Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành du lịch khách sạn nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh vận hành là xu thế không thể đảo ngược. Trong khi trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng hiệu quả và trở thành chìa khóa thành công trong nhiều ngành kinh doanh như bán lẻ (ví dụ Amazon), giải trí (ví dụ như Netflix), hay mạng xã hội (ví dụ như Facebook hay Tiktok), ngành du lịch khách sạn vẫn còn chậm trong việc ứng dụng công nghệ. Tuy vậy, các doanh nghiệp khách sạn hàng đầu thế giới đã và đang triển khai những dự án tham vọng, nhằm thay đổi cuộc chơi và chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ như Marriott Hotels Group đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm quản lý gợi ý cá nhân và điểm thưởng cho cá nhân khách hàng trong chương trình Marriott Bonvoy. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu cả năng lực và nguồn lực để đầu tư cho những dự án mang tính tham vọng như vậy. Trong khi đó, ngành du lịch khách sạn có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế (đóng góp trung bình 10% GDP mỗi năm) và có tác động xã hội to lớn (ví dụ như tạo việc làm, giải quyết nạn đói nghèo ở các vùng sâu, vùng xa). Sau đại dịch Covid-19 khi hoạt động kinh doanh du lịch phục hồi và có những biến chuyển lớn trong hành vi sử dụng dịch vụ của khách hàng, ngành du lịch khách sạn Việt Nam đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, thôn tính và chi phối bởi các tập đoàn nước ngoài. Do vậy, dự án này mang tính cấp thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc nắm bắt công nghệ và tạo dựng vị thế cạnh tranh trên thị trường trước những biến đổi nhanh chóng về mặt công nghệ. Dự án này được thực hiện dựa trên cách tiếp cận đa ngành, kết hợp cả hai góc nhìn nghiên cứu xã hội và nghiên cứu kĩ thuật trong việc phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo phù hợp với đặc thù của ngành du lịch khách sạn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các dự án ứng dụng công nghệ, và trí tuệ nhân tạo, là việc các dự án này được xây dựng từ góc nhìn của các chuyên gia công nghệ đơn thuần, thiếu sự gắn kết với đặc thù vận hành kinh doanh của ngành và của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo được xây dựng dựa trên những tiến bô công nghệ mới nhất (e.g., deep learning) nhưng lại không được đón nhận bởi người dùng (end-user) và khách hàng (customer). Do đó, dự án này là một bước tiến quan trọng khi xây dựng một đội ngũ chuyên gia đa ngành, với kinh nghiệm phong phú từ nhiều lĩnh vực: các chuyên gia về AI, các chuyên gia nghiên cứu hành vi khách hàng, và các nhà quản trị doanh nghiệp. Từ đó, nhóm nghiên cứu thảo luận và đi đến những ý thưởng thiết kế hệ thống phù hợp với đặc thù kinh doanh của ngành du lịch khách sạn. Đồng thời, dự án bao gồm việc thực hiện các nghiên cứu khách hàng cần thiết, sử dụng những phương pháp nghiên cứu khách hàng mới nhất (ví dự như thiết bị theo dõi sự chú ý thị giác – eye-tracking) trong việc thử nghiệm và cải thiện hệ thống trí tuệ nhân tạo. Dự án này sẽ cho phép xây dựng lên khung lý thuyết về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị trải nghiệm khách hàng trong ngành du lịch khách sạn, có ý nghĩa quan trọng về mặt học thuật và đào tạo quản trị kinh doanh. Dự án này đáp ứng như cầu cấp thiết trong ngành du lịch khách sạn để thực hiện việc số hóa hiệu quả và nhanh chóng, từ đó thích ứng và phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Ngành du lịch khách sạn có tác động an sinh xã hội to lớn, mở ra cơ hội việc làm và phát triển kinh tế quan trọng cho nhiều vùng, địa phương khó khăn. Hơn lúc nào hết, các nhà quản trị khách sạn cần những công cụ mạnh và hiệu quả để thu hút khách hàng tiềm năng, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng nhằm đạt được những mục tiêu tăng trưởng đề ra sau đại dịch.