(Báo Khoa học & Phát triển) Sự ra đời của hai Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học và Vật lý do UNESCO bảo trợ là minh chứng rõ nét nhất cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong lộ trình phát triển các ngành thuộc nghiên cứu cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.
Đó là nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại sự kiện “Ngày KH&CN 2021 – Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai” do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup Innovation Foundation – VinIF, VinBigdata và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (Viện Toán học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phối hợp tổ chức vào ngày 12/6 vừa qua. Ông cho rằng, một quốc gia không có nghiên cứu cơ bản thì sẽ không thể có một nền khoa học thực sự, và vì thế cần phải có chiến lược phát triển những ngành như toán học và vật lý từ sớm. Đây là lý do mà trong nhiệm kỳ của mình, ông đã quyết định thành lập hai trung tâm nghiên cứu xuất sắc dưới sự bảo trợ của UNESCO đó là trung tâm toán học và trung tâm vật lý.
Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Quân, GS Vũ Hà Văn (Viện VinBigdata) cho rằng “ở hoàn cảnh hiện tại, thông qua việc đối phó với đại dịch, chúng ta đã thấy rõ – một cách trực quan nhất – rằng KH&CN đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống, nhất là khi vaccine chính là chìa khóa giải quyết bệnh dịch một cách toàn diện. Vaccine chỉ có thể ra đời nhờ những nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu cơ bản từ rất lâu về trước, khi chúng ta còn chưa biết gì về Covid-19 – mà công trình của Katalin Karikó là ví dụ điển hình”, ông nhận định. “Và đó là lúc ta nhận thấy việc đầu tư cho khoa học cơ bản là rất cần thiết, bởi chúng ta không thể biết lúc nào thì cần đến thành quả của những đầu tư đó”.
Nếu ở bối cảnh đại dịch, chúng ta có thể thấm thía điều này nhưng ở bốn năm trước, việc thành lập hai Trung tâm này là một quyết định “gây bất ngờ”, trái ngược với quan điểm của nhiều người là Việt Nam chỉ nên đầu tư nghiên cứu ứng dụng thay vì nghiên cứu cơ bản, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Quỹ VinIF) nhắc lại. Vì vậy, bà cho rằng, Bộ KH&CN đã đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy ký kết thành lập hai trung tâm nghiên cứu vào năm 2017 giữa chính phủ Việt Nam và UNESCO. “Giữa tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt về kế hoạch hoạt động của hai Trung tâm Toán học và Vật lý với nhiệm vụ là thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu và đào tạo cho toán học, vật lý lẫn các ngành khoa học khác, đồng thời lan tỏa tình yêu khoa học đến mọi người trong xã hội. Trong năm nay, hai Trung tâm này sẽ được ra mắt”, bà chia sẻ.
KH&CN thâm nhập vào mọi mặt của đời sống
Do có đại dịch nên sự kiện không thể tổ chức đúng vào ngày 18/5 (Ngày KH&CN Việt Nam), theo TS. Nguyễn Quân, vẫn thật may mắn khi có thể tổ chức trước ngày 18/6, ngày đánh dấu mốc quan trọng với ngành khoa học: Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN cũng như quy định đầu tư cho KH&CN 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. “Điều này cho thấy Nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của KHCN và xem đó là động lực cơ bản cho sự phát triển và đổi mới của đất nước”, ông nói.
Hiện tại, KH&CN ngày một đóng một vai trò thiết yếu và đã thâm nhập vào mọi mặt của đời sống – đó cũng chính là điều mà các bài giảng đại chúng trong sự kiện đã thể hiện rõ. Các bài giảng trong sự kiện thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, từ cơ bản đến ứng dụng, từ toán học đến y tế cộng đồng… như bài giảng “Một số bài toán hình học và giản đồ cây trong virus” của PGS.TS. Nguyễn Thế Toàn (Trưởng Khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), “Thống kê – chiếc cầu kết nối toán học với các khoa học thực nghiệm” của PGS.TS. Hồ Đăng Phúc (Nguyên Trưởng phòng Xác suất thống kê – Viện Toán học), Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo” của TS. Võ Sỹ Nam (Trưởng phòng Tin Y sinh ứng dụng, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Công nghệ sản xuất vaccine Covid: Bối cảnh Việt Nam – thế giới trong sản xuất vaccine và những điều cần lưu ý khi tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam” của TS.BS. Phạm Quang Thái (Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Viện Vệ sinh dịch tễ TW).
Và điểm nhấn của sự kiện là một bài giảng đặc biệt, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, “lĩnh vực mà chúng ta thường nghĩ đó là phần bù của khoa học tự nhiên, nhưng giờ đây nó lại giao với khoa học tự nhiên” – TS Hà Dương cho biết, và nghiên cứu “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột thời Lý năm 1105” của PGS.TS. Trần Trọng Dương (Trưởng phòng nghiên cứu Minh Văn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm) là một minh chứng. Nhóm nghiên cứu của anh đã ứng dụng KHCN vào một công trình lịch sử, khảo cổ học.
Ý nghĩa các bài giảng như vậy, theo GS Vũ Hà Văn, có thể giúp mọi người quan tâm đến khoa học, đặc biệt là những người trẻ bởi hiện tại Việt Nam đang cần một lớp nhà nghiên cứu, một lớp kỹ sư trẻ có thể đáp ứng được các nghiên cứu công nghệ cao. Ông cũng cho rằng, bên cạnh những sự kiện như thế này, Việt Nam cũng cần xây dựng một mạng lưới bền vững để kết nối các nhà nghiên cứu, các kỹ sư công nghệ và những bộ óc tiềm năng của đất nước lại với nhau. “Chia sẻ là cách tốt nhất để chúng ta có thể khai thác và vận dụng tối đa những nguồn dữ liệu khổng lồ sản sinh từ các hoạt động số hóa – mà hiện nay đang là xu thế phát triển của Việt Nam và cả thế giới. Xa hơn, việc kết nối nguồn lực để thúc đẩy sự trao đổi dữ liệu, tri thức sẽ tạo nên sự cộng hưởng, và từ đó kiến tạo nên những giải pháp hữu ích cho xã hội”, ông kết luận.
Bài viết trên báo Khoa học & Phát triển.