Bài giảng đại chúng về Giải Nobel Y Sinh và Nobel Vật lý năm 2022

Từ năm 2019, Quỹ VINIF tổ chức và tài trợ các bài giảng đại chúng với mong muốn lan tỏa được những kiến thức khoa học công nghệ mới và tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam. Chương trình là cầu nối chuyển giao tri thức và kinh nghiệm chuyên ngành từ các giáo sư, chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế tới cộng đồng khoa học.

Bài giảng đại chúng về Giải Nobel Y Sinh và Nobel Vật lý năm 2022 đã diễn ra vào ngày 25/10 vừa qua. Hai bài giảng “Từ giải mã hệ gen người cổ đại đến giải Nobel Y học năm 2022” và “Rối lượng tử & Giải Nobel Vật lý 2022” của GS.TS. Nông Văn Hải – Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS. Trần Xuân Trường – Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tạo ấn tượng sâu sắc và đón nhận rất nhiều sự quan tâm, trao đổi từ những người tham dự.

Chương trình đã thu hút gần 100 khách tham dự trực tiếp là các nhà khoa học, giảng viên đại học, thành viên trong CLB VINIF Alumni và các bạn sinh viên tới từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH VinUni, Đại học Huế, v.v. cùng hàng ngàn lượt theo dõi trực tuyến qua Facebook. Các bài giảng được điều phối bởi TS. Võ Sỹ Nam – Giám đốc khoa học, Đồng sáng lập Công ty CP GeneStory và Bà Trần Thị Trang – Trưởng phòng Quản lý dự án, Quỹ VINIF. Bài giảng nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ công bố và sơ kết các dự án Khoa học Công nghệ và Văn hóa Lịch sử – sự kiện có quy mô lớn nhất năm 2022 của Quỹ VINIF.

Không có mô tả ảnh.
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời và người tham dự chương trình

Bài giảng “Từ giải mã hệ gen người cổ đại đến giải Nobel Y học năm 2022”

Diễn giả: GS.TS. Nông Văn Hải – Viện Nghiên cứu Hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Abstract: Giải Nobel Y Sinh năm 2022 được trao cho GS. Svante Pääbo, nhà khoa học người Thuỵ Điển, sinh năm 1955, Viện trưởng Viện Max Planck về Nhân chủng học tiến hoá, Leipzig (Đức). Phát minh của Svante Pääbo đã cung cấp thông tin quan trọng về sự giao phối giữa các loài người cổ đại, khi người Homo sapiens di cư ra khỏi châu Phi, để lại những dấu vết trong hệ gen của chúng ta ngày nay. Nghiên cứu hệ gen học người cổ đại cùng với hệ gen học các quần thể người hiện đại, trong đó có người Việt Nam, mở ra những hướng đi quan trọng cho khoa học hệ gen nói chung, cũng như cho những lĩnh vực liên quan, như tin sinh học, biochips và các ứng dụng thiết thực của hệ gen học trong y-sinh-dược học và đời sống con người.

Không có mô tả ảnh.
GS.TS. Nông Văn Hải với bài giảng “Từ giải mã hệ gen người cổ đại đến giải Nobel Y học năm 2022”

Bài giảng “Rối lượng tử và giải Nobel Vật lý 2022”

Diễn giả: PGS.TS. Trần Xuân Trường – Học viện Kỹ thuật Quân sự

Abstract: Nhờ các công trình thực nghiệm có tính đột phá trong lĩnh vực vật lý lượng tử, ba nhà khoa học John Clauser, Alain Aspect, và Anton Zeilinger đã đoạt giải Nobel Vật lý năm 2022. Các công trình của ba nhà khoa học này đã chứng tỏ rằng hiệu ứng rối lượng tử (quantum entanglement) – một trong những hiệu ứng kỳ dị nhất trong vật lý lượng tử – thực sự tồn tại chứ không hề quái dị như Einstein từng đề cập. Hơn thế nữa, những thực nghiệm tiên phong này đã đặt nền móng để mở ra một kỷ nguyên mới của công nghệ lượng tử như máy tính lượng tử, mật mã lượng tử, viễn tải lượng tử.

Không có mô tả ảnh.
PGS.TS. Trần Xuân Trường với bài giảng “Rối lượng tử và giải Nobel Vật lý 2022”

Tags

Tags