Đào tạo sau đại học: Những luồng gió mới

(Báo Khoa học & Phát triển) Trước kia, việc đầu tư cho cá nhân nhà khoa học thuộc phạm trù của nhà nước; nhưng giờ đây, hoạt động này đã có sự tham gia của cả các quỹ đầu tư công, chương trình hợp tác quốc tế và quỹ tư nhân. Mục đích chung là gây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có khả năng cống hiến cho đất nước và những đơn vị nuôi dưỡng họ.

Học bổng VinIF giúp các nhà nghiên cứu trẻ chuyên tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học và không ngừng đổi mới. Trong ảnh: Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Nguồn: USTH
Học bổng VinIF giúp các nhà nghiên cứu trẻ chuyên tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học và không ngừng đổi mới. Trong ảnh: Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Nguồn: USTH

Mở khóa tài chính


Một vài số liệu khảo sát cách đây vài năm cho thấy đến 60-70% số người Việt đi du học muốn làm việc tại nơi mình học mà không muốn trở về. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám nhưng chủ yếu là lý do tài chính.

TS Trần Vũ Tùng Lâm tốt nghiệp tại một trong những trường hàng đầu về cơ khí-kỹ thuật, Đại học Lyon của Pháp, vào năm 2019, nhưng trước khi về Việt Nam và nhận học bổng sau tiến sĩ của Quỹ VinIF, anh hầu như không thể chắc chắn về chặng đường tương lai của mình.

“Tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục theo đuổi con đường hàn lâm hay không bởi vì đây là một chặng đường rất nhiều khó khăn và chông gai, đặc biệt ở trong môi trường thiếu thốn như ở Việt Nam. Mọi người đều biết nghiên cứu khoa học là cuộc chơi chủ yếu dành cho các nước phát triển có các nguồn lực tài chính hùng hậu và có đội ngũ hỗ trợ trình độ cao giúp cho các nhà khoa học không cần phải quá bận tâm vào những việc ngoài lề. Đặc biệt vì là tiến sĩ trẻ mới về nước, nên tôi hoàn toàn chưa có nhiều kinh nghiệm về môi trường khoa học ở Việt Nam, do vậy sẽ càng khó khăn hơn”, anh tâm sự.

Không riêng những người đã trải nghiệm môi trường nghiên cứu nước ngoài, băn khoăn này cũng được rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ trong nước chia sẻ. Họ cho biết rất khó để toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiên cứu khi nỗi lo học phí hay cơm áo gạo tiền khiến họ phải ưu tiên công việc mưu sinh khác. “Tôi vẫn hay đùa với các đồng nghiệp rằng nếu ngày nào cũng phải tính toán đến bữa ăn thì thật khó để có thể tập trung cống hiến chất xám”, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tự động hóa ở trường Đại học Giao thông Vận tải kể.

Những người trẻ ít kinh nghiệm cũng thường gặp khó khăn hơn khi xin kinh phí cho đề tài hay tìm nguồn tài trợ để tạo dựng nhóm nghiên cứu của riêng mình.

Trong bối cảnh đó, năm 2019, tập đoàn Vingroup ra mắt Quỹ Đổi mới sáng tạo (VinIF) với tuyên bố ‘sẽ hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và sáng tạo, nhằm xây dựng những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam’. Quỹ do GS.TS. Vũ Hà Văn (ĐH Yale) đảm nhiệm chức Giám đốc Khoa học, trong khi PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) làm Giám đốc điều hành.

Xuất thân từ giới nghiên cứu nên họ hiểu rất rõ nhu cầu của giới này. Kể từ khi được bổ nhiệm, công việc của họ được tóm gọn trong một dòng: tăng tài trợ cho các nhà khoa học trẻ.

“Việt Nam sở hữu tiềm lực lớn để bắt kịp thế giới về KH&CN. Bài toán lúc này là làm sao xây dựng được bệ phóng vững chắc để đội ngũ nghiên cứu trẻ chuyên tâm phát triển ngay trong nước”, GS. Vũ Hà Văn chia sẻ.

