Trong 03 ngày (từ ngày 25/04/2022 – 27/04/2022), Viện Pháp tại Việt Nam đã tổ chức chuỗi 05 hội thảo với tên gọi “Những ngày Phát triển bền vững 2022” – tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện “(Những) Thành phố bền vững” năm 2021.
Sự kiện thu hút hơn 550 người tham dự, 5800 lượt xem và gần 9000 lượt tiếp cận qua Facebook. 24 bài báo cáo đã được trình bày bởi hơn 20 chuyên gia đầu ngành đến từ Pháp và Việt Nam thông qua những thảo luận, chia sẻ về vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam qua những góc nhìn khác nhau. Chủ đề của các buổi hội thảo đa dạng từ ô nhiễm không khí, quản lý bền vững nguồn nước, công trình xanh, những thách thức của giao thông đô thị đến cảnh quan nguồn nước và quy hoạch đô thị.
Ô nhiễm không khí, nhất là ở các khu vực đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và là nguyên nhân của khoảng 1/6 các trường hợp tử vong. Mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ở những nước mà quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng và lộn xộn, chỉ mới được nhận thức gần đây và còn chưa rõ ràng. Tại hội thảo “Ô nhiễm không khí”, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu và trường đại học phân tích rõ hơn về tiến trình ô nhiễm không khí trong mối tương quan với các hoạt động của con người, những nguyên nhân và tác động của ô nhiễm bụi mịn cùng nhiều vấn đề nổi cộm khác liên quan đến chất lượng không khí.
Nước là một trong những yếu tố quan trọng làm nên cảnh quan ở nông thôn cũng như thành thị của Việt Nam. Những năm qua, việc triển khai các chính sách nhằm phát triển và hiện đại hóa đô thị và cận đô thị đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan các nguồn nước, các hình thức quy hoạch và các hoạt động xã hội đi kèm.
Tài nguyên nước đang chịu nhiều áp lực do sự gia tăng dân số và đô thị hóa không ngừng. Tuy nhiên, sự bất cập trong hệ thống quản lý và xử lý nước thải tạo thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người cũng như đối với hệ sinh thái. Hơn nữa, ở các khu vực đô thị, trong khi khả năng tiếp cận nguồn nước máy được phát huy nhanh chóng, thì việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đang làm suy giảm chất lượng và làm cạn kiệt các tầng nước ngầm, đồng thời làm tăng chi phí cung cấp nước.
Hội thảo “Quản lý bền vững nguồn nước“ và “Cảnh quan nguồn nước và quy hoạch đô thị” đề cập những dự án đô thị liên quan đến quy hoạch cảnh quan và công cộng xung quanh các sông hồ ở đô thị, vai trò của những dự án này trong việc cải thiện môi trường sống cũng như vị trí của nước như một tài nguyên cảnh quan trong một thành phố bền vững hơn, cùng với đó là những giải pháp trọng tâm, đúng đắn, có thể triển khai trong ngắn hạn và những giải pháp nhằm giảm khối lượng và mức độ ô nhiễm nước, thu giữ, xử lý, tái sử dụng và tái chế, phát triển công nghệ mới và áp dụng các phương thức quản lý sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong vòng 40 năm tới, 230 tỷ m² sẽ được xây dựng thêm trên toàn thế giới, đồng nghĩa với việc mỗi tuần, hành tinh của chúng ta sẽ có thêm 1 phần diện tích được xây dựng tương đương với diện tích được xây dựng của thành phố Paris. Do đó, để các hoạt động xây dựng hạn chế tác động đến biến đổi khí hậu, cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cập trong lĩnh vực xây dựng và thiết kế công trình.
Tăng trưởng đô thị ở TP.HCM hay Hà Nội đi kèm với sự gia tăng tần suất đi lại, nhưng hầu hết việc đi lại được thực hiện bằng các phương tiện cá nhân: xe máy và càng ngày càng nhiều ô tô. Những phương tiện giao thông công cộng ít ỏi cùng với mật độ cư dân rất cao hiện nay dẫn đến tắc nghẽn giao thông và làm ô nhiễm môi trường. Do đó, chính quyền đã khởi xướng các kế hoạch phát triển giao thông công cộng quy mô lớn.
Hội thảo “Công trình xanh“ và “Moto – Metro: Những thách thức của giao thông đô thị“ trả lời câu hỏi về các hoạt động “xây dựng xanh” ở Việt Nam hiện đang như thế nào và bàn luận tập trung về triển vọng trung hạn của các mạng lưới giao thông tương lai của Hà Nội và TP.HCM, để từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả cho tương lai.
Chuỗi hội thảo được tổ chức với sự tài trợ của Viện Pháp Paris, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO, Artelia Vietnam, Vucico, Olmix.