Quỹ VINIF tài trợ sau tiến sĩ: Cơ hội cho ai?

(Báo Khoa học và Phát triển)

Trong bối cảnh Việt Nam còn rất hiếm hoi nguồn tài trợ học bổng sau tiến sĩ thì sự xuất hiện của chương trình tài trợ như vậy của VinIF, một quỹ tư nhân mới khởi động được ba năm, dường như là tín hiệu vui.

Nó cho thấy bắt đầu có sự đa dạng về loại hình tài trợ cũng như nguồn lực tài trợ cho khoa học ở Việt Nam, nơi các viện nghiên cứu và nhà nghiên cứu vẫn còn đang rất chật vật để tìm được kinh phí hoạt động.

Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, ĐHQGHN. Ảnh: Hoàng Nam
Phòng thí nghiệm Trung tâm Nano và năng lượng, ĐHQGHN. Ảnh: Hoàng Nam

Sau những hồ hởi ban đầu về 30 suất học bổng đầu tiên của VinIF và mức tài trợ vượt trội 30 triệu đồng/tháng, một số câu hỏi đã dấy lên trong và ngoài cộng đồng khoa học Việt Nam “có thể hy vọng gì về hoạt động tài trợ sau tiến sĩ ở một quỹ tư nhân”?, “đây có phải là hoạt động đầu tư mang tính ‘ngẫu hứng’ của họ”?, “liệu có cần duy trì chương trình tương tự ở các tổ chức nhà nước, khi không thể so sánh được về mức học bổng so với quỹ tư nhân”?…

Ai có thể trả lời được những câu hỏi này?

Quỹ nhà nước và quỹ tư nhân

Ở thời điểm hiện tại, người ta không còn bàn cãi về việc cần những học bổng sau tiến sĩ cho các nhà khoa học trẻ về nước nữa. Thậm chí, câu hỏi “tại sao chúng ta chưa có học bổng sau tiến sĩ?” của một số nhà khoa học giàu kinh nghiệm quan tâm đến thế hệ trẻ cũng phần nào được giải quyết bằng hai chương trình tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng như Quỹ NAFOSTED, lần lượt xuất hiện trong một hai năm qua.

Dẫu vậy, với một quốc gia mà số lượng các nhà khoa học vẫn còn chưa nhiều, nếu tính theo tỷ lệ dân số, và chưa có nhiều nhà khoa học xuất sắc như Việt Nam, hai chương trình này vẫn còn là muối bỏ biển. Mặt khác, suất học bổng mà hai đơn vị này có thể tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ làm sau tiến sĩ còn ở mức rất khiêm tốn về số lượng và giá trị học bổng. “Với mức lương từ học bổng sau tiến sĩ của cả Viện Hàn lâm lẫn Quỹ NAFOSTED thì thực sự nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam không thể làm được gì nhiều bởi họ vẫn khó có thể có điều kiện dành toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu”, giáo sư Phan Văn Tân, một nhà khoa học hàng đầu về khí tượng/khí hậu ở trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, nhận xét, tuy cũng có phần cảm thông với những quy định về tài chính mà hai tổ chức này phải chấp hành.

Do đó, dẫu chỉ thực hiện online vào đầu tháng 9/2021, thời điểm Hà Nội còn giãn cách xã hội vì đại dịch, lễ trao học bổng sau tiến sĩ của Quỹ VinIF không chỉ khiến người ta tò mò. Lần đầu tiên, một quỹ tư nhân trao học bổng dạng này cho các nhà nghiên cứu trẻ với giá trị học bổng vượt trội là 30 triệu đồng/tháng, gấp ba, bốn lần so với học bổng nhà nước. “Học bổng sau tiến sĩ của VinIF là một ‘đỡ đầu’ cần thiết cho các tiến sĩ trẻ khởi nghiệp khoa học ngay tại Việt Nam bởi mức học bổng này rất tốt so với mặt bằng thu nhập hiện nay và đủ để nhà khoa học trẻ toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu trong giai đoạn tái hòa nhập với môi trường trong nước, vốn có nhiều khác biệt so với nước ngoài”, TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, người được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu trẻ năm 2020, đánh giá.

