
Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tạo ra nhiều tác động đáng kể đối với nguồn nước, điển hình là vấn đề nước biển bị nhiễm mặn và tình trạng khan hiếm nước ngọt gặp phải những hậu quả nghiêm trọng. Để giải quyết thực trạng thiếu nước ngọt, công nghệ thẩm thấu ngược (Reverse Osmosis – RO) được xem là một trong những giải pháp được sử dụng rộng rãi nhất vì hiệu quả xử lý cao. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của công nghệ này tiêu dùng năng lượng cao và phải thay thế màng thường xuyên do bẩn màng trong quá trình vận hành. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ màng chưng chất (MD) trong xử lý nước biển thành nước ngọt vẫn còn hạn chế do chưa có màng MD tối ưu và hệ thống thiết kế chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, việc thực hiện dự án “Nghiên cứu chế tạo màng chưng cất và ứng dụng thiết kế máy lọc nước biển thông minh cho ngư dân đi biển và dân cư hải đảo bằng công nghệ chưng cất màng tích hợp với năng lượng mặt trời” là rất cấp thiết để giải quyết vấn đề thiếu nước ngọt cho dân cư ở các vùng ven biển, hải đảo và trên các tàu đánh bắt cá xa bờ. Ưu điểm vượt trội của dự án này là tích hợp công nghệ chưng cất màng với năng lượng mặt trời giúp giảm thiểu tối đa năng lượng sử dụng và hướng đến net-zero emission đến năm 2050 (Cop 27, 2022).
Mục tiêu chính của nghiên cứu là tổng hợp màng MD có khả năng siêu kỵ nước, đạt hiệu suất thẩm thấu cao, độ bền cơ học lớn và giảm thiểu hiện tượng ướt màng. Đồng thời, dự án tập trung vào thiết kế và tối ưu hóa các thông số của máy lọc nước biển thông minh để giảm thiểu chi phí vận hành. Hy vọng rằng dự án sẽ đóng góp một phần quan trọng vào chuẩn bị cho nhóm nghiên cứu Công nghệ Môi trường tại Trường Đại học Đà Lạt (DLU) trong việc phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ chưng chất màng và máy lọc nước biển để chuyển đổi nước biển thành nước ngọt trong tương lai.