Dự án “Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong an ninh quốc phòng và dân dụng” do PGS.TS Nguyễn Trần Thuật (chủ nhiệm dự án) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (tổ chức chủ trì) thực hiện.
Dự án nhằm nghiên cứu phát triển được công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt không làm lạnh, đồng thời minh chứng khả thi việc đầu tư nhà máy sản xuất quy mô công nghiệp cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt này cho nhu cầu trong nước và khu vực.
Phạm vi nghiên cứu của dự án:
Thiết kế mô phỏng quang học và vi điện tử
Thiết lập và tối ưu quy trình công nghệ chế tạo linh kiện
Thiết kế cơ khí điện tử và chế tạo thiết bị.
Sau ba năm triển khai, nhóm dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu với kết quả ấn tượng:
02 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế
03 đăng ký sở hữu độc quyền sáng chế tại Việt Nam, trong đó 01 đăng ký đã được cấp bằng sáng chế
08 báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế
02 quy trình chế tạo cảm biến ảnh nhiệt và nhiều quy trình chế tạo tại từng bước cụ thể
01 thiết kế vi mạch đọc mảng cảm biến ảnh
01 thiết kế và phương pháp sử dụng mạng neuron sâu và máy học tăng cường để tối ưu cấu trúc màng đang lớp hấp thụ hồng ngoại nhiệt
01 báo cáo kinh tế kỹ thuật khả thi dự án chế tạo cảm biến ảnh nhiệt (đặc biệt áp dụng cho cảm biến ảnh nhiệt thế hệ mới).
Cảm biến ảnh nhiệt các loại và camera ảnh nhiệt demo sử dụng cảm biến ảnh nhiệt đã chế tạo.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã phát triển tiếp một spinoff dựa trên việc đổi mới quy trình để chế tạo được các cảm biến ảnh nhiệt thế hệ mới có khả năng giảm thiểu sự phụ thuộc vào vi mạch. Giải pháp này đã lọt vào top 10 cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo của Qualcomm Việt Nam năm 2022 (QVIC2022).
PGS.TS Nguyễn Trần Thuật (chủ nhiệm dự án) chia sẻ “Trong quá trình thực hiện, nhóm dự án đã đi đến một quy trình chế tạo cải tiến, cho phép giảm tối thiểu được sự phụ thuộc vào vi mạch CMOS. Quy trình này có tiềm năng rất lớn trong giảm chi phí chế tạo, tăng cường được khả năng tích hợp với linh kiện tính toán phỏng não để xử lý ảnh, và có thể áp dụng cho dải bước sóng terahertz. Với sự đồng hành của Quỹ VINIF, nhóm nghiên cứu đã có thể tập trung nguồn lực vào kỹ thuật và được tiếp cận với vật tư linh kiện, vi điện tử, trình độ công nghệ và kỹ thuật quốc tế. Chúng tôi hy vọng VINIF sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhóm nghiên cứu trong những giai đoạn sau của dự án.“
Website dự án: https://infrasen.vn/