Phát biểu khai mạc lễ công bố học bổng sau Tiến sĩ của Giáo sư Vũ Hà Văn

Trong bối cảnh hiện nay Khoa học Công nghệ đang tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Khoa học công nghệ là định hướng phát triển cho hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới. Các công nghệ chiếm tỷ trọng rất cao trong danh sách các công ty lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các công ty này vẫn phát triển bền vững, thậm chỉ còn ngoạn mục. Hơn thế nữa, nghiên cứu khoa học cũng gần như là hướng giải quyết duy nhất cho COVID19. Vaccine là sản phẩm trực tiếp từ các phòng thí nghiệm, dẫn dắt bởi các nhà khoa học gạo cội. Ví dụ, vaccine của Pfizer hay Moderna được phát triển dựa trên những nghiên cứu, đã bắt đầu từ cách đây hàng mấy chục năm của nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko.

Việt Nam cũng đã bắt đầu bước vào cuộc chơi và bắt đầu phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học công nghệ của mình và những sản phẩm công nghệ của riêng mình. Ngành Khoa học công nghệ của Việt Nam cũng đã bắt đầu dần khẳng định vị thế với những sản phẩm của từng cá nhân, của những đơn vị có những ứng dụng thực tiễn có tác động mạnh mẽ và mang lại lợi ích thiết thực.

Trên chặng đường phát triển đó, trong nhiều năm gần đây Việt Nam gặp không ít những trở ngại, trong đó một trong những hiện tượng nổi bật nhất, mà chúng ta vẫn thường thấy trên các phương tiện truyền thông báo chí, là việc chảy máu chất xám. Số nhà nghiên cứu khoa học Viêt Nam tìm việc làm ở nước ngoài rất nhiều, trong đó phần lớn là những người được đi nước ngoài du học và ở lại, nhưng cũng có những nhà khoa học có năng lực đang làm việc trong nước cũng tìm đường ra đi.

Một trong các nguyên nhân chính ở đây là các sinh viên tài năng sau khi đi học đại học, hay thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về nước làm việc trong thời gian ngắn thì không tìm được vị trí và thu nhập ổn định nên lại tìm đường ra đi. Điều này cũng xẩy ra với một số người giỏi được đào tạo trong nước. Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục mà tôi biết thì số lượng giảng viên giỏi ở Việt Nam cũng rất ít, có rất nhiều giảng viên dạy nhiều trường cùng một lúc, số giảng viên có bằng tiến sĩ còn chưa cao (ở các nước tiên tiến con số này là 100%). Điều này chỉ rõ sự thiếu thốn giảng viên chất lượng ở Việt Nam.

Với chương trình tài trợ học bổng sau tiến sĩ, Quỹ VINIF mong muốn được góp phần hạn chế tình trạng chảy máu chất xám này và khuyến khích các tài năng trẻ xuất sắc quay trở lại Việt Nam hoặc ở lại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Chúng tôi rất mong muốn đồng hành, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ để các bạn góp phần đưa nghiên cứu KHCN của Việt Nam tiến xa và bền vững. Cho đến nay, hằng năm Quỹ VINIF cũng tài trợ hàng trăm suất học bổng cho sinh viên học Thạc sĩ, Tiến sĩ xuất sắc trên toàn quốc, nhưng năm nay là lần đầu tiên chúng tôi triển khai chương trình học bổng dành cho các nhà nghiên cứu trẻ đã hoàn thành luận án Tiến sĩ trong thời gian gần đây để xây dựng một cộng đồng học thuật toàn diện nhất để kiến tạo sự đột phá đến sự phát triển Khoa học công nghệ trên tổ quốc.

Tôi hy vọng các bạn nghiên cứu sinh nhận được học bổng này sẽ dành toàn lực trau dồi và rèn luyện cùng với cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam mang đến những phát kiến đột phá và góp phần vào những sản phẩm tích cực cho đời sống xã hội và chúng ta sẽ cùng nhau đưa công nghệ Việt phát triển vì tương lai của Việt Nam. Xin cảm ơn!

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

ICDV 2024: Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về thiết kế và kiểm chứng vi mạch bán dẫn

ICDV 2024: “Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 9 về thiết kế và kiểm

THÔNG BÁO THỜI GIAN NHẬN HỒ SƠ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC, TÀI TRỢ CỦA VINIF NĂM 2023

🌸Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Quỹ VINIF xin gửi đến các bạn lời cảm