Hơn 60% các địa phương bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN cao hơn mức trung ương giao

(Báo Khoa học và Phát triển) – Báo cáo của Bộ KH&CN tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2024 cho thấy, về cơ bản, năm 2023 các địa phương đều bố trí kinh phí sự nghiệp KH&CN đảm bảo tối thiểu bằng mức cân đối của Trung ương. Đặc biệt, có 39/63 địa phương (61%) chủ động cân đối, bố trí kinh phí cao hơn mức Trung ương thông báo.Công tác đầu tư tài chính cho hoạt động KH,CN&ĐMST của các tỉnh/thành phố ngày càng được quan tâm chú trọng, kinh phí dành cho KH&CN ngày càng cao cũng như đối ứng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Điều đó cho thấy, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã dành sự quan tâm lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Kinh phí sự nghiệp KH&CN do Trung ương thông báo năm 2023 là 3.291,0 tỷ đồng (cao hơn so với năm 2022 là 96,0 tỷ đồng); UBND tỉnh/thành phố phê duyệt là 4.098,9 tỷ đồng, đạt 124,5% so với kinh phí Trung ương thông báo.

Các tỉnh bố trí vốn cao hơn thông báo điển hình gồm có: Quảng Ninh đã bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN cao hơn số kinh phí Trung ương giao gấp 2,8 lần; Thanh Hóa (2,0 lần); Bà Rịa -Vũng Tàu (1,8 lần); Bến Tre, Lào Cai (1,6 lần)…

Nhìn chung, các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 60 – 65% kinh phí sự nghiệp KH&CN chi cho hoạt động nghiên ứng dụng và phát triển công nghệ. Theo báo cáo của các địa phương, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở cũng được tổ chức triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, tạo ra sản phẩm mới, theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của địa phương; đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống.

Báo cáo cũng cho biết, những năm gần đây công tác xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được tăng cường. Bộ KH&CN và các địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động KH,CN&ĐMST.

Một số doanh nghiệp là điểm sáng về chủ động đầu tư cho KH,CN&ĐMST, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao như: (i) Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) tài trợ 160 tỷ đồng cho KH&CN năm 2023; (ii) Tập đoàn Sao Mai tỉnh An Giang đã dành khoảng 50 tỷ cho nghiên cứu phát triển; (iii) Công ty Dược Hậu Giang dành hơn 50 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đổi mới công nghệ; (iv) TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 100 Quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động; (v) Quảng Ninh có 7 doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN với tổng số vốn là 779 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị…

Bài viết trên Báo Khoa học và Phát triển.

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

626 hồ sơ đăng ký chương trình học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước

Ngày 02/08, Quỹ VINIF đã đóng hệ thống tiếp nhận hồ sơ và ghi nhận được

Thông báo cuộc thi thiết kế Logo và bầu Ban chấp hành VINIF Alumni

CÂU LẠC BỘ VINIF ALUMNI sẽ làm gì? Hoạt động như thế nào? Làm sao để