Nhìn lại 60 năm nhiều cảm xúc của thảm họa da cam

TTO – Những nỗi đau da cam, những nỗ lực khắc phục hậu quả da cam từ nhiều phía, những vòng tay nhân ái từ Việt Nam ra thế giới và hành trình đòi công lý cho nạn nhân dioxin… Bức tranh 60 năm thảm họa da cam đang được giới thiệu tới công chúng.

Nhìn lại 60 năm nhiều cảm xúc của thảm họa da cam - Ảnh 1.
Hình ảnh cặp song sinh dính liền nhau Việt và Đức
do chất độc da cam được trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm Thảm họa da cam/dioxin – 60 năm nhìn lại do Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Trung tâm quốc tế đào tạo và nghiên cứu toán học, Viện Toán học và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup… tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và triển lãm online trên website trienlamdacam.vn.

Được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2021), triển lãm trưng bày, trình chiếu khoảng 150 hình ảnh, video, hiện vật với các chủ đề: Thảm họa và nỗi đau da cam, Khắc phục hậu quả da cam/dioxin, Vòng tay nhân ái và Hành trình đòi công lý, Hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học, Vượt khó vươn lên.

Nhìn lại 60 năm nhiều cảm xúc của thảm họa da cam - Ảnh 2.
Công chúng xem triển lãm – Ảnh: T.ĐIỂU

Hành trình 60 năm với rất nhiều đau thương, mất mát, những nỗ lực khắc phục hậu quả từ cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ, những đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam của nhiều người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế, hay những tấm gương vượt khó phi thường của nhiều nạn nhân da cam… đều được thể hiện cảm động trong triển lãm.

Tại đây, người xem được thấy không chỉ người Việt mà một số lính Mỹ, Hàn Quốc tham gia chiến tranh ở Việt Nam cũng đã phải gánh chịu những bi kịch vì thứ chất độc do chính họ gieo rắc.

John Ball, Jr bị khuyết tật bẩm sinh, được các nhà nghiên cứu cho rằng cậu đã bị ảnh hưởng bởi người cha từng tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất da cam/dioxin.

Một hành trình dài lâu, kế tiếp nhau của nhiều người Việt cùng đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam như hành trình của GS Nguyễn Trọng Nhân cùng với hai nạn nhân Đặng Hồng Nhựt, Hồ Sỹ Hải, của GS. TSKH. NGƯT Phan Thị Phi Phi, của bà Trần Tố Nga… cũng được kể trong triển lãm, mang lại nhiều suy tư cho người xem.

Nhìn lại 60 năm nhiều cảm xúc của thảm họa da cam - Ảnh 4.
Gia đình hạnh phúc của cô văn công Linh Phương trước khi bi kịch da cam đổ xuống khiến chồng và ba con của bà phải chết với cùng triệu chứng.

Và còn nhiều nữa những hình ảnh đẹp về nghị lực phi thường của các nạn nhân da cam như Trần Thị Hoan – một trong hai nạn nhân đại diện cho các nạn nhân da cam sang Mỹ vận động các tầng lớp nhân dân Mỹ thúc đẩy vụ kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam; hay Nguyễn Sơn Lâm dù chỉ nặng hơn 20kg nhưng đã tốt nghiệp 2 trường đại học, thông thạo nhiều ngoại ngữ, làm phóng viên thể thao; Nguyễn Thanh Tùng – nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị mù hai mắt nhưng vẫn có thể biểu diễn piano…

Nhìn lại 60 năm nhiều cảm xúc của thảm họa da cam - Ảnh 5.
Ông Tim Page – cựu phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng của hãng UPI (Mỹ) – ôm một trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Ba Vì, Hà Nội.

Hình ảnh về những cái ôm của bạn bè quốc tế dành cho nạn nhân da cam/dioxin được giới thiệu trong triển lãm là một sự khích lệ lớn cho người Việt trong hành trình đòi công lý cho các nạn nhân của thứ chất độc kinh hoàng.

Mô hình sa bàn 3D tái hiện chân thực mức độ lan truyền chất độc dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, Đồng Nai trưng bày tại triển lãm giúp người xem hình dung rõ hơn về thảm họa chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã gây ra cho Việt Nam.

Triển lãm thay lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục cùng chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; giúp đỡ các nạn nhân.

Triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam kéo dài tới ngày 12-8, còn triển lãm online kéo dài tới 31-12.

Bài viết trên Báo Tuổi trẻ.

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm