Trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình khoa học trọng điểm cấp Bộ “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế “Văn hóa gia đình Nho giáo và hệ giá trị gia đình đương đại” trong hai ngày 21-22 tháng 9 năm 2024, tại Hà Nội.
Hội thảo có sự phối hợp tổ chức của Hội Nghiên cứu Tăng Tử (thuộc Hội Lịch sử Triết học Trung Quốc), Viện Nghiên cứu cao cấp về Nho học (Đại học Sơn Đông), Viện Nghiên cứu Tăng Tử (Đại học Sơn Đông), Quỹ học thuật Tăng Tử Tăng Trí Minh và Viện Nghiên cứu Tăng Tử, cùng sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF). Đến tham dự hội thảo, về phía khách mời có: PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Đặng Thị Hoa – Viện trưởng Viện Tâm lý học, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, PGS.TSKH. Lương Đình Hải – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi – Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, TS. Nguyễn Đăng Toàn – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Về phía đơn vị phối hợp tổ chức, có GS.TS. Tăng Chấn Vũ – Hội trưởng Hội Nghiên cứu Tăng Tử thuộc Hội Lịch sử Triết học Trung Quốc. Về phía Ban tổ chức có: PGS.TS. Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học, TS. Trần Tuấn Phong – Phó Viện trưởng Viện Triết học, TS. Vũ Thị Kiều Phương – Phó Viện trưởng Viện Triết học.
Ngoài ra, tham dự và báo cáo tại hội thảo, còn có các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu có truyền thống và uy tín về nghiên cứu Nho giáo tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đại học Sơn Đông, Đại học Thanh Hoa, Đại học Thâm Quyến, Đại học Sư phạm Khúc Phụ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Trung Quốc), Đại học Thanh Hoa Đài Loan, Đại học Văn hóa Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan (Đài Loan (Trung Quốc)), Thư viện Đạo lý Malaysia (Malaysia), Đại học Quốc gia Gongju (Hàn Quốc) cùng nhiều nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước như: Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Thanh Niên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Khoa học xã hội, v.v..
Qua hai ngày làm việc với 4 phiên báo cáo, đã có tổng cộng 24 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các báo cáo và thảo luận của các nhà khoa học tham gia hội thảo chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Tư tưởng về gia đình của Nho giáo trong lịch sử qua các nhân vật và tác phẩm tiêu biểu, văn hóa gia đình ở các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo, gia lễ và văn hóa gia đình Nho giáo, sự biến đổi giá trị gia đình trong xã hội hiện đại, v.v..
Đi từ văn hóa gia đình Nho giáo đến hệ giá trị gia đình đương đại, các nhà khoa học đã chỉ ra những giá trị có tính phổ quát và tính siêu vượt trong truyền thống văn hóa gia đình của các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Đó cũng là những giá trị khả dĩ có thể tiếp tục được phát huy trong xã hội hiện đại. Mặt khác, các nhà khoa học, xuất phát từ điểm nhìn đương đại với những nghiên cứu có tính thực chứng, đã đưa ra những nhận diện về thực trạng gia đình và giá trị gia đình đương đại, chỉ ra khuynh hướng biến đổi trong định hướng giá trị, lựa chọn giá trị trong gia đình hiện đại, sự kế thừa hoặc mâu thuẫn giữa những định hướng và lựa chọn giá trị đó với văn hóa gia đình Nho giáo truyền thống.
Tại Hội thảo, GS.TS. Tăng Chấn Vũ – Hội trưởng Hội Nghiên cứu Tăng Tử thuộc Hội Lịch sử Triết học Trung Quốc, cho rằng: Gia đình là căn bản của xã hội; gia đình giàu có thì thiên hạ giàu có; gia đình bình an thì thiên hạ bình an; văn hóa gia đình Nho giáo cũng hàm chứa trong nó những giá trị có tính hiện đại, phong phú và không ngừng phát huy. PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, cũng khẳng định, Hội thảo là dịp để quy tụ các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau bàn luận, qua đó không ngừng phát huy những giá trị của văn hóa gia đình truyền thống nhằm khắc phục những hạn chế của gia đình hiện đại.
Với sự tham gia của các học giả đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như triết học, xã hội học, tâm lý học, Hán Nôm học…, hội thảo đã mang đến những cách tiếp cận đa chiều về vấn đề giá trị gia đình, qua đó góp phần nhất định vào việc tiếp tục tạo dựng cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới.
Tìm hiểu thêm về sự kiện tại:
Viện Triết học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Hội thảo khoa học quốc tế: “Văn hóa gia đình Nho giáo và hệ giá trị gia đình đương đại” (vass.gov.vn)
Shandong University Zeng Zi Institute: 会议 | 第三届中国-东盟儒学高峰论坛在越南河内开幕 (qq.com)
Viện nghiên cứu Zengzi, Đại học Sơn Đông: 第三届中国-东盟儒学高峰论坛在越南河内开幕 – 儒家网-北京洙泗文化传承发展有限公司 (rujiazg.com)
Shandong University Zeng Zi Institute: 纪要 | 第三届“中国-东盟儒学高峰论坛”会议综述 (qq.com)
Viện nghiên cứu Zengzi, Đại học Sơn Đông: 第三届“中国-东盟儒学高峰论坛”会议综述 – 儒家网-北京洙泗文化传承发展有限公司 (rujiazg.com)