Dự án mô phỏng ba hiệu ứng cơ bản trong Cơ học lượng tử tương đối tính là: i) hiệu ứng tạo và triệt tiêu cặp hạt-phản hạt, ii) hiệu ứng xuyên đường hầm Klein, iii) cấu trúc Jackiw-Rebbi bằng các hiệu ứng quang học trong hệ ống dẫn sóng nhị nguyên. Thông qua những nghiên cứu này sẽ tạo ra các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực Vật lý, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ nhà khoa học Việt Nam vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Những nội dung chính của dự án
– Nghiên cứu hiệu ứng xuyên đường hầm Klein trong Cơ học lượng tử tương đối tính khi hạt fermion di chuyển qua bậc thế (potential step) từ vùng thế cao sang vùng thế thấp:
- Tìm công thức giải tích tính hệ số truyền qua bậc thế.
- Mô phỏng hiệu ứng xuyên đường hầm Klein trong BWA và kiểm chứng công thức giải tích tính hệ số truyền qua.
– Nghiên cứu hiệu ứng xuyên đường hầm Klein trong Cơ học lượng tử tương đối tính khi hạt fermion di chuyển qua rào thế (potential barrier):
- Tìm công thức giải tích tính hệ số truyền qua rào thế.
- Mô phỏng hiệu ứng xuyên đường hầm Klein qua rào thế trong BWA và kiểm chứng công thức giải tích tính hệ số truyền qua.
– Nghiên cứu hiệu ứng sinh và triệt tiêu cặp hạt-phản hạt trong Động điện học lượng tử bằng hệ ống dẫn sóng nhị nguyên có đoạn bị uốn cong:
- Nghiên cứu phương pháp giải tích tính xác suất sinh cặp và xác suất triệt tiêu cặp (thời gian thực hiện 05 tháng).
- Mô phỏng hiệu ứng sinh và triệt tiêu cặp hạt-phản hạt trong BWA và kiểm chứng công thức giải tích tính xác suất sinh cặp và xác suất triệt tiêu cặp.
– Nghiên cứu hiệu ứng sinh và triệt tiêu cặp hạt-phản hạt trong Động điện học lượng tử bằng hệ ống dẫn sóng nhị nguyên có đoạn bị bẻ gấp theo đường thẳng.
- Nghiên cứu phương pháp giