Giáo sư Vũ Hà Văn: “Tôi vẫn đang đi tìm bài toán của riêng mình”

“Tôi cũng không hẳn là muốn viết về một cái gì đấy xã hội đang xôn xao, mà có thể chỉ là một cái “thời sự” từ tháng trước, thậm chí nhiều năm trước, mới sực nhớ ra, và giờ mình bỗng nhìn lại nó dưới một góc nhìn khác, một hệ quy chiếu khác… Nó là “thời sự” trong lòng mình” – Nhà toán học Vũ Hà Văn lần đầu tiên chia sẻ sâu về… nghiệp viết, nhân dịp anh bất ngờ ra mắt tập sách đầu tay: “Giáo sư phiêu lưu ký”, giữa guồng quay bận rộn của vị GS trường ĐH Yale, đồng thời là Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu Big Data.

Giáo sư Vũ Hà Văn: “Tôi vẫn đang đi tìm bài toán của riêng mình”
Nhà toán học – Giáo sư Vũ Hà Văn. Ảnh: Lê Lai

“Nhìn rộng để bao dung hơn”

Một người trông có vẻ ít có máu phiêu lưu nhất lại chọn tên sách là “Giáo sư phiêu lưu ký”?

– Từ “phiêu lưu” chắc mỗi người hiểu một kiểu. Tôi cũng không rõ lắm người có máu phiêu lưu phải trông như thế nào. Đối với tôi, bước ra khỏi những lĩnh vực an toàn của mình thì là một cách dấn thân, cũng có thể hiểu là phiêu lưu. 

Tôi không phải người viết chuyên nghiệp, cũng không phải nhà nghiên cứu xã hội,  mà  cuốn sách này có đề cập cả về văn hoá, lịch sử hay nhiều đề tài xã hội khác, thì cũng đã là một cách phiêu lưu rồi. 

Hoặc giả, đang  ở yên trong môi trường nghiên cứu, hướng dẫn cho vài ba cậu học trò, giờ lại đi tham gia phụ trách những đơn vị  công nghệ làm ra  sản phẩm thật, có nhiều người dùng, có cạnh tranh, bình phẩm, thì đó cũng là một cuộc dấn thân lớn đấy!

4 năm bước chân ra khỏi “tháp ngà”, được – mất với anh là gì?

– Cái được rõ nhất là học được thêm nhiều kỹ năng hơn, cảm nhận sự vận động của xã hội tốt hơn, nhìn thấy nhiều mặt của cuộc sống cũng như sự liên kết giữa chúng với nhau rõ ràng hơn. Từ đó, cách nhìn, cách đánh giá cũng khác đi, bao dung hơn. Toán học thì cái gì cũng rõ ràng, còn cuộc sống thật không như vậy. 

Còn đánh đổi dĩ nhiên là bận bịu hơn, mất ngủ nhiều hơn, vì độ dăm ba ngày lại phải có chuyện phải lo, nào là deadline, nào là nhân viên xin nghỉ hay cần cho nghỉ, nào sản phẩm bị lỗi, chúng  tôi làm cùng lúc 5-7 sản phẩm, mỗi khâu hoàn thiện, vá lỗi cũng đã rất vất vả rồi… 

Tư duy làm toán có giúp được nhiều cho tư duy quản lý? 

– Làm toán thì tư duy cần mạch lạc. Tư duy mạch lạc có ích cho gần như tất cả cách lĩnh vực khác, trong đó có quản lý. Báo chí đôi khi viết hơi nhiều về các cô/cậu bé “thần đồng” có thể nhân hai số rất to rất nhanh. Việc này thật ra không liên quan gì đến làm toán. 

Giữa guồng quay mới, thi thoảng anh có thấy nhớ những con người đã không còn là chủ đạo ở mình không: Con người làm toán, con người viết văn…? 

– Viết, thì tôi nghĩ hiện nay có thể viết tốt hơn, vì vốn sống, vốn trải nghiệm của mình nó dày lên, góc nhìn rộng hơn, và cũng thấm thía hơn. 

Làm toán, ở tuổi trên 50, thì không thể nhanh bằng ngày xưa, nhưng về độ sâu và tính ảnh hưởng thì có thể tăng hơn trước.  Hồi còn trẻ, tôi còn ưa chạy theo “trend”, thấy cái gì đang “hot” thì làm; làm vì tò mò, hiếu thắng, hay sự thăng tiến của bản thân; còn giờ thì đã có thể tự nghĩ ra bài toán của riêng mình, thậm chí có thể lập ra lĩnh vực riêng của mình. Chỉ tập trung vào những gì mình nghĩ là  mấu chốt, có ứng dụng rộng rãi và có ích cho nhiều người.  

Thường tới một giai đoạn nào đó, những người làm nghiên cứu, ngay cả  tại các trường ĐH hàng đầu, cũng sẽ bắt đầu thấy bế tắc. Tất nhiên đã là nhà khoa học chuyên nghiệp, thì bao giờ cũng có thể viết thêm bài báo, nếu đó là mục tiêu. Có thể là tổng quát hoá, là đào sâu các công trình trước đã có của mình, hay một số vấn đề liên quan. Các công trình này về mặt kỹ thuật trông vẫn có thể rất ấn tượng, nhưng bạn sẽ không cảm thấy hài lòng nữa. Cũng như một hoạ sĩ cứ vẽ mãi một kiểu, thì dù bút lực ngày càng tinh vi, nhưng trong lòng cũng chưa chắc đã khoan khoái. 

Tôi đang cố gắng chuyển sang những hướng nghiên cứu mới, có thể viết những bài báo mang tính sơ khai, nhưng là sơ khai của cái mới. Có một vài phát hiện nho nhỏ, như vậy cũng đủ vui rồi. 

 

Những niềm vui cũ thì sao: giải thưởng, sự tôn vinh, phút vỡ oà của sáng tạo…? Có tài sản tinh thần nào không còn quay lại với anh nữa không?

– Trong chuyên ngành hẹp của mình thì thật ra tôi cũng đã từng giành được một vài giải thưởng chính rồi, cũng không nên thêm gì nữa. Và xét cho cùng, giải thưởng dù mang lại tiếng vang, nhưng giá trị nhất đối với nhà khoa học vẫn là việc công trình  được lan toả, sử dụng, và trụ lại được với thời gian. Theo một website nghiên cứu thống kê của Hội toán học Mỹ (MathScinet), trong số những người bảo vệ tiến sĩ cùng năm với tôi trên thế giới (1998) thì tôi được thuộc top 5 những người được trích dẫn nhiều nhất, và nhiều công trình viết cách đây 20 năm vẫn được sử dụng đều đều.  Điều đó mang lại nhiều niềm vui hơn, và nó đến hàng ngày. 

Trong bài “Nhật ký Yale: Ngày nịnh học sinh”, anh từng “than”: “Đàn ông ở đâu cũng khổ. Đi làm nịnh sếp, về nhà nịnh bố mẹ. Lớn lên lấy vợ, thì về nhà nịnh thêm vợ, các ông/ bà con. Các giáo sư đến trường lại còn phải nịnh học sinh nữa…”. Hình như anh quên nhắc một điều: Nịnh… bản thân, mỗi khi cần thêm động lực để bước ra khỏi vùng an toàn?

– Tôi vẫn chưa biết cách chiều chuộng bản thân, và có lẽ thuộc típ người tương đối  khắc kỷ. Có những bài báo mình viết ra được nhiều người thích, được cho là có giá trị, nhưng mình thì lại thấy nó đương nhiên phải là như thế, thì nó mới là thuận tự nhiên, và thật ra nó cũng rất là đơn giản thôi (mặc dầu cũng mất vài năm để cảm nhận được sự đơn giản đó).  

Tôi không ở lâu trong men say chiến thắng được, Khi đáng ra là phải lâng lâng ít ra độ khoảng một năm, tôi giỏi lắm chỉ được một vài tuần. Đối đãi với bản thân như thế cũng… hơi dại. Có nhiều người rất biết cách tự hài lòng, “ôi thế này là tốt lắm rồi!”. Còn cứ trăn trở, cứ nghĩ “biết đâu còn có cách khác tốt hơn”, vẫn thấy có một chút khúc mắc ở đâu đấy để mà có thể giải thích được một cách tường minh hơn, tối ưu hoá chỗ nọ chỗ kia…, – cầu toàn thế chỉ tổ mất ngủ thôi! 

“Cuộc sống nếu không áp lực sẽ dễ bị lãng mạn thái quá”

Trông anh lại có vẻ giống một người luôn ngủ ngon?

– Không, ngủ vừa khó lại còn vừa ít nữa. Có nhiều người rèn luyện được thói quen rất tốt. Cứ đặt lưng,  tắt điện thoại, là tắt luôn cả cái “công tắc” trong đầu, ngon giấc. Còn mình cũng tắt đủ mọi thứ, nhưng trong đầu vẫn cứ lăn tăn không yên… 

Bị “nghề hành” thôi, chứ trông anh thì có vẻ khó mà thuộc típ “thao thức vì yêu” nhỉ?

– Bây giờ già rồi!

Nghe có vẻ giống một lời biện hộ?

– Già rồi, thì lười là đúng thôi. 

Anh từng có một tuổi trẻ đau đầu với bài toán kiếm tiền, “liệu cơm gắp mắm”. Giờ thì sao, bài toán nào với anh mệt hơn: Kiếm tiền hay tiêu tiền?

– Kiếm tiền dĩ nhiên khó, nhưng tiêu tiền cũng không hẳn là dễ. Theo cách nhìn của người Mỹ thì một trong những thành công của đời người chính là biết cách tiêu tiền sao cho kịp gần hết trước lúc chết. Chứ tiết kiệm cả đời rồi đợi tới lúc già yếu mới giải ngân cho bệnh viện, thuốc men mổ xẻ thì chưa phải là tối ưu. Người Mỹ nhìn chung họ không đặt nặng việc để lại thật nhiều tiền cho con cái đâu; nếu dôi dả, thường họ dành cho từ thiện, hay quyên góp cho các thư viện, trường đại học… Chắc cái đó mình cũng nên học họ, phần nào.

Có được một sự nghiệp thành công từ một tuổi trẻ miệt mài bươn chải, anh có lo rằng, con cái mình sẽ thiếu động lực phấn đấu hơn khi không gặp áp lực?

– Lo chứ! Bọn trẻ nếu không bị áp lực cuộc sống thì sẽ rất dễ bị lãng mạn thái quá, có cái tôi rất lớn, chỉ thích làm theo sở thích của mình một cách thoải mái nhất, dễ thay đổi và chưa chắc đã ý thức được ảnh hưởng của việc đó đến những người chung quanh như thế nào. 

Hai năm Covid, anh có một chuyển động khá là ngược chiều với nhiều người: Trong khi hầu hết là xích gần gia đình thì anh lại về VN làm việc và sống xa vợ con. Anh cũng “bạo miệng” nói rằng, bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình chính là nên… sống xa nhau?

– Thật ra thì cũng không định thế đâu nhưng mấy lần tính “đoàn tụ” lại cứ bị lỡ này lỡ nọ nên cứ bị mọi người trêu “ông này muốn trốn vợ hay sao”.  

Vợ thì không thể trốn được rồi, nhưng có nhà thông thái đã nói rằng nếu có điều kiện cũng nên đôi khi tách ra một chút kiểu như đi công tác,  để có tý nhớ nhung thì mới tốt. Chứ ngày nào cũng gặp nhau tầm 5-6 tiếng, nội việc nghĩ ra chuyện gì để nói đã khó, rồi thì nói ra nhỡ đâu bên kia không đồng ý, mà thường là không đồng ý, thì lại còn dẫn đến “tranh luận” thì mệt lắm. Bài toán rất khó đấy. 

 

Một cuộc đời vẻ như có được kha khá gạch đầu dòng viên mãn. Thật ra trong đời anh có nhiều chữ “giá như” không?

– Có chứ, nhiều là khác. Nhiều bài học xưa tôi từng phải trả giá rất đắt. Có nhiều thứ đáng lẽ đã có thể thành công hơn, nhưng vì sự nông nổi của bản thân, cũng có khi là do thiếu may mắn, hoặc do cách hành xử thế này thế nọ mà gọi là hỏng việc cũng được, hoặc là bị vuột mất cơ hội cũng không sai. 

Xa nhà từ năm 17 tuổi, hầu hết mọi việc  tôi đều phải tự bơi, không có ai hướng dẫn, chỉ cho mình nên đi đường nào là ngắn nhất, đỡ mất sức nhất, cái gì nên làm trước, làm sau. Cứ mò mẫm mà đi, nên thành ra để đạt được một thành quả nhất định, tôi đã phải mất công mất sức quá nhiều.  

Trong khoảng từ 25-40 tuổi, ngày nào tôi cũng ngồi viết từ 6-7h đổ lên, không đổi tư thế, quên cả đứng dậy, số trang viết ra, xoá đi, sửa lại không biết bao nhiêu cho kể. Lúc đó còn trẻ không ý thức được hệ luỵ của nó, tới giờ mới ngấm sự đánh đổi về sức khoẻ. Chẳng hạn ảnh hưởng lên cột sống, đem lại nhiều hệ lụy khá mệt mỏi. 

Sau những hào quang mà ai cũng nhìn thấy, những thất bại mà tự anh cảm thấy, là gì?

– Làm nghiên cứu lý thuyết như toán thì thất bại đo đếm được là rất khó nói. Nhưng đúng là có rất nhiều thứ về sau mình biết là mình có thể làm tốt hơn, nếu như lúc đó mình hiểu biết hơn, rộng lượng hơn, đại để thế… Thất bại, nếu là theo nghĩa đó thì tôi có, nhiều là khác. Ngoài ra còn rất nhiều điều trong cuộc sống nữa. Chẳng hạn khi còn trẻ, mình quá đam mê khoa học và  không có kinh nghiệm làm bố mẹ, thì cũng có nhiều điều còn hối hận. 

“Sống, càng đơn giản càng tốt” 

Dường như trước đây anh cười nhiều hơn? 

– Thật ra ở một công ty của những người trẻ, độ tuổi trung bình dưới 30 tuổi, tạo dựng một môi trường kích thích sáng tạo cũng mang lại rất nhiều tiếng cười đấy. Cũng là một cách để những người có tài năng đến với mình. 

Nhưng cái cười mà tôi muốn nói đến ở đây khi đọc cuốn sách của anh, là cái cười tự trào, không phải than nghèo kể khổ mà là thương nghèo nhớ khổ, thấy được cái hài trong chính cái bi của một thời khốn khó chưa xa… 

– Thường những người có óc hài hước, họ sẽ cười được từ những thứ rất đơn giản, mà thường thì phần lớn mọi người sẽ bỏ qua. Đặc biệt, là khả năng tự giễu. Còn sự khôi hài thì nó hiện diện gần như trong mọi hoàn cảnh, nhưng mỗi người sẽ nhìn sự việc theo một kiểu.

Tạp bút “Giáo sư phiêu lưu ký” của nhà toán học Vũ Hà Văn. Ảnh: NXB
Tạp bút “Giáo sư phiêu lưu ký” của nhà toán học Vũ Hà Văn. Ảnh: NXB

Nó đã đủ cho anh tự vệ? 

– Nó giúp cho tình huống trở nên bớt nghiêm trọng, cách nhìn  do đó cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Có vẻ như đó cũng là một cách tự vệ.

Có đủ để bao dung?

– Trong một số trường hợp. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, vì mình còn làm quản lý. 

Công ty anh tham gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, các “trợ lý ảo”.  Vậy trong đời sống riêng của anh thì sao, những “trợ lý ảo” của anh là gì?

– Khoảng độ 3-4 năm gần đây thì tôi bắt đầu quan tâm đến thiền tập. Tôi không chắc đấy có phải là một dạng “trợ lý ảo” hay không nhưng đó thực sự là một trợ lực tinh thần rất đáng kể để giúp tôi giảm tải được áp lực. 

Thường anh viết lúc nào?

– Lúc nhàn, và muốn “giải trí” một chút. Tôi cũng không hẳn là muốn viết về một cái gì đấy xã hội đang xôn xao, mà có thể chỉ là một cái “thời sự” từ tháng trước, thậm chí nhiều năm trước, mới sực nhớ ra, và giờ mình bỗng nhìn lại nó dưới một góc nhìn khác, một hệ quy chiếu khác… Nó là “thời sự” trong lòng mình.

Viết, cũng là một dạng “trợ lý ảo”?

– Nó là công việc có thể làm một mình, không như nhiều món giải trí khác, cứ phải có “đồng bọn”. Viết, nó hay ở cái sự cô độc đó.

Anh có nghĩ, nếu không làm toán, anh có thể thành một nhà văn không?

– Nếu cứ viết, mà được gọi là nhà văn, thì nhà văn trên thế giới này chắc đông lắm. Cũng như cầu thủ bóng đá, dù chơi cho Barcelona hay bóng đá phong trào, thì cũng đều được gọi là cầu thủ cả. Mình có viết  thì có khi cũng sẽ “bị” gọi là nhà văn thật, chỉ có điều người đọc có coi văn mình ra gì không thôi.

Khi ngồi trước trang viết, thường anh chủ trương một cách viết thế nào?

– Tôi thường không thích áp đặt ý kiến. Chỉ đơn giản là đưa ra một vấn đề hay một câu chuyện, và để cho người đọc tự hình dung và lý giải theo cách của họ. Đối với tôi, việc gợi được trí tưởng tượng, óc phản biện và suy luận của người đọc mới là quan trọng. Việc dạy học cũng vậy. 

Cuốn sách cũng cho thấy anh đã đi thật nhiều nơi, nhưng vẻ như, những trang viết lắng đọng nhất lại vẫn là về Hà Nội. Có sự “thiên vị” nào ở đây không?

– Hà Nội thì nó là căn cốt của mình rồi. Tôi học hết cấp 3 ở đây. Tuổi mới lớn, vừa lãng mạn, vừa là giai đoạn bản lề của nhận thức. Bạn cấp 3 cũng là những người bạn mình chơi lâu nhất. Mỗi người một lựa chọn, những con đường khác nhau, nhưng gặp nhau lúc nào cũng vui và chân thành.

Thật ra thì Hà Nội của tôi tận đến giờ vẫn cứ là Hà Nội của hơn 30 năm về trước. Chỉ có 4 quận thôi, mà trong 4 quận đó, tôi cũng chỉ loanh quanh chừng 2 quận. Quận Hoàn Kiếm, quanh tâm điểm nhà cũ tôi ở gần hồ Thiền Quang, tận giờ vẫn không thay đổi mấy, và quận Ba Đình, quanh trường Chu Văn An mà tôi đi học ngày xưa… 

Sau những bông đùa tủm tỉm, anh thấy điều cần nghiêm túc ở đây là gì?

– Sự đơn giản. Sống, theo tôi càng đơn giản càng tốt, ngay cả làm toán cũng thế, khi ta thực sự hiểu vấn đề thì phải giải thích được nó một cách đơn giản.

Xin cảm ơn giáo sư!

Bài viết đăng tải trên Báo lao động

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi: “VINIF Alumni lan tỏa nguồn cảm hứng sáng tạo”

📌 Tác giả: NCS. Nguyễn Phương Tú 📌 Giải thưởng: Golden Alumni ✨ Tác phẩm có

Phát biểu khai mạc lễ công bố học bổng sau Tiến sĩ của Giáo sư Vũ Hà Văn

Trong bối cảnh hiện nay Khoa học Công nghệ đang tác động đến tất cả mọi