Sự kiện “Điện ảnh mà là di sản á?” là tọa đàm thuộc dự án bảo tồn di sản điện ảnh thông qua thí điểm phục chế phim truyện nhựa kinh điển Việt Nam do Quỹ VinIF tài trợ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chủ nhiệm, đã diễn ra tại Đà Nẵng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tọa đàm diễn ra bên lề Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng lần thứ II, với sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt như NSND Lan Hương, NSƯT Chiều Xuân, đạo diễn Leon Quang Lê, nhà báo Nguyệt Linh.

“Điện ảnh mà là di sản á?” là câu hỏi mà nữ đạo diễn phim Đập cánh giữa không trung cùng các cộng sự tại Ơ Kìa Hà Nội film production lấy làm tên chuỗi sự kiện về di sản điện ảnh, bắt đầu năm 2023 tại Hà Nội, đã thu hút được sự chú ý, đánh thức sự quan tâm của công chúng và những người yêu điện ảnh. Sự kiện nhằm mục đích kết nối các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà làm phim, công chúng trong cộng đồng điện ảnh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về lưu trữ, bảo tồn, phục chế phim nhựa với tư cách là một một di sản tư liệu đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp.

NSƯT Chiều Xuân là một trong những người ủng hộ đạo diễn Hoàng Điệp từ những ngày đầu xây dựng dự án bảo tồn di sản điện ảnh và phục chế phim truyện nhựa. “Tôi rất mừng khi nhận thấy các bạn thanh niên rất quan tâm đến giá trị lịch sử, di sản của các thế hệ cha ông đi trước để lại. Bằng chứng là các sự kiện văn hóa ngày càng có sự xuất hiện đông đảo của thanh niên, sinh viên, đặc biệt là một sự kiện khá chuyên biệt như “Điện ảnh mà là di sản á” do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tổ chức”, NSƯT nhấn mạnh. Với nghệ sĩ, “Điện ảnh mà là di sản á” là ý tưởng sáng tạo, yêu cầu lật ngược lại cách hiểu vấn đề từ phía công chúng. Gắn bó với điện ảnh hàng thập kỷ, nghệ sĩ coi điện ảnh là chất liệu dễ biến mất. Một khi các cuộn phim biến dạng, bị vứt đi thì tất cả nội dung, tư liệu trong đó có thể không bao giờ khôi phục được. “Điện ảnh mà là di sản á” không đơn thuần là một lời kêu cứu mà còn là lời cảnh tỉnh thông qua sự kiện cụ thể là việc 300 bộ phim ở trên Hãng phim truyện Việt Nam bị mốc, hỏng.


Tìm hiểu thêm về sự kiện tại bài viết: Phim nhựa – Di sản vô giá của nền điện ảnh Việt Nam.