Trong năm đầu tiên, VinIF triển khai chương trình học bổng thạc sĩ và tiến sĩ, với mức hỗ trợ lần lượt là 120 triệu đồng/năm và 150 triệu đồng/năm. Số tiền này được dùng để học viên, nghiên cứu sinh trang trải quá trình học tập và thực hiện luận văn/luận án. Hai năm qua, Quỹ đã giúp cho hơn 750 học viên hoàn thành nghiên cứu của mình.

Đến năm nay, VinIF quyết định trao thêm học bổng cho nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc), nhằm nuôi dưỡng những con người “có thể dành toàn vẹn thời gian và sức lực vào nghiên cứu khoa học như một nghề nghiệp”. Học bổng này trị giá tới 360 triệu đồng/năm – 90% dành cho người nhận học bổng và 10% dành cho chi phí quản lý của đơn vị chủ trì – và đã được trao cho 30 tiến sĩ.

Postdoc được xem là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nên các nhà khoa học trưởng thành trong tương lai. Đây là thời gian lý tưởng để người nghiên cứu có thể suy nghĩ một cách tương đối độc lập và định hướng phát triển nghiên cứu về lâu dài cho bản thân. Lúc này, nhà khoa học không bị phụ thuộc vào đề tài của các thầy hướng dẫn như trước kia, họ có thể tạo hướng đi riêng hoặc xây nên nhóm nghiên cứu của mình; đồng thời có thể tham gia nghiên cứu với các nhà khoa học giàu kinh nghiệm khác như một đối tác ngang hàng.

“Ở Việt Nam, đầu tư cho giai đoạn postdoc rất hạn chế”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận xét. Bên cạnh đó, giới học thuật Việt Nam cũng thiếu sự đa dạng trong toàn bộ quá trình hoạt động. “Có rất nhiều người, từ lúc vào đại học cho đến học sau đại học, gần như chỉ làm việc tại một chỗ, thời gian luân chuyển sang đơn vị khác để tiếp thu ý tưởng mới rất ít. Đặc biệt, những quy định về cán bộ, giảng viên hiện nay cũng không cho phép họ dành ra một thời gian dài để đến nơi khác học tập và công tác”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Do đó, anh đánh giá cao việc VinIF cấp học bổng cho nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, cho phép ứng viên di chuyển học thuật trong nước. Điều này, một mặt tạo ra cơ hội cho những người làm khoa học tiếp tục theo đuổi mơ ước trên con đường nghiên cứu của mình mà không nhất thiết phải ra nước ngoài, mặt khác cho phép họ cùng nhau phát triển KH&CN ở những vấn đề cụ thể của Việt Nam.

Trong đợt xét duyệt học bổng lần này, VinIF cho biết họ đã gặp những tiến sĩ bảo vệ ở ĐH Huế nhưng có mong muốn vào Nha Trang làm nghiên cứu, và những người tốt nghiệp ở ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng mong muốn kết hợp với một nhóm nghiên cứu khác ở ĐH Quốc gia TPHCM để nối tiếp công trình.

Hiệu ứng mong đợi

Những nỗ lực của VinIF đã góp phần tạo nên một mạng lưới ngày càng rộng mở gồm những trí thức trẻ ở nhiều lĩnh vực. Thoạt tiên, các chương trình của Quỹ tập trung vào những ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, nhưng dần dần đã lan tỏa tới các lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế và giáo dục.

Đối với học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, số hồ sơ ứng tuyển mà VinIF nhận được đã tăng gấp đôi so với năm đầu; còn ở chương trình học bổng postdoc, 70% số hồ sơ gửi về là của các tiến sĩ đã bảo vệ ở nước ngoài – trong số họ, có những người chưa về nước và có những người mới về nước trong đợt dịch COVID-19.

