Dự án Phát triển vắc xin phòng SARS-CoV-2 (COVID-19) trên giá thể Baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm là dự án nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh với công nghệ mới nhằm đối phó với đại dịch Covid-19
Nghiên cứu của Dự án được thực hiện trong phòng thí nghiệm với các kỹ thuật và công nghệ chính như cài đặt vùng gen S (Spike protein – vùng kháng nguyên đặc hiệu) của chủng mới coronavirus vào vector biểu hiện của baculovirus; Nuôi cấy tế bào côn trùng ; Gây nhiễm baculovirus chứa vector biểu hiện vào tế bào côn trùng; Nuôi cấy và thu hoạch baculovirus; Tinh chế baculovirus có biểu hiện protein S; pha chế tạo vắc xin. Sau khi tạo được vắc xin, nhóm nghiên cứu tiếp tục các đánh giá đặc tính kháng nguyên trong phòng thí nghiệm như chuẩn độ hiệu giá, độ tinh khiết, độ đặc hiệu và hình ảnh kính hiển vi điện tử. Sau khi hoàn thiện các kết quả sơ bộ về đặc tính của vắc xin , một quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng vắc xin ở quy mô phòng thí nghiệm được xây dựng và hoàn thiện làm cơ sở để có thể cho việc mở rộng qui mô sản xuất sau này.
Các vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trên giá thể Baculovirus cũng được tiến hành đánh giá tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thực nghiệm về hiệu quả và tính an toàn của sản phẩm. Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân lập thành công và tiến hành xác định hiệu giá các chủng vi rút SARS-CoV-2 trên nhân nuôi tế bào cũng như gây nhiễm trên các động vật thí nghiệm như chuột (chuột lang, chuột nhắt) và thỏ. Đây là cơ sở để xây dựng mô hình đánh giá vắc xin trên động vật thực nghiệm. Vắc xin thử nghiệm đã được tiến hành các đánh giá tiền lâm sàng trên các mô hình động vật như chuột, thỏ, khỉ để xác định hiệu quả và tính an toàn của vắc xin