Dự án tập trung vào nghiên cứu phát triển (Research & Technology Development: R&D) và thương mại hóa (Commercialisation) sản phẩm robot cộng tác (còn gọi là Cobot hay Collaborative Robot) với các giải pháp mang tính sáng tạo và hiệu quả về chi phí (innovative & cost-effective solutions), đặt biệt là chủ động phát triển công nghệ nguồn (enabling technologies) cho thị trường Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0). Sản phẩm và thương hiệu cobot sẽ được phát triển hoàn toàn trên nền tảng công nghệ nguồn từ Việt Nam, với khả năng nội địa hóa trên 80%, và giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự 20-50%, đặc biệt là đối với các sản phẩm ngoại nhập, với tính năng và tải trọng tương đương. Sản phẩm mang thương hiệu Việt, với mục tiêu ban đầu phục vụ thị trường Việt Nam, và từng bước tiếp cận thị trường toàn cầu về cobot, được ước tính đạt 12 tỷ USD vào năm 2025, với mứctăng trưởng lợi nhuận kép bình quân hàng năm (CAGR) đạt 35-50% trong giai đoạn 2017-2025[1]. Robot cộng tác (Collaborative Robot hay Cobot) là robot làm việc và tương tác với người trong không gian chia sẻ chung một cách an toàn và tin cậy. Các robot truyền thống thường được thiết kế làm việc một cách tự động, với độ an toàn được bảo đảm bằng cách cách ly việc tiếp xúc (contact) với người (sử dụng hay vận hành). Robot cộng tác cobot khác với các robot truyền thống ở chỗ, nó được thiết kế với khả năng (capability) và độ an toàn (safety) sao cho người sử dụng (users) hay vận hành (operators) có thể tiếp xúc trực tiếp với cobot trong quá trình làm việc hay sử dụng. Công nghệ và hệ sinh thái cobot là nền tảng quan trọng cho các giải pháp Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) và Công nghiệp 4.0.
Dự án sẽ triển khai nghiên cứu ứng dụng, với các giải pháp sáng tạo và hiệu quả về chi phí (innovative & cost-effective solutions), phát triển robot cộng tác với thương hiệu Viet-Cobot và xây dựng hệ sinh thái thông minh (smart eco-system), có tính năng và yêu cầu kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, dựa trên cơ sở và nền tảng công nghệ robot được phát triển thành công tại Việt nam, đã và đang thương mại hóa trong nước và xuất khẩu, có khả năng thương mại ở phạm vi toàn cầu, cùng với sự kết hợp chuyển giao công nghệ giữa các đối tác hợp tác trong và ngoài nước, và sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.
Chủ nhiệm dự án tốt nghiệp ngành Chế tạo máy Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, du học ngành robot học tại Trường Đại học Kỹ thuật Giáo dục Hàn Quốc (Korea University of Technology and Education), có trên 10 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển các đề tài và dự án nghiên cứu về robot và tự động hóa, tạo ra được các sản phẩm đã và đang phục vụ thương mại trong và ngoài nước (xuất khẩu trên 70 nước với mặt hàng robot công nghiệp và phần tử máy thông minh), và có kinh nghiệm thực hiện các đề tài R&D và dự án thương mại trong và ngoài nước (tham gia 5+ đề tài R&D với tổng tài trợ ít nhất 400 ngàn USD trong ba năm gần nhất).