Chiều ngày 19/7, tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Giáo sư Duncan Haldane, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2016, đã có buổi nói chuyện và trình bày bài giảng đại chúng về chủ đề Topological Quantum Matter, Entanglement, and the Second Quantum Revolution” (Vật chất lượng tử tôpô, vướng víu lượng tử và cuộc cách mạng lượng tử lần thứ 2). Bài giảng nhằm hưởng ứng Nghị quyết của Liên hợp quốc “Kỷ niệm năm 2022 là năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”.
Sự kiện được USTH, Trung tâm Quốc tế về Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), Viện Vật lý Kỹ thuật (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Khoa Vật lý (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đồng tổ chức, đã thu hút sự tham gia của hàng trăm học sinh, sinh viên và người trẻ đam mê khoa học.
GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH cho biết USTH là một trường đại học quốc tế, hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, với những đề tài nghiên cứu có giá trị học thuật lâu bền, có định hướng ứng dụng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Việc đón tiếp GS Ducan Haldane, nhà khoa học xuất sắc đạt giải Nobel, tại USTH là một vinh dự lớn đối với nhà trường. GS Jean-Marc Lavest nhấn mạnh “Chúng ta hãy tin tưởng rằng những chia sẻ của GS Haldane sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học mới.”
Trong phần bài giảng đại chúng, GS Ducan Haldane đã chia sẻ các nội dung khá chuyên sâu và cơ bản về định luật cơ học lượng tử, lý thuyết lượng tử, vật liệu lượng tử, cơ học lượng tử khi electron chuyển động trong từ trường. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về những phát hiện giúp ông và một số cộng sự đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 là sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất. Ông cũng chia sẻ thêm cuộc cách mạnh lượng tử thứ hai sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn và sử dụng thực tế cơ học lượng tử và có kết quả trong 10-20 năm tới.
GS Haldane chia sẻ về công trình nghiên cứu của ông đã được viết ra từ năm 1988, nhưng nó trải qua một thời gian dài để được giới khoa học thế giới chấp nhận. Ban đầu, công trình này của ông đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng khoa học thế giới, thậm chí có người cho rằng nó là điều vô nghĩa.
Ông chia sẻ chìa khóa để các ý tưởng lý thuyết mới được chấp nhận chính là hiện thực hóa cụ thể những ý tưởng đó, chính vì vậy ông và các cộng sự vẫn bền bỉ giữ vững lập trường, không ngừng cộng tác, phản biện với các cộng đồng khoa học cho đến ngày giới nó được chứng minh điều đó là đúng. Năm 2013, nghiên cứu của ông được một nhóm nhà khoa học tại Trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc thực nghiệm thành công.
Cuối bài giảng đại chúng, GS Duncan Haldane đã chuyển tới các bạn học sinh, sinh viên và những người đam mê khoa học một thông điệp “các bạn không cần là một “thiên tài” như Albert Einstein, mà cái bạn cần chính là MAY MẮN để tìm ra được điều gì đó mới. Quan trọng là cần có sự chuẩn bị kiến thức vững vàng để nhận ra may mắn ấy – nhận ra những gì bạn đã tìm thấy, sau đó là cam kết, nỗ lực theo đuổi ý tưởng và chiến đấu để bảo vệ ý tưởng đó đến cùng”.
Sau bài giảng, Giáo sư cũng dành thời gian để trò chuyện và trao đổi với các bạn học sinh, sinh viên về lĩnh vực cơ học lượng tử và con đường chinh phục đam mê khoa học của ông.
Bài giảng của GS Ducan Haldane là một hoạt động mà CLB VINIF Alumni tham gia. Câu lạc bộ sẽ tổ chức và phối hợp với các trường Đại học tại Việt Nam tổ chức các bài giảng đại chúng của các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới.
Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại trường Đại học USTH và phát trực tuyến trên Fanpage của trường Đại học USTH, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup.
Xem lại toàn bộ livestream bài giảng tại: