Trên thế giới, nhiều vấn đề về phân loại học được phát hiện, đang được thảo luận và tranh cãi. Khá nhiều loài vi tảo hai roi rất giống nhau về hình thái hoặc sự khác biệt đôi khi rất nhỏ khó phát hiện nên đã gây đến sự nhầm lẫn trong phân loại học. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các phân tích chỉ thị phân tử, đã phát hiện có sự phân ly rõ rệt giữa các loài dựa vào đặc trưng di truyền, ví dụ như Prorocentrum micans /koreanum; Coolia monotis /malayensis; v.v… Ở Việt Nam, các loài tảo có khả năng độc hại, hầu hết được định danh trên cơ sở hình thái học và chưa (hoặc có rất ít) dựa vào những đặc trưng di truyền. Đề tài này có một định hướng sâu sắc hơn về cơ sở dữ liệu tảo gây hại Việt Nam cả về hình thái và di truyền học. Với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm, chúng tôi đã xác định phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu rộng từ các hải đảo phía Bắc đến phía Nam Việt Nam. Sinh học phân tử được xem như là một công cụ hữu ích hỗ trợ cho việc định loại các loài chính xác hơn. Bước đầu, chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu di truyền cho 50 loài vi tảo hai roi có khả năng độc hại trong vùng biển Việt Nam. Việc định danh các loài chủ yếu dựa trên các gien ITS, và 28S. Hàng nghìn mẫu gien sẽ được khuếch đại và giải trình tự. Hầu hết các nội dung nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm vi tảo và phòng thí nghiệm sinh học phân tử của Viện Hải dương học cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học nước ngoài từ Trung tâm Khoa học và Truyền thông Tảo gây hại (IOC), trường Đại học Copenhagen, Trung tâm sinh học biển IFREMER chi nhánh Brest và Nantes (Pháp), Viện nghiên cứu vùng cực (AWI, Bremehavn, Đức), và Viện Nghiên cứu Biển Ban-Tích (IOW, Warnemuende, Đức).
Đề tài này sẽ tập trung trả lời các câu hỏi:
- Các đặc trưng hình thái và sinh trắc học có thể là tiêu chí định loại các loài hay không?
- Có hay không có các loài đồng hình (cryptic) hoặc bán đồng hình (semi-cryptic) và yếu tố di truyền / đặc trưng gien có phân biệt các loài đồng hình hay không?
- Làm rõ vị trí phân loại học và di truyền của 50 loài vi tảo thuộc các chi Tảo Hai roi (Dinophyta, Dinophyceae), Alexandrium, Ostreopsis, Gambierdiscus, Protoperidinium, Coolia, Prorocentrum, Bysmatrum, Gonyaulax, và Dinophysis.
Tính mới:
Dự án mới ở vấn đề nào? Tại sao phải thực hiện nghiên cứu tại thời điểm hiện nay? Trên thế giới có khá nhiều nghiên cứu từ phân loại học, sinh thái cho đến độc tố học của tảo Hai roi sống đáy. Một chương trình mang tên bHABs (benthic Harmful Algal Bloom) đang được triển khai, bHABs cũng là một phần của các Hội thảo thường kỳ 2 năm về HABs (Harmful Algal Blooms) trên thế giới, hội thảo này quy tụ >500 nhà khoa học. Những hội thảo chuyên đề về HABs cũng được thường xuyên tổ chức ở các quốc gia đang phát triển cũng như các quốc gia tiên tiến khác như Hàn quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Hòa Lan, …
Mục tiêu:
- Phân bố của loài vi tảo có khả năng gây hại trong vùng Biển Đông Việt Nam.
- Cung cấp được bộ dẫn liệu về hình thái học và trình tự gen dự kiến của 50 loài vi tảo gây hại phục vụ việc xác định loài và đánh giá đa dạng di truyền.
- Cung cấp được dẫn liệu về đặc điểm mùa vụ xuất hiện, chú ý các loài có độc tố và độc tố học của chúng để bảo đảm an toàn thực phẩm biển.
- Đề xuất được giải pháp giám sát và cảnh báo sớm sự xuất hiện của các loài có khả năng gây hại để an toàn thực phẩm.
Nội dung:
- Các đặc trưng hình thái và di truyền vi tảo phù du.
- Các đặc trưng hình thái và di truyền vi tảo đáy.
- Phân tích mùa vụ xuất hiện vi tảo độc hại và hiện tượng tảo nở hoa.
- Độc tố của một số loài tảo Hai roi.