Chuông đồng cổ ở Việt Nam hiện đươc bảo tồn và sử dụng tại các ngôi chùa, quán ở làng xã Việt Nam. Đây là kho tàng di sản văn hóa và văn hiến vô cùng quý giá của dân tộc, nhưng có nguy cơ mất mát, hư hại rất lớn. Do vậy, đề tài nhằm khảo sát chuông đồng cổ hiện còn ở Việt Nam trong khoảng 10 thế kỷ từ Bắc thuộc đến đời Lê, tức từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII. Qua điều tra sơ bộ, đề tài dự kiến sẽ khảo sát và sưu tập tư liệu từ khoảng 100 quả chuông đồng cổ nằm rải rác ở các địa phương miền Bắc Việt Nam.
Dự án sẽ khảo sát, chụp ảnh, sao chép minh văn, dịch chú minh văn chữ Hán sang tiếng Việt, viết các chuyên đề về chuông và minh chuông cổ ở Việt Nam, cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy ý nghĩa, giá trị di sản văn hóa này.
Mục đích:
Sưu tập, nghiên cứu khái quát về chuông đồng cổ ở Việt Nam từ khởi nguồn đến thế kỷ XVIII nhằm góp phần xây dựng cơ sở lí luận cho chuyên ngành nghiên cứu Kim văn (nghiên cứu minh văn trên chuông) ở Việt Nam, đồng thời đưa ra kiến nghị và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy ý nghĩa, giá trị kho tàng di sản văn hóa này.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
Chuông đồng cổ hiện được bảo tồn và sử dụng tại các ngôi chùa, quán ở làng xã Việt Nam. Cũng như bia chùa, mỗi chuông chùa đều có bài minh văn chữ Hán. Những quả chuông và minh văn chuông từ thời Lê trở về trước hiện còn là vô cùng quý hiếm, lại có nguy cơ hư hại và bị thất lạc, nhưng chưa được khảo sát, đánh giá cụ thể giá trị kho tàng di sản này.
Đề tài khảo sát, sưu tập tư liệu, dịch chú nội dung minh chuông từ chữ Hán cổ sang tiếng Việt, đồng thời đi sâu nghiên cứu khái quát đặc trưng hình thức, văn bản minh chuông, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản chuông đồng cổ và minh văn chuông cổ này.
Đây có thể xem là một chuyên khảo đầu tiên về chuông đồng cổ và minh chuông cổ, góp phần xây dựng bộ môn Kim văn học (khoa học nghiên cứu về minh văn trên chuông đồng cổ) ở Việt Nam. Thực hiện đề tài này, đơn vị tổ chức đề tài và cá nhân thực hiện đề tài góp phần đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học cho giáo viên và học sinh trong Trường, cũng như ngoài xã hội nhằm nhận giá trị di sản văn hóa chuông cổ và minh chuông cổ Việt Nam, cũng như bảo tồn và phát huy ý nghĩa, giá trị kho tàng di sản văn hóa này.