Chung kết cuộc thi Breakdance Quốc tế “Saigon Breaking Battle – Đường tới Paris 2024”

Địa điểm tổ chức
Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM)
Đơn vị tổ chức
Viện Pháp tại Việt Nam

Sự kiện Cuộc thi “Saigon Breaking Battle – Đường tới Paris 2024” do Viện Pháp tại TP.HCM / Institut français de HCMV tổ chức với sự tài trợ của Quỹ VINIF nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa châu Âu và Việt Nam, đặc biệt là với giới trẻ Việt Nam thông qua bộ môn breakdance.

Cuộc thi thuộc khuôn khổ chào mừng Thế vận hội Olympic Paris 2024 và đây là năm đầu tiên bộ môn thể thao đường phố này được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội. Trên 300 khán giả từ mọi lứa tuổi đã đến theo dõi và cổ vũ nhiệt tình, cùng sự quy tụ của ban giám khảo là 3 dancer kỳ cựu: Tô Bắc Sơn (Mountain), Bboy Ly và PowerPaul (Hiệp hội Breakdance Pháp), đã mang tới thành công cho cuộc thi.

Trải qua vòng tuyển chọn khắt khe khắp cả nước, 50 nhóm xuất sắc nhất đã bước vào vòng Loại và Chung kết. Sau khoảng 4 tiếng đấu vòng loại, Fido Crew là đội xuất sắc giành chiến thắng. Giải thưởng dành cho Fido Crew là chuyến đi tham dự cuộc thi Battle UNITY diễn ra vào năm tới tại Caen (Normandy, Pháp). Ngoài phần thi chính, đêm chung kết còn có vòng thi đấu giao lưu giữa hai đại diện vào chung kết của Việt Nam là Fido Crew cùng The Last Battle, đấu với SNT Crew (Pháp) và 040 Finest (Đức).

Breaking là môn thể thao thi đấu đối kháng, khởi nguồn từ Mỹ vào những năm đầu thập kỷ 1970, tuy có lịch sử lâu đời nhưng khi du nhập vào Việt Nam, Breakdance vẫn bị gắn mác chỉ là “trò giải trí đường phố”. Việc Olympic Paris 2024 công bố đưa Breakdance trở thành môn thi đấu phụ của Thế vận hội đã tạo ra bước ngoặt mới đánh dấu tên tuổi cho môn thể thao này. Hiện tại, Việt Nam đã có những đội/cá nhân đi thi đấu ở nước ngoài và gặt hái được nhiều thành công và cuộc thi Saigon Breaking Battle – Đường tới Paris 2024 sẽ là bước đệm đưa breakdance Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Bên cạnh các sự kiện về văn hóa, lịch sử truyền thống, Quỹ VINIF còn tài trợ và đồng hành cùng các sự kiện văn hóa có tính đại chúng cao với mong muốn phát huy, giao lưu, phát triển những giá trị tinh thần trong dòng chảy đa dạng, nhiều màu sắc của thế giới đương đại.


Breaking là một bộ môn nhảy thuộc về văn hóa Hiphop, trào lưu nghệ thuật ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ trước tại Mỹ. Bốn yếu tố của văn hóa này bao gồm: breaking (nhảy), DJ (âm nhạc), MC (rapper)và vẽ graffiti.

Hiphop nhanh chóng du nhập vào nước ta từ năm 1992, bước đầu thông qua lớp sinh viên du học từ nước ngoài phổ biến. Những người tham gia tập luyện bộ môn này chủ yếu là tự học bằng băng đĩa mua từ nước ngoài về. Năm 1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa đã dạng hơn với các nước trên thế giới. Cùng với sự xuất hiện của internet tại Việt Nam vào năm 1998, các tư liệu, băng đĩa về breaking đã trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều. Kể từ đó, các nhóm này dẫn được thành lập để tập luyện và biểu diễn một cách chuyên nghiệp hơn, bước đầu thông qua biểu diễn phụ  họa cho các video ca nhạc (ZigZag, Palyful Boy, Big Toe…).

Từ năm 2004, breaking phát triển mạnh mẽ trong lòng giới trẻ, đánh dấu bằng nhiều chương trình giao lưu với các nhóm nhảy quốc tế được tổ chức. Năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia giải đấu tầm cỡ quốc tế – Battle of the Year khu vực Đông Nam Á, điều này cũng tạo điều kiện cho bạn bè thế giới biết đến breanking Việt Nam. Giai đoạn này có thể coi là đỉnh cao của hiphop khi có nhiều dự án hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực được triển khai, tạo tiền đề cho sự chuyên nghiệp hóa vào những năm 2011 – 2015. Các trung tâm dạy nhảy chuyên nghiệp được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng đối với bộ môn này.

Sau 20 năm, văn hóa Hiphop nói chung đã trở nên phổ biến, và tên tuổi breaking Việt Nam nói riêng cũng được khẳng định bằng những thành tích cao trên các giải đấu mang tầm quốc tế với những nhóm nổi bật như: Big Toe (vô địch quốc gia nhiều năm liền), SINE (hạng bốn thế giới cùng nhiều Giải vô địch Ðông Nam Á), Good Morning Vietnam (hạng hai Giải vô địch Nam Á và Ðông Nam Á), hay gần đây nhất là hai nữ vận động viên trẻ, Trần Huỳnh Như (B-Girl Shun) và Nguyễn Thị Hồng Trâm (B-Girl Tinie Rawk) đã lần lượt mang về cho thể thao nước nhà 1 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc tại SEA Games 32. Dù đã có quãng thời gian dài phát triển, làn sóng breaking trong nước vẫn chỉ dừng ở mức phong trào. Tính lan tỏa “gói gọn” trong một vài cộng đồng nhỏ. Hiphop không còn là khái niệm xa lạ, nhưng số người hiểu tinh thần hiphop nói chung và breaking nói riêng chủ yếu thuộc “underground ” – cụm từ chỉ cộng đồng những người có chung đam mê, tồn tại ngầm và không được công nhận rộng rãi. Do phát triển tương đối biệt lập, tự phát, breaking vẫn nhuốm màu xa lạ với công chúng.

Với sự thống trị của các nền tảng mạng xã hội, giới trẻ ngày nay ít có xu hướng vận động và tập luyện thể thao, cũng như dành nhiều thời gian qua màn hình hơn trải nghiệm trực tiếp. Những giá trị văn hóa và tinh thần cống hiến của bộ môn breaking này sẽ khó có thể được lan tỏa và giữ gìn nếu công chúng, đặc biệt là giới trẻ ngày một ít quan tâm. Hưởng ứng Thế vận hội mùa hè 2024 được tổ chức tại Paris, nơi bộ môn Breaking lần đầu tiên được tôn vinh và trở thành môn thi đấu chính thức của giải đấu thể thao lớn nhất hành tinh, Viện Pháp tại Việt Nam mong muốn tổ chức cuộc thi Saigon Breaking Battle. Đây là giải đấu quốc tế có quy mô lớn, tạo điều kiện cho các vận động viên Việt Nam có cơ hội được cọ xát với các vận động viên quốc tế đến từ châu Âu (Pháp, Đức).

Tìm hiểu thêm về sự kiện tại đây:

Một số hình ảnh khác của sự kiện:

Địa điểm tổ chức
Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM)
Đơn vị tổ chức
Viện Pháp tại Việt Nam

Tags

Tags