Quỹ VINIF xúc tiến hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các nghiên cứu ứng dụng

Sự hợp tác giữa Quỹ VinIF với mạng lưới các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao, và BK Holdings với bề dày kinh nghiệm 15 năm trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ tạo nên một dấu ấn mới trong không gian các chương trình nâng cao năng lực và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia về khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Ngày 18/6/2024, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) – Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings) đồng tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Hội thảo có mục tiêu giới thiệu và tư vấn cho các dự án về vấn đề sở hữu trí tuệ, đồng thời tạo cơ hội cho các dự án tiếp cận các vườn ươm, các tổ chức trung gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST), các quỹ đầu tư (VCs) và các doanh nghiệp từ giai đoạn sớm.

Hội thảo có sự tham dự ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa (BK Fund), ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, GS. Vũ Hà Văn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF, PGS.TS. Trịnh Xuân Anh – Phó tổng giám đốc BK Holdings, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cùng với đại diện lãnh đạo của 13 quỹ đầu tư và tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST, lãnh đạo một số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, và trên 60 nhà khoa học uy tín đến từ các dự án khoa học công nghệ (KHCN) do Quỹ VinIF tài trợ.

GS. Vũ Hà Văn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. Vũ Hà Văn chia sẻ: “Với sứ mệnh được xác lập rất rõ ràng từ khi thành lập, Quỹ VinIF không chỉ hỗ trợ các nhà khoa học tạo ra các công trình có tầm quốc tế, thay đổi môi trường nghiên cứu tại Việt Nam, mà còn nhằm mục đích xa hơn là xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, ĐMST và thương mại hóa sản phẩm bằng việc gắn kết giữa 3 Nhà là Nhà nghiên cứu – Trường đại học/Viện nghiên cứu – Quỹ đầu tư/Doanh nghiệp. Thông qua hàng trăm tỷ đồng tài trợ cho các dự án, mục đích đó đang hiển lộ ngày một rõ ràng khi nhiều dự án sau nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ hoặc thành lập các start-up/spin-off. Tuy đây mới chỉ là bước đầu với một số lượng mẫu nhỏ nhưng đã phản ánh định hướng tài trợ đúng của VinIF. Hội thảo ngày hôm nay sẽ đóng góp các khía cạnh thiết thực đối với các nhà khoa học đang có khát khao đưa sản phẩm nghiên cứu của mình ra thị trường, khi tập trung vào vấn đề hữu trí tuệ đối với kết quả KHCN và các hoạt động thúc đẩy ĐMST”.

Lễ ký kết hợp tác giữa VinIF và BK Holdings.

Hội thảo cũng là khởi đầu cho sự hợp tác quan trọng giữa VinIF và BK Holdings trong việc hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, thúc đẩy hoạt động ĐMST và thương mại hóa sản phẩm. Hai bên đã tiến hành Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong sự chứng kiến của các lãnh đạo Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn và Quỹ BK Fund cùng toàn thể đại biểu tham dự. Phát biểu tại Lễ ký kết, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương cho biết: “Chúng tôi tài trợ phi lợi nhuận cho các dự án KHCN, trong đó nhiều dự án có tính ứng dụng cao, một số đã thương mại hóa sản phẩm. Với mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc này, bắt đầu từ năm 2024, VinIF sẽ tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động tập trung vào 3 hướng chính, đó là các bài giảng đến từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực quan trọng đối với khởi nghiệp ĐMST; kết nối giữa các thực thể dự án – quỹ đầu tư – các tổ chức hỗ trợ/vườn ươm ĐMST; và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, các khó khăn về chính sách mà các nhà khoa học đang gặp phải trên con đường triển khai thương mại hóa. VinIF mong rằng sự hợp tác thiết thực với BK Holdings sẽ mang đến hiệu quả thực tế cho cả hai bên, và quan trọng hơn cả, cho các dự án và các nhà khoa học”.

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ VinIF phát biểu.

Về phía BK Holdings, PGS.TS. Trịnh Xuân Anh cho hay: “Việt Nam có định trở thành nước phát triển với sự dẫn dắt của KHCN và ĐMST, lấy đó làm nền tảng bứt phá để tăng giá trị và sức cạnh tranh. Sự hợp tác giữa BK Holdings và Quỹ VinIF ngày hôm nay là rất phù hợp với định hướng ấy, và là một bước để hiện thực hóa mô hình tiếp nối giữa nghiên cứu khoa học và ĐMST. VinIF đã và đang tạo ra các hạt mầm làm tiền đề cho nhiều hoạt động, còn BK Holdings thì có bề dày 15 năm trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và ĐMST. Sự hợp tác của 2 đơn vị trong thời gian tới sẽ tạo ra một hệ sinh thái đồng nhất từ khâu đầu tư trong nghiên cứu đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Hai bên sẽ tổ chức nhiều hoạt động hơn nữa theo những mục tiêu chung đề ra và rất mong muốn nhận được sự đồng hành của các nhà nghiên cứu”.

PGS.TS. Trịnh Xuân Anh – Phó tổng giám đốc BK Holdings phát biểu.

Hội thảo cũng diễn ra hai bài nói về hai chủ đề quan trọng trong quá trình nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm KHCN và khởi nghiệp ĐMST. Đó là chủ đề về “Tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất/kinh doanh – Đầu tư khởi nghiệp ĐMST”, với diễn giả là ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, Chủ tịch Quỹ BK Fund; và chủ đề “Quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ” qua bài nói của ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trong bài nói đầu tiên, ông Phạm Đình Đoàn đã nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ là động lực cho phát triển sản xuất và kinh tế xã hội, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các ngành nghề, lĩnh vực mới. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào vốn và lao động sang mô hình dựa trên KHCN và ĐMST. Ông đưa ra rất nhiều con số thống kê, ví dụ các doanh nghiệp Việt chi khoảng 1,6% doanh thu cho hoạt động R&D; nhiều doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KHCN; chỉ số ĐMST của VN xếp hạng 46/132 quốc gia và đứng thứ 4 trong ASEAN. Tuy vậy, KHCN chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy kinh tế xã hội khi R&D của chúng ta chỉ xếp hạng 66 theo WIPO và không có sự cải thiện so với các năm trước. Đó là những thực tế minh chứng cho việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST đang cấp thiết hơn bao giờ hết. Trên khía cạnh đầu tư, ông Phạm Đình Đoàn chỉ ra nhiều cơ hội khởi nghiệp và ươm tạo cho các công ty trong thời điểm hiện tại với sự sẵn sàng vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn của cả nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp, quỹ quốc tế. Bên cạnh các lĩnh vực đang “hot” như AI, chip bán dẫn, các công nghệ khác cũng đang rất thu hút sự đầu tư như sản xuất tuần hoàn, in 3D, tự động, nhà máy thông minh, robot, IoT, blockchain, sản xuất sạch. Bản thân Phú Thái Holdings của ông cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Holdings, Chủ tịch Quỹ BK Fund trình bày bài nói “Tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất/kinh doanh – Đầu tư khởi nghiệp ĐMST

Với vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Nguyễn Văn Bảy mang đến một lượng kiến thức rộng lớn về những khía cạnh của SHTT với kết quả nghiên cứu trong KHCN: nhận diện các đối tượng SHTT, vai trò của quyền SHTT, một số vấn đề cơ bản về quyền SHTT, nộp đơn đăng ký, nộp đơn theo Hiệp ước PCT. Bài nói đã tổng quát hóa về những khái niệm, nội dung cơ bản, những lưu ý quan trọng đối với nhà khoa học, tổ chức KHCN, doanh nghiệp khi đăng ký quyền SHTT. Bài nói của ông Nguyễn Văn Bảy còn đề cập và phân tích một số khía cạnh rất chuyên môn và đặc thù khác của SHTT: căn cứ phát sinh/xác lập quyền, thời gian bảo hộ, nộp đơn và các điểm quan trọng đối với quá trình nộp đơn, theo đuổi đơn sau khi nộp, kiểm soát an ninh, quyền lợi tác giả/tổ chức và việc định giá SHTT.

Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày bài nói “Quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ

Các bài nói của 2 diễn giả thu hút sự quan tâm của không những các nhà khoa học mà còn của các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư tham dự hội thảo. Nhiều câu hỏi, trao đổi và chia sẻ ý kiến, quan điểm của các đại biểu đã diễn ra và được các diễn giả trả lời thấu đáo. Song hành với các hoạt động này, hội thảo cũng đã có những kết nối đầu tiên giữa các đơn vị thúc đẩy ĐMST, quỹ đầu tư khởi nghiệp với các dự án KHCN: TS. Võ Gia Lộc – Nhà sáng lập/Giám đốc điều hành Apicoo Robotics, chia sẻ về một trường hợp start-up điển hình; các đơn vị, tổ chức, quỹ đầu tư như TT Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK), ĐH Quốc gia Hà Nội (PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm), Trường ĐH Phenikaa và Hiệp hội VNEI (PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh), Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ – Swiss EP (ông Trần Trí Dũng), Clime Capital Việt Nam (bà Jessica Nga Trần), Renaissanc.IO (bà Hoàng Ngọc Ánh và bà Vũ Thị Huyền), v.v. đã có những chia sẻ về lĩnh vực đầu tư và mong muốn được hợp tác.

VinIF và BK Holdings sẽ cùng hợp tác để triển khai các hoạt động thúc đẩy ĐMST và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KHCN, bao gồm phối hợp trong các sự kiện, chương trình thúc đẩy hoạt động ĐMST và thương mại hóa sản phẩm KHCN, hợp tác trong hoạt động kết nối giữa các nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác trong các hoạt động ươm tạo và đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; phối hợp cùng nhau trong các hoạt động đối thoại chính sách để hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy ĐMST và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KHCN.

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Quỹ VINIF tiếp nhận 211 hồ sơ đăng ký Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học Công nghệ năm 2021

Ngày 5/5/2021, sau 02 tháng khởi động, Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học –

GS. Duncan Haldane: “Các bạn không cần là một “thiên tài” như Albert Einstein…”

Chiều ngày 19/7, tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Giáo