Dự án Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chủ nhiệm: TS. Nguyễn Phi Lê, đồng chủ nhiệm: PGS. Huỳnh Thị Thanh Bình) là một trong 22 dự án khoa học công nghệ được VINIF tài trợ năm 2020.
Dự án bao gồm nhóm từ Đại học Bách Khoa Hà Nội – HUST (SoICT, SEE), Đại học Chiba và Phòng thí nghiệm R&D Hệ thống không dây, Toshiba.
Fi-Mi là một hệ thống quan trắc dựa trên các thiết bị nhỏ gọn đặt trên các xe buýt, và sử dụng trí tuệ nhân tạo dự báo chất lượng không khí trong tương lai, cũng như chất lượng không khí ở các vùng không được quan sát bởi thiết bị đo.
Bằng cách khai thác các kỹ thuật dự đoán dựa trên học sâu và sự di động của hệ thống xe buýt, Fi-Mi có thể mở rộng các khu vực giám sát và cung cấp thông tin chi tiết về chất lượng không khí. Mặt khác, bằng cách sử dụng các thiết bị giám sát hiệu quả về chi phí, Fi-Mi có thể giảm đáng kể chi phí so với các phương pháp hiện có. Mục tiêu cuối cùng của Fi-Mi là cung cấp một hệ thống hiệu quả để giảm thiểu hậu quả của ô nhiễm không khí, do đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
Sau hai năm triển khai, nhóm dự án Fi-Mi đã có được những kết quả ấn tượng:
• Công bố 10 bài báo đăng tại các tạp chí quốc tế đầu ngành hạng Q1
• 03 bài báo được đăng tại các hội thảo rank A
• 2 bằng phát minh sáng chế đăng ký tại Nhật Bản và Việt Nam
• Sản xuất 30 thiết bị quan trắc môi trường di động
• Xây dựng hệ thống web theo dõi chất lượng không khí thời gian thực (fi-mi.vn), và hệ thống theo dõi hoạt động của các thiết bị quan trắc
• Đào tạo thành công 3 thạc sỹ, góp phần đào tạo 3 tiến sỹ
Đặc biệt, dự án đã triển khai lắp các thiết bị Fi-Mi lên các tuyến xe bus chạy trong nội đô Hà nội. Tháng 4 năm nay, dự án đã tiến hành lắp đặt một số thiết bị lên hai tuyến xe bus 18 và 38 để chạy thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm cho thấy việc truyền dữ liệu từ các thiết bị Fi-Mi về server tương đối ổn định. Các thiết bị đáp ứng tốt với điều kiện thời tiết và rung lắc khi vận hành trên xe bus. Trong tháng 5 và tháng 6, dự án sẽ tiến hành lắp đặt toàn bộ 30 thiết bị lên các tuyến xe bus và thực hiện các bài toán phân tích, xử lý dữ liệu và sử dụng AI để dự đoán chất lượng không khí theo không gian.
TS. Nguyễn Phi Lê (chủ nhiệm dự án) chia sẻ “Dự án thực sự đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã kết nối được với các nhóm nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau như môi trường, giao thông. Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu cơ bản, dự án đã bước đầu cho thấy tiềm năng của ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của Việt Nam.
Các thông tin chi tiết về dự án, vui lòng truy cập website: https://fi-mi.vn/