VINIF.2022.DA00114 – Phát triển hệ đưa thuốc kéo dài tại dạ dày chứa levodopa và carbidopa sử dụng công nghệ in 3 chiều ứng dụng trong cá thể hóa điều trị bệnh Parkinson

project manager image
Chủ nhiệm dự án
TS. Võ Quốc Ánh
Tổ chức chủ trì
Trường Đại học Dược Hà Nội

Tính cấp thiết

Cá nhân hóa điều trị là xu hướng tất yếu của của chăm sóc y tế hiện đại nhằm tối ưu hóa áp ứng với thuốc và giảm tác dụng có hại của thuốc trên từng bệnh nhân, trong đó nền tảng là việc theo dõi, điều chỉnh liều và động học giải phóng thuốc phù hợp. In ba chiều (3D printing) nổi lên như một nền tảng công nghệ mới đáp ứng được các yêu cầu của việc sản xuất thuốc cá nhân hóa, cho phép linh động tùy chỉnh kích thước, đơn vị liều, động học giải phóng thuốc, hay kết hợp nhiều hoạt chất trong một đơn vị bào chế. Hơn nữa, quá trình bào chế thuốc bằng in 3D hoàn toàn tự động, được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, có độ chính xác và lặp lại cao, đặc biệt phù hợp với mô hình chăm sóc y tế điện tử. Levodopa là thuốc đầu tay, là tiêu chuẩn vàng trong điều trị bệnh Parkinson. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng thuốc của người bệnh rất khác nhau và phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Do đó, trong giai đoạn đầu điều trị, bác sĩ phải dò liều phù hợp và liều cũng phải được điều chỉnh trong quá trình điều trị. Thêm vào đó, thuốc có sinh khả dụng thường rất thấp (chỉ khoảng 30%), dao động lớn giữa các cá thể, và thậm chí không ổn định ngay trên cùng một cá thể. Thuốc có thời gian bán thải ngắn (< 1h), nhanh chóng bị thủy phân ở ngoại vi, và là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc. Điều khiển thuốc giải phóng kéo dài ở dạ dày, phối hợp với carbidopa (tác nhân ngăn thủy phân) trong một đơn vị bào chế và tối ưu hóa động học giải phóng phù hợp là giải pháp tiềm năng khắc phục các nhược điểm dược lý cố hữu của hoạt chất. Dạng bào chế này có triển vọng thay thế phương pháp ngoại khoa bơm gel levodopa vào tá tràng thông qua ống xông xuyên ổ bụng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nhiễm khuẩn, lạc ống dẫn, khó tuân thủ điều trị, và đặc biệt chi phí rất cao. Hệ đưa thuốc mới bằng đường uống chứa levodopa/carbidopa được ước tính có giá thành thấp hơn nhiều lần và sẽ tạo cơ hội tiếp cận với liệu pháp điều trị hiện đại cho nhiều bệnh nhân, giảm gánh nặng y tế cho gia đình và xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tính mới

Cá nhân hóa điều trị đang được áp dụng và dần được mở rộng tại các nước phát triển, là xu thế tất yếu của chăm sóc y tế hiện đại. Đề tài này nghiên cứu sản xuất thuốc bằng công nghệ in 3D, là nền tảng công nghệ mới không thể thiếu trong bào chế thuốc cá nhân hóa, cho phép tạo ra các cấu trúc, dạng bào chế mới mà các nền tảng sản xuất dược phẩm hiện tại không thể làm được. Sự thành công của đề tài sẽ mở ra hướng giải pháp khắc phục các nhược điểm dược học của các hoạt chất, nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị và khắc phục những phản ứng có hại của thuốc. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về bào chế hệ đưa thuốc có kiểm soát tại dạ dày chứa levodopa/carbidopa bằng công nghệ in 3D được công bố. Tại Việt Nam, chúng tôi chưa thấy có nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D trong bào chế thuốc cá nhân hóa được triển khai.

Mục tiêu

– Xây dựng được công thức sợi in và thông số quá trình bào chế. Các sợi in phải có đặc tính hóa học và hóa lý phù hợp cho kỹ thuật in 3D FDM.

– Thiết kế được mô hình, thực hiện được quá trình in và đánh giá được đặc tính chất lượng của dạng bào chế. Xây dựng được các mô hình toán học để mô tả tương quan giữa các thông số công thức và quy trình đến đặc tính của dạng bào chế, hỗ trợ cho việc cá thể hóa thuốc được in.

– Theo dõi được sự di chuyển của dạng bào chế trong đường tiêu hóa của động vật thí nghiệm. Đánh giá được sinh khả dụng và dược động học của dạng bào chế trên động vật thực nghiệm.

Nội dung

– Xây dựng công thức và quy trình bào chế ra sợi in phù hợp với kĩ thuật in 3D FDM; Xây dựng các mô hình in, thực hiện việc in thuốc và đánh giá các đặc điểm tính chất của dạng bào chế. Xây dựng các mô hình toán học thể hiện sự tương quan giữa biến đầu vào và đặc điểm tính chất của dạng bào chế.

– Theo dõi sự di chuyển của dạng bào chế trong đường tiêu hóa của động vật thí nghiệm. Đánh giá sinh khả dụng và dược động học của dạng bào chế đã phát triển trên động vật thí nghiệm.

project manager image
Chủ nhiệm dự án
TS. Võ Quốc Ánh
Tổ chức chủ trì
Trường Đại học Dược Hà Nội

Tags

Tiến độ dự kiến
01/12/2022
30/08/2023
Giai đoạn 1

– Lựa chọn được các polymer phù hợp và tiêu chuẩn tương ứng để thực hiện in; Khả năng kiểm soát giải phóng thuốc của các polymer và hỗn hợp polymer; Lựa chọn được chất hóa dẻo và tỷ lệ phù hợp;

– Kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng, các thông số quy trình, đặc tính cơ bản của sợi in; các mô hình thiết kế của dạng bào chế, thông số in 3D điều khiển được động học giải phóng dược chất;

– Kết luận về dạng thù hình của dược chất, sự thay đổi dạng thù hình nếu có; Tương tác dược chất tá dược trong công thức;

– Quy trình tạo sợi in có chứa barisulfat có khả năng in thành dạng bào chế;

– Quy trình xử lý mẫu, phân tích mẫu và kết quả thẩm định phương pháp phân tích dịch sinh học theo các tiêu chí của US-FDA và ICH; – 01 báo cáo tại Hội nghị quốc tế/bài báo trên tạp chí quốc gia có uy tín được chấp nhận đăng.

30/08/2024
Giai đoạn 2

– Lựa chọn được chất hóa dẻo và công thức bào chế sợi in tối ưu cho quá trình in 3D; Các công thức bào chế và quy trình tạo sợi in có đặc tính cơ lý phù hợp cho in 3D; Tương quan giữa đặc tính sợi in với khả năng in 3D của dạng thuốc đã thiết kế;

– Kết luận về đặc tính thù hình, sự tương tác hóa học dược chất tá dược có thể có trong công thức; Liên quan giữa các yếu tố thuộc về cấu trúc và các đặc tính chất lượng của dạng bào chế; Các mô hình phân tích mô tả mối liên hệ giữa biến đầu vào với biến đầu ra; kết quả thí nghiệm tiền khả thi;

– Các mẫu bào chế được in từ sợi cản quang và ảnh X quang của viên thuốc;

– Kết quả khảo sát điều kiện thí nghiệm, nồng độ thuốc trong huyết tương khi thử với các mẫu đại diện cho các mẫu nghiên cứu có động học khác nhau;

– Dự thảo kết quả tổng hợp số liệu thực nghiệm (đối với nội dung đã thực hiện);

– Dự thảo báo cáo tổng hợp các nội dung của dự án (nội dung đã thực hiện);

– 01 báo cáo tại Hội nghị quốc tế/bài báo trên tạp chí quốc gia có uy tín được chấp nhận đăng;

– Bài báo Q1 số 1 được gửi đăng;

– 01 giải pháp hữu ích đã được chấp nhận đơn và được Hội đồng khoa học đánh giá Đạt về chuyên môn;

– Các hoạt động chính của dự án được đưa vào đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh; nghiên cứu sinh thực hiện các công việc chính trong thời gian tham gia.

30/05/2025
Giai đoạn 3

– Quy trình đúng, công thức sợi in được kiểm soát dựa vào đặc tính công thức và thông số kĩ thuật; Thông số quy trình đùn sợi in và ảnh hưởng của tính chất sợi đùn đến thiết kế 3D;

– Kết luận về dạng thù hình của dược chất trong dạng bào chế, sự tương tác dược chất tá dược, sự thay đổi dạng thù hình; Ảnh hưởng của các thông số thuộc về cấu trúc đến đặc tính chất lượng của dạng bào chế; Các phương trình hồi quy mô tả ảnh hưởng của biến đầu vào đến đặc tính chất lượng của sản phẩm;

– Kết luận về hành trình của các mẫu thuốc cản quang trong đường tiêu hóa động vật;

– Kết quả phân tích nồng độ thuốc theo thời gian, các thông số dược động học;

– Bài báo Q1 số 1 và số 2 được chấp nhận đăng;

– Kết quả tổng hợp số liệu thực nghiệm toàn dự án;

– Báo cáo tổng hợp các nội dung của dự án;

– Mẫu thiết kế để in dạng bào chế đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng đã xây dựng;

– Quy trình bào chế thuốc in 3D chứa levodopa và carbidopa: các bước tiến hành và thông số kĩ thuật;

– Tiêu chuẩn sản phẩm thuốc viên chứa đồng thời levodopa và carbidopa: các tiêu chí, khoảng chấp nhận và phương pháp kiểm nghiệm của từng tiêu chí;

– Báo cáo các thử nghiệm in vivo của viên phối hợp levodopa và carbidopa: Mô tả nghiên cứu, phương pháp phân tích mẫu, báo cáo về đường đi của thuốc trong đường tiêu hóa và các thông số dược động học;

– Các hoạt động chính của dự án được đưa vào đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh; nghiên cứu sinh thực hiện các công việc chính trong thời gian tham gia.