Từ năm 2021, Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF, VinBigdata sẽ triển khai một Chương trình mới: TÀI TRỢ CÁC DỰ ÁN VÀ HỘI THẢO VỀ VĂN HÓA LỊCH SỬ.
Để có thể chuẩn bị cho Chương trình, Quỹ VinIF đã mời một số nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sỹ tham gia buổi Hội thảo vào chiều tối ngày 6/1/2021, và hai câu hỏi: Làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và Phát huy văn hóa đọc đã được thảo luận rất sôi nổi.
Mở đầu, anh Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, nêu lên những băn khoăn về việc gìn giữ các bản sắc dân tộc như việc làm thế nào để có thể in sách trên giấy dó, để những trang giấy truyền thống ấy không chỉ bó hẹp trong những làng nghề với các hình vẽ giản đơn mà được dùng để in những cuốn sách có giá trị. Anh cũng đề xuất nên có những hình thức đọc sách sinh động để thu hút các em nhỏ, không chỉ ở giọng đọc truyền cảm mà cả ở những lời reo của gió, hay tiếng líu lo chim hót.
Anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Công ty Sách Alpha Books, nêu một danh sách các vấn đề đã được trăn trở từ lâu, trong đó có việc phát triển việc tìm hiểu lịch sử qua các chương trình du lịch có nội dung trọng tâm, theo những tuyến đường gắn với văn hóa, lịch sử. Anh cũng nhắc đến một số dự án ấp ủ về việc thành lập một câu lạc bộ của một số nhà khoa học văn nghệ sỹ hoạt động thường xuyên để cùng bàn về một số chủ đề trọng tâm.
Chị Nguyễn Thị Quý Phương (Vin Future), nêu lên ý nghĩa của giải thưởng và trách nhiệm đóng góp cho khoa học và xã hội của doanh nghiệp khi đã nhận được những thành quả KHCN từ các nhà khoa học.
GS. Hà Huy Khoái, trường ĐH Thăng Long, chia sẻ về việc một số nước trên thế giới đã có nhiều sách về lịch sử khoa học trong khi Việt Nam chưa thực sự có. Nghiên cứu lịch sử khoa học không chỉ dựa trên sách cổ mà còn có thể cả trên các di vật cổ, các công trình kiến trúc hoặc các vật dụng của cuộc sống ngày xưa.
KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh việc cần phát huy Kho thông thái bản địa vô tận. Anh chia sẻ những trăn trở của nhà văn Nguyên Ngọc về việc khai thác nguồn văn hóa của núi rừng Tây Nguyên, anh cũng mong muốn tận dụng được những chất liệu truyền thống như Giấy dó, sơn mài, kết cấu tre, gỗ, nhà sàn, nhà Rông… để tạo nên những công trình có tầm vóc. Và bài học mà anh ví dụ là trường Bauhaus đã làm đổi đời thợ thủ công Đức nhờ những thiết kế mẫu mã mới qua việc bảo tồn và phát huy kho thông thái bản địa.
Anh Trần Trọng Dương đến từ Viện Hán nôm, đề cập đến việc Việt Nam chưa có được một thư viện sách online. Anh nêu hai ví dụ về thư viện khổng lồ các sách lịch sử của Trung Quốc và của Pháp tuy cách thực hiện khác nhau (lưu trữ dạng text và lưu trữ dạng văn bản), mà nhờ có đó những người làm nghiên cứu có thể tra cứu dễ dàng. Anh chia sẻ về các dự án xây dựng lại các công trình kiến trúc cổ trong không gian 3D để mọi người có thể có cảm nhận trực quan và hấp dẫn hơn. Anh cũng giới thiệu những công trình của một số nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ có thể rà soát các lỗi trong cuốn “Nguyễn Trãi quốc âm từ điển” do anh soạn mặc dù họ không cần biết chữ Hán.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lại cho rằng nếu cứ số hóa hết sách thì sẽ mai một đi mất thú vui cầm cuốn sách giấy đọc. Ông cũng đề xuất nên có những giải thưởng có ý nghĩa cho văn hóa, lịch sử.
Tiếp theo những ý kiến đó nhà thơ Vũ Quần Phương đã kể những câu chuyện rất dí dỏm về giải thưởng nhà nước, về thơ, những phân tích về thơ của ông bất ngờ và trẻ trung đến ngỡ ngàng, đối lập với những chia sẻ đượm buồn của Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Chị Điệp nói một thư viện sách để mọi người đọc như ngày xưa là điều quá mơ mộng. Chị Điệp cũng chia sẻ những kinh nghiệm mới cần phải truyền cảm hứng đọc sách bằng cả những phương pháp khác như những buổi nói chuyện, những thẻ thơ, những đêm giao lưu…
Anh Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc công ty Long Minh kể về sự ra đời của Chương trình STEM và những kết quả sâu rộng ở khắp các tỉnh thành cả nước. Anh Giáp Văn Dương cũng chia sẻ về chuỗi Hội thảo hè tại TT hội thảo Quy Nhơn của anh đã trải qua 8 mùa và những dự định tiếp theo.
Chia sẻ cuối cùng của nhà văn Nguyễn Trương Quý – người viết bao nhiêu cuốn sách về Hà nội và vẫn luôn cảm thấy tôi là ai và tôi đang ở đâu – về những hội sách tha thẩn người đi không chủ đích, anh mong muốn có những hội sách như hội sách Frankfurt những triển lãm sách theo chủ đề để người đến thực là người muốn tìm hiểu và là người đọc.
Lắng nghe và ghi nhận các gợi ý, đề xuất của các diễn giả, GS. Vũ Hà Văn và chị Phan Thị Hà Dương chia sẻ về quá trình lên kế hoạch và mong muốn khi thực hiện Chương trình tài trợ về văn hóa lịch sử, về sự giống nhau và khác nhau so với các Chương trình về khoa học công nghệ; và bày tỏ hy vọng sẽ sớm triển khai được ngay trong năm nay một số dự án đáng ưu tiên nhất.