Dự án của PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng được nghiệm thu thành công

👉“LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ CHẾ TẠO, LẮP RÁP LÀ TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ XÂY DỰNG DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT PIN SẠC LI-ION TRONG TƯƠNG LAI”

🌎🌎🌎 Xu hướng phát triển pin lithium-ion (Li-ion) ứng dụng trong các thiết bị tiêu thụ điện là tất yếu trên thế giới và Việt Nam. Việc nghiên cứu làm chủ công nghệ, dây chuyền lắp ráp pin sạc Li-ion và tiến tới xây dựng mô hình sản xuất công nghiệp đặt ra vai trò rất quan trọng của những nhà khoa học, các tổ chức và doanh nghiệp đồng hành. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang dần làm chủ công nghiệp sản xuất xe điện với những lợi ích môi trường to lớn, tiết giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, việc tự chủ sản xuất pin sạc Li-ion đóng vai trò cốt lõi để có thể bắt kịp thế giới về công nghệ, hàm lượng tri thức và các giá trị kinh tế bền vững.

🔋🔋🔋 Dự án “Ứng dụng quy trình tổng hợp vật liệu điện cực từ vỏ trấu để sản xuất thử nghiệm pin sạc Li-ion 4V dạng cúc áo (coin cell) và dạng túi (pouch cell)” do PGS.TS. Lê Mỹ Loan Phụng làm chủ nhiệm (CNDA) và trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM (đơn vị chủ trì) được thực hiện từ năm 2020, đến nay đã nghiệm thu thành công. Dự án nhằm nghiên cứu chế tạo, lắp ráp các loại pin sạc với kiểu dáng khác nhau từ những vật liệu tự tổng hợp được trong nước, đặc biệt là sử dụng nguyên liệu chế tạo điện cực từ vỏ trấu – một phụ phẩm nông nghiệp rất phổ biến ở Việt Nam.

🎯Sau hai năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

🔹Công bố 05 công trình nghiên cứu có chất lượng cao trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 03 bài thuộc tạp chí Q1, 02 bài thuộc tạp chí Q2, đóng góp chung vào sự phát triển công nghệ sản xuất pin Li-ion trên thế giới;

🔹Công bố 04 công trình nghiên cứu trên tạp chí cấp quốc gia;

🔹Sáng chế về quy trình lắp ráp pin sạc Li-ion từ vỏ trấu: 01 sáng chế đã có quyết định chấp nhận đơn;

🔹Sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm và tiến tới sản xuất ở quy mô pilot vật liệu chế tạo điện cực pin sạc Li-ion từ vỏ trấu;

🔹Sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm thành công 50 pin sạc dạng cúc áo CR-2032, 50 pin sạc dạng túi (pouch cell);

🔹Các kết quả nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm, quy trình và bảng đánh giá đã được hội đồng chuyên gia đầu ngành thẩm định.

💥Kết quả nghiên cứu của dự án đã tạo cơ sở cho sự phát triển các sản phẩm công suất nhỏ, gọn sử dụng pin sạc Li-ion như nguồn điện cung ứng: các thiết bị y tế (máy trợ thính, máy hỗ trợ tim, áo chống cháy thông minh), nguồn dự phòng ứng dụng trong thiết bị điện tử (máy tính) v.v.

👉PGS.TS. Lê Mỹ Loan Phụng (CNDA) chia sẻ: “Sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực xe điện những năm gần đây đã thúc đẩy công nghệ pin sạc Li-ion cải tiến không ngừng để đáp ứng các tiêu chí về giá thành, an toàn và tính bền vững. Nghiên cứu tạo ra vật liệu điện cực cho pin sạc từ vỏ trấu là một giải pháp giúp giảm giá thành của pin sạc, thông qua tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm ứng dụng có giá trị cao. Đây là tiền đề quan trọng đánh dấu sự phát triển của công nghệ chế tạo và lắp ráp pin sạc Li-ion tại Việt Nam. CNDA đã nghiên cứu về lĩnh vực pin sạc từ năm 2010 và ấp ủ dự định phát triển, tự chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp và ứng dụng tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Thông qua chương trình tài trợ Dự án Khoa học Công nghệ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinGroup (VINIF), dự án đã có một bước tiến lớn để hiện thực hóa các ý tưởng phát triển từ phòng thí nghiệm. Đồng thời, nhiều cơ hội trong việc hợp tác với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm cũng được mở ra.”

👏👏👏 Xin chúc mừng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Lê Mỹ Loan Phụng!!!

🚩Tìm hiểu thêm về dự án tại đây: https://vinif.org/annual/vinif-2020-ncud-da039-ung-dung-quy-trinh-tong-hop-vat-lieu-dien-cuc-tu-vo-trau-de-san-xuat-thu-nghiem-pin-sac-li-ion-4-v-dang-cuc-ao-coin-cell-va-dang-tui-pouch-cell/

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin