diễn giả

Tags

Tags