Không chỉ nhà khoa học trẻ mà những người từng có nhiều kinh nghiệm xin tài trợ từ nhiều quỹ khoa học trong nước và quốc tế như giáo sư Nguyễn Xuân Hùng, một nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc ngành cơ học tính toán và là giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành, ĐH Công nghệ TPHCM, cũng cảm thấy vui với chương trình tài trợ mới. Anh nói “Dù không theo dõi nhưng ban đầu tôi cũng nghĩ rằng mức học bổng sau tiến sĩ không thể dưới mức 30 triệu đồng/tháng được. Về cơ bản, mức lương đó phải giúp người làm sau tiến sĩ sống được, và theo góc độ đó thì mức lương của VinIF tốt hơn nhiều”.

Theo quan điểm của anh, dù nguồn lực đầu tư cho khoa học của Việt Nam hiện còn hạn hẹp, không thể so sánh mức lương sau tiến sĩ ở các quốc gia phát triển nhưng “nghĩ đi nghĩ lại, việc mình trả lương cho người làm sau tiến sĩ mà còn thấp hơn nghiên cứu sinh của họ thì làm sao gọi là sau tiến sĩ được. Nếu có tài trợ học bổng cho người làm sau tiến sĩ thì ít nhất cũng phải là 1.000 đến 1.500 USD/tháng”.

Tuy nhiên, câu chuyện làm sau tiến sĩ ở Việt Nam, dù do VinIF hay NAFOSTED tài trợ, không chỉ là vấn đề mức lương. “Tôi nghĩ là dẫu nhà nghiên cứu trẻ nhận được tài trợ của bên nào, nhà nước hay tư nhân, thì mục tiêu chính vẫn là phải triển khai tốt đề tài mà mình đề xuất, qua đó học hỏi kinh nghiệm để có thể làm việc độc lập và tìm được những hướng đi tiềm năng của riêng mình trong tương lai”, TS. Nguyễn Trần Thuật, một nhà khoa học trẻ từng làm tiến sĩ và sau tiến sĩ ở Pháp, hiện đang làm việc tại Trung tâm Nano và năng lượng, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), nói.

Có thể nói rằng, không dễ thụ hưởng mức học bổng của cả quỹ nhà nước hay tư nhân. Dù làm việc trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, tại các đơn vị tư nhân và nhà nước, ở trong Nam hay ngoài Bắc, các nhà khoa học, khi được KH&PT hỏi ý kiến, đều cho biết, khi nhìn vào những tiêu chí xét duyệt học bổng của NAFOSTED hay VinIF, ai cũng thấy những yêu cầu rất chặt chẽ ở các hạng mục thành tích nghiên cứu của ứng viên, của nhà khoa học bảo trợ và điều kiện vật chất của tổ chức KH&CN là đơn vị chủ trì… – điều kiện để họ sàng lọc được những ứng viên xứng đáng. Đây là điểm tương đồng quan trọng của cả hai quỹ. Trong một cuộc trao đổi vào tháng 3/2020, TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ NAFOSTED, cho biết, việc xây dựng các tiêu chí cho chương trình tài trợ này dựa trên tham khảo kinh nghiệm các quỹ quốc tế mà NAFOSTED hợp tác hoặc những quỹ rất thành công với chương trình tương tự, bên cạnh việc vận dụng những quy định trong Thông tư số 09/2015/TT-BKHCN về hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia. Còn với VinIF, dù lợi thế của một quỹ tư nhân khiến họ chỉ cần tham khảo cách làm của nhiều quỹ trên thế giới thì cũng phải “nỗ lực sau hai năm chuẩn bị” như tiết lộ của PGS. TS Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VinIF, thì VinIF mới có thể đưa ra một loạt tiêu chí đầu vào cho các ứng viên.

Dưới góc nhìn của người bảo trợ khoa học cho TS. Nguyễn Ý Như, một nhà nghiên cứu trẻ từ Nhật Bản trở về và nhận được học bổng sau tiến sĩ của VinIF với đề tài “Dao động và biến đổi của dòng chảy tại một số lưu vực sông lớn ở Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu”, giáo sư Phan Văn Tân cho biết, việc thụ hưởng tài trợ này của quỹ tư nhân không phải là không có thách thức: “Tôi nghĩ việc nhận học bổng cũng rất áp lực đấy bởi VinIF họ sẽ không cấp học bổng cho các tiến sĩ một lần mà theo từng giai đoạn sáu tháng một, sau khi đánh giá ứng viên thực hiện đúng tiến độ đã cam kết mới tiếp tục rót tài trợ. Nhưng đây cũng là cách làm tốt để có được chất lượng đầu ra tốt”. Câu chuyện này cũng tương tự như trường hợp các nhà nghiên cứu ở nước ngoài khi nhận học bổng sau tiến sĩ từ ngành công nghiệp, nhiều nhà khoa học nhận xét.

Những tác động lâu dài

Việc tài trợ học bổng sau tiến sĩ cho nhà nghiên cứu trẻ ở quỹ nhà nước hay tư nhân, xét cho đến cùng, cũng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ các nhà khoa học và góp phần đa dạng hóa về mặt học thuật như nhận xét của PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐHQGHN, tại lễ trao học bổng của VinIF vừa qua. Vì vậy, điều mà giới khoa học mong chờ không chỉ là con số tiền lương trong suất học bổng sau tiến sĩ mà còn là tác động lâu dài và uy tín của nó.

Phòng thí nghiệm ĐH Quốc tế (ĐHQGTPHCM). Ảnh: ĐHQGTPHCM
Phòng thí nghiệm ĐH Quốc tế (ĐHQGTPHCM). Ảnh: ĐHQGTPHCM

Nếu xét ở góc độ này thì ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể có đánh giá về hiệu quả và tác động của cả hai nơi này lên các tiến sĩ trẻ, khi chương trình tài trợ sau tiến sĩ của hai bên cũng mới bắt đầu, trong đó chương trình của NAFOSTED mới khởi động được hơn một năm. Mặt khác, kết quả đạt được không hẳn lúc nào cũng tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư nên khó có thể đơn giản từ mức lương mà suy ra ngay được là VinIF hiệu quả hơn NAFOSTED. “Để đánh giá được một cách thấu đáo về cách làm của cả NAFOSTED hay VinIF thì người ta cũng cần ít nhất năm năm”, một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm ở Hà Nội thận trọng cho biết. “Còn ở thời điểm hiện tại thì chúng ta chưa có nhiều căn cứ để so sánh, ngoài những điều dễ thấy bề ngoài”.

Đúng là chỉ dựa vào những điều dễ thấy bên ngoài thì VinIF có quá nhiều ưu điểm, nếu theo thông tin từ buổi công bố học bổng sau tiến sĩ: số lượng hồ sơ, tỉ lệ lựa chọn, mức lương… Vậy VINIF là một lựa chọn hoàn hảo? “Dù việc VinIF đang làm cũng là điều hay nhưng duy trì chương trình tài trợ này lâu dài mới thực sự cần thiết và có ý nghĩa”, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng nói.

Thông thường, khó có thể chờ đợi sự cam kết tài trợ lâu dài ở một quỹ tư nhân, một số nhà khoa học khi được hỏi đều trả lời báo KH&PT như vậy. “Doanh nghiệp thường có những bài toán đầu tư của riêng họ, vì vậy khả năng chương trình tài trợ sau tiến sĩ của VinIF tồn tại lâu dài hay không vẫn còn để ngỏ”, một nhà khoa học ẩn danh cho biết.

Tuy nhiên, ở góc độ người làm quản lý ở một đơn vị nghiên cứu tự chủ có nhiều sản phẩm xuất sắc trong trường đại học, giáo sư Nguyễn Xuân Hùng đã nhìn thấy cách một chương trình học bổng sau tiến sĩ ở một quỹ tư nhân có thể đem lại tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ hiện hành của các quỹ nhà nước. “Tôi hy vọng các chương trình tài trợ của tư nhân như VinIF sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy các chương trình nghiên cứu của nhà nước, qua đó góp phần làm thay đổi cái bộ khung tài chính vốn cứng nhắc về mức lương/học bổng sau tiến sĩ ở Việt Nam. Do đó, nếu VinIF duy trì được chương trình này lâu dài thì họ sẽ đi đầu với việc đó và tạo tác động cho những nơi khác nhận ra giá trị lao động thật sự của người làm sau tiến sĩ”, anh nói và cho biết thêm, “nếu không, các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam có thể sẽ vẫn nhanh chóng nhận được học bổng ở nước ngoài và ra đi như điều đang diễn ra”.

Dù cho rằng, Quỹ NAFOSTED là một đơn vị nhà nước, vốn chịu rất nhiều khung quản lý tài chính khác nhau, nên không dễ thay đổi và đưa ra những quy định hợp lý hơn với bản chất tài trợ cho khoa học song giáo sư Nguyễn Xuân Hùng cũng vẫn đánh giá, NAFOSTED hay các đơn vị nhà nước khác cũng cần xem xét và cân đối lại chương trình tài trợ của mình để có thể nhận được các hồ sơ đề xuất có chất lượng cao. Mặt khác, dù không trực tiếp tài trợ sau tiến sĩ như NAFOSTED nhưng theo nhận xét của anh, cách nhìn nhận về các nhà nghiên cứu/giảng viên của các trường đại học ở Việt Nam, vốn đang phải sốc lại bộ máy trong quá trình tự chủ, cũng sẽ phải thay đổi theo cách quan tâm hơn đến việc đãi ngộ họ. “Việc các nhà nghiên cứu có thể mang dự án hay đề tài về trường không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc mà còn là know-how và danh tiếng của trường. Vì vậy, các trường đại học cần phải coi trọng đóng góp và sức lao động của họ”.

Theo nghĩa tích cực đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam hi vọng, sự xuất hiện của VInIF không chỉ làm đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho khoa học Việt Nam mà thạm chí còn có thể dẫn đến thay đổi cả quan điểm đầu tư và khung tài chính dành cho khoa học.

Hầu như tất cả các nhà khoa học đều cho rằng, để tạo dựng được uy tín cho mình, NAFOSTED và VinIF đều phải rút kinh nghiệm qua những đợt tài trợ để tối ưu cách làm, cách triển khai tài trợ của mình, qua đó đạt được kết quả tốt nhất có thể. Tuy nhiên, họ đều chỉ ra, cách thức mà hai bên hiện đang áp dụng mới chỉ là một dạng trao học bổng sau tiến sĩ của các quỹ nước ngoài. Trên thực tế, học bổng sau tiến sĩ không chỉ cấp thẳng cho các nhà nghiên cứu trẻ mà còn cấp cho các giáo sư giàu kinh nghiệm dưới dạng các dự án lớn để tạo điều kiện cho họ tuyển trực tiếp các ứng viên phù hợp với các dự án của mình. “Tôi nghĩ cách làm như vậy cũng là gợi ý tốt để các quỹ ở Việt Nam học hỏi và đa dạng hơn nữa về cách trao tài trợ của mình. Về lâu dài, nó cũng sẽ đem lại kết quả tốt”, giáo sư Phan Văn Tân nhận xét.

Bài viết trên Báo Khoa học và Phát triển

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Quỹ VINIF sẽ tổ chức hội thảo kỷ niệm 5 năm hoạt động vào ngày 26-27/7/2023

Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) được thành lập từ tháng 8/2018. Sau 05 năm

Ngày Toán học quốc tế 2022: Toán học là một ngôn ngữ chung

Ngày 14/3/2022 vừa qua, hưởng ứng ngày Toán học quốc tế, Trung tâm Quốc tế Đào