Khoa học mở cần được tranh luận với đa dạng góc nhìn

(Báo Lao động) “Khoa học mở cần được tranh luận với đa dạng góc nhìn”

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Khoa học mở dưới các góc nhìn” diễn ra sáng 18.5.2023 tại Viện Toán học Việt Nam do Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, Trung tâm Vật lý quốc tế, Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam tổ chức, nhân Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam, đồng thời hưởng ứng tinh thần của UNESCO nhằm lan tỏa nhận thức về khoa học mở cho cộng đồng.

Các khách mời tham gia toạ đàm.

“Khoa học mở là một chủ đề thời sự quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số khi tri thức không chỉ còn bó hẹp trong giới hàn lâm hay công nghệ mà có tác động trực tiếp nhanh, mạnh đến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế, khi tri thức ấy cần được mở rộng và chia sẻ một cách hợp lý. Tuy nhiên, các khái niệm về Khoa học mở còn khá mơ hồ hay tản mạn với nhiều người chúng ta”  – PGS. Phan Thị Hà Dương, Trưởng Ban Chương trình đề dẫn.

PGS. Phan Thị Hà Dương chủ trì Hội thảo. 

Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, về các giá trị cốt lõi, những thách thức cũng như các con đường khác nhau dẫn tới khoa học mở, BTC đã mời các diễn giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội: các chuyên gia xây dựng chính sách từ Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, các nhà quản lý thuộc các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học có uy tín hàng đầu Việt Nam tại các Viện nghiên cứu lớn…

Trong Bài giảng đại chúng “Dữ liệu Khoa học Mở”, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo đã nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của hệ thống dữ liệu mở trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong thời đại KHCN phát triển và thay đổi từng ngày như hiện nay. GS ủng hộ một nền khoa học mở đem lại lợi ích hài hòa cho các ngành nội thuộc; đảm bảo sự liêm chính, công bằng, bình đẳng trong chia sẻ dữ liệu, tri thức. Ông đồng thời bộc lộ nỗi lo lắng trước vấn đề bảo mật quyền riêng tư có thể bị xâm phạm, đặt ra các thách thức về mặt đạo đức không dễ cam kết hay xử lý. Ngoài ra, vấn đề truy cập dữ liệu công bằng, bình đẳng, đem lại lợi ích thiết thực trong nghiên cứu, sản xuất cũng là một trong những thách thức lớn khi mặt bằng KHCN trong các ngành, vùng, quốc gia, khu vực là khác nhau, khó đảm bảo sự hài hòa về mặt quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên tham gia.

GS Hồ Tú Bảo với bài giảng đại chúng “Dữ liệu Khoa học Mở”.

GS đề cao 3 nhánh chính, 4 trụ cột, 4 giá trị cốt lõi và 6 nguyên tắc thực thi mà UNESCO đã chỉ rõ để có thể hiện thực hóa khoa học mở. Ngoài ra, GS còn giới thiệu đến đông đảo đại biểu thuật ngữ FAIR, được cho là tóm tắt toàn bộ tinh thần của dữ liệu mở. FAIR bao gồm: khả năng tìm thấy (Findable), khả năng truy cập (Accessable), khả năng tương tác (Interoperable) và khả năng tái sử dụng (Reusable). Nếu không có FAIR,  dữ liệu mở  sẽ như một hệ thống “thiếu chân”, thiếu giá đỡ vững chắc. Trong thời đại ngày nay, khoa học không chỉ bao hàm lý thuyết, thực hành, mà còn gồm chứa cả các phương pháp tính toán máy tính, tính toán sâu về dữ liệu. Do vậy, trong vai trò là một trong những nước đi sau về phát triển KHCN so với thế giới phương Tây, các nhà khoa học của chúng ta cần phải học cách thay đổi và làm mới các thói quen trong nghiên cứu của chính mình để có thể hướng đến khoa học mở.

GS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Bài giảng đại chúng “Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa” của GS.TS. Nguyễn Thế Toàn đề cập đến một vấn đề đang rất mới hiện nay, là một trong những động lực để khoa học mở phát triển, đó là các nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Nội dung bài giảng trình bày xu hướng nghiên cứu hội tụ với ví dụ về việc ứng dụng vật lý trong sinh học tiến hóa. Bài giảng đặt ra một vấn đề quan trọng: Tương lai phát triển khoa học cơ bản khởi sắc khi các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này luôn đòi hỏi và thúc đẩy sự phát triển các công nghệ tiên tiến nhất. Tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới, chỉ riêng lĩnh vực các bằng sáng chế, các công ty khởi nghiệp từ các nghiên cứu cơ bản cũng có thể tạo ra các nền kinh tế hàng chục ngàn tỷ USD. Để làm được việc đó, xu hướng nghiên cứu hội tụ, đa ngành, liên ngành là một hướng đi triển vọng. GS ủng hộ một nền khoa học mở, trong đó các kiến thức, kỹ thuật mạnh nhất của các ngành khác nhau cùng kết hợp, hội tụ với nhau để tìm ra lời giải cho các bài toán phức tạp nhất của tự nhiên.

Bài giảng của chuyên gia Nguyễn Võ Hưng trình bày quá trình xây dựng Khuyến nghị của UNESCO. Bản thân chuyên gia là nghiên cứu viên chính tại Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (NISTPASS), Học viện Khoa học, Công nghệ và ĐMST, Bộ Khoa học và Công nghệ và đã tham dự phiên họp chuyên gia liên chính phủ về góp ý xây dựng Dự thảo Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO. Chuyên gia cũng phân tích nhiều quan điểm, xu hướng trái chiều nhau về các khía cạnh của khoa học mở theo khuyến nghị của UNESCO: dữ liệu mở, hệ thống xuất bản mở, hạ tầng khoa học mở, nguồn lực giáo dục mở, phần cứng mở, phần mềm mã nguồn mở, tính mở đối với đa dạng hóa kiến thức, đánh giá mở và sự tiếp cận mở của các nhóm xã hội. Chuyên gia chỉ ra các giá trị cốt lõi của khoa học mở, đó là: chất lượng và “liêm chính”, lợi ích tập thể, bình đẳng, không thiên vị, và đa dạng/bao trùm. Để làm được như vậy, khoa học mở cần các nguyên tắc chỉ đạo đáp ứng các tiêu chí sau: Minh bạch, kỹ lưỡng, phản biện, khả năng tái lập; bình đẳng về cơ hội; trách nhiệm, tôn trọng và trách nhiệm giải trình; hợp tác, tham dự và hòa nhập; linh hoạt; bền vững. Ngoài ra, xu hướng thay đổi từ hình thức bình duyệt (peer review) sang hình thức thẩm định mở (open review) thông qua các nền tảng không tạp chí như các blog khoa học, mạng khoa học công dân quốc tế… cũng sẽ là những hình thái có tiềm năng phát triển khi khoa học mở phát triển.

Chuyên gia Nguyễn Võ Hưng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chỉ ra các giá trị cốt lõi của khoa học mở.

Tại phần Tọa đàm diễn ra sau đó, PGS. Phan Thị Hà Dương đã đề xuất một đối thoại mở, với các ý kiến thẳng thắn, thậm chí trái chiều về các nội dung của Khoa học mở, có thể có những nội dung cần phát triển nhưng cũng có những nội dung nên được xem xét cẩn trọng thông qua các tranh luận. 

PGS đã đặt câu hỏi với TS. Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện KHCN VINASA, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam: Các doanh nghiệp nhìn nhận thế nào về khái niệm này, họ đã có mối quan tâm lớn đến vấn đề này chưa, có đồng ý thực hiện các khuyến nghị về việc chia sẻ các tài nguyên, tri thức…?

TS Quang cho rằng sự cạnh tranh về tài nguyên số, dữ liệu số là điều không thể tránh khỏi. Đó cũng là một lực cản lớn đối với việc thực hiện Khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở, đứng trên góc nhìn từ phía các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khoa học mở không có nghĩa là khoa học miễn phí, nếu không sẽ không có động lực và nguồn lực để phát triển khoa học. Bên cạnh các quỹ, bộ ngành, các doanh nghiệp cũng đầu tư cho nghiên cứu, khoa học rất nhiều và thực sự muốn làm giàu trên các đột phá KHCN đó. Chuyên gia đề xuất, đứng từ quan điểm của doanh nghiệp, sự giảm giá thông qua các nền tảng công bố và kinh doanh có mô hình mới hơn sẽ là hướng đi hài hòa.

Trả lời câu hỏi về tính minh bạch của Việt Nam so với thế giới trong việc truy cập dữ liệu và quyền bảo mật thông tin cá nhân, từ góc độ nhà hoạch định chính sách, chuyên gia Nguyễn Trọng Khánh, phụ trách phòng Cơ sở dữ liệu, Cục chuyển đổi số quốc gia, cho biết: Nghị định 472020/NĐ-CP có quy định về các nguyên tắc cung cấp, sử dụng, bảo đảm thông tin cá nhân đối với các dữ liệu mở của nhà nước. Các nguyên tắc quan trọng nhất là dữ liệu mở của nhà nước có thể được sử dụng miễn phí, tự do sao chép phục vụ các mục đích nghiên cứu, tìm hiểu, công việc… Đây cũng là một trong các bước đi quan trọng hiện thực hóa việc thực thi Khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở trên khía cạnh dữ liệu mở. Chuyên gia cũng đồng ý với ý kiến không nên hiểu khoa học mở là khoa học miễn phí, cần làm sao để các nội dung NCKH có thể “mở” được nhiều hơn chứ không phải là bắt buộc phải mở hết các dữ liệu.

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Bộ KH&CN là cơ quan trong nước đầu tiên xây dựng quy chế “mở” đối với các đề tài, dự án KHCN, khi cho phép các nhà khoa học toàn quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm KHCN do đề tài, dự án tạo ra. Ông cũng nhấn mạnh tài sản trí tuệ, dữ liệu không giống với các tài sản hữu hình khác vì càng được chia sẻ, ứng dụng rộng rãi, giá trị của nó càng lớn.

Ở những góc nhìn khác, GS. Hoàng Xuân Phú (Viện Toán học) cho rằng trước các khuyến nghị của UNESCO thì  bản thân các nhà khoa học đã luôn mở, luôn mong muốn các công trình đến với người đọc; GS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội đặt ra các vấn đề về đạo đức, tôn giáo khi bàn đến Khoa học mở…

“Khoa học mở, tại thời điểm này, đối với các nước đi sau như Việt Nam, như một “giấc mơ” và mang đầy tính vị nhân sinh. Giấc mơ này có thể được hiện thực hóa một số phần nếu có sự chung tay, quyết tâm và sự hào hiệp sẵn sàng chia sẻ  và hơn hết cần có các quy chế phù hợp – GS Hồ Tú Bảo quan niệm.

Bài viết trên báo Báo lao động

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Video hội thảo Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – Dấu ấn 5 năm hoạt động

Hội thảo VINIF – Dấu ấn 5 năm hoạt động diễn ra trong hai ngày 26-27/7/2023

Tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris – Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis”

Sáng 25/4/2023, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định