“Chúng tôi hiểu rằng mình phải giữ chân những con người xuất sắc nhất đấy”, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành VinIF, chia sẻ và cho biết, VinIF đã tham khảo một số quỹ tài trợ nghiên cứu khoa học có uy tín trên thế giới và trong nước như quỹ Humboldt, Sloan, Simons, Fulbright và Nafosted để xây dựng quy chế phù hợp với bối cảnh xã hội và tầm nhìn trong tương lai.

“Khác với đầu tư cho các đề tài, học bổng của Quỹ được xét chủ yếu dựa trên năng lực đầu vào của người học chứ không đặt nặng kết quả đầu ra”, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương nhấn mạnh.

Việc ghi nhận sự hỗ trợ của Quỹ trong các công bố, công trình nghiên cứu chỉ là một cách để các nhà quản lý Quỹ biết được tác động từ sự hỗ trợ của mình chứ không phải để nghiệm thu học bổng. Thậm chí, nhà tài trợ đồng ý rằng ứng viên có thể dùng những công bố với sự ghi nhận tài trợ của Quỹ để nghiệm thu cho các đề tài khoa học hay với các tổ chức khác.

Sự cởi mở đó đi đôi với đòi hỏi khá cao: các hồ sơ ứng viên gửi đến VinIF được 70 chuyên gia đúng chuyên ngành trong nước và quốc tế phản biện; và Quỹ không cấp tài trợ một lần mà theo từng giai đoạn.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá rất cao hiệu quả hoạt động tài trợ học bổng của VinIF. Trong hai năm qua, hơn 60 học viên cao học/nghiên cứu sinh/nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Trường được nhận học bổng VinIF đã công bố khoảng 50 bài báo trên các tạp chí quốc tế Q1 và Q2.

Đồng thời, sự xuất hiện của VinIF đã khiến các đơn vị đào tạo trong nước phải cân nhắc lại phương án tài trợ nhân tài của mình. GS.TS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cho biết, VinIF đã tạo ra được hiệu ứng mà ông mong chờ nhất là sau 2 năm, đã có nhiều nơi, nhiều trường đại học từng bước triển khai những chương trình giống như của Quỹ.

Chẳng hạn, mới đây nhất, vào giữa tháng 11/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất cả nước, đã có bước đột phá khi phê duyệt một chương trình học bổng dành cho nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ với mức tài trợ tối đa 100-150 triệu đồng/người/năm, áp dụng cho tất cả nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đang đề xuất một dự thảo hướng dẫn cơ chế tài trợ cho tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài trong Đề án 89, với mức hỗ trợ học phí tối đa 25.000 USD (tương đương hơn 500 triệu đồng)/người/năm trong 4 năm, kèm theo hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Trước Đề án 89, có hai đề án tương tự nhằm đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng không đạt mục tiêu, một phần bởi mức hỗ trợ quá thấp, không đáp ứng được học phí của nhiều trường quốc tế, và phần khác bởi thiếu những cơ chế ràng buộc chặt chẽ, khiến nhiều người học không quay về như dự kiến.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) gọi quỹ VinIF là “một bước đi sáng tạo” của tư nhân trong nỗ lực đồng hành với chính phủ trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Còn những người đại diện VINIF như GS.TS. Vũ Hà Văn và PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương đều tỏ ra rất phấn khởi trước thay đổi cả bên trong và ngoài Quỹ. Như những người thụ hưởng đã chỉ ra, những hoạt động hỗ trợ của VinIF, không chỉ cho phép họ theo đuổi ước mơ nghiên cứu, mà còn góp phần thay đổi bức tranh khoa học toàn cảnh, nuôi dưỡng tốt hơn những thế hệ khoa học trẻ.

Bài viết trên Báo Khoa học & Phát triển

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Dự án Fi-Mi và những kết quả ấn tượng

Dự án Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng

Phim nhựa – Di sản vô giá của nền điện ảnh Việt Nam

​ Sự kiện “Điện ảnh mà là di sản á?” là tọa đàm thuộc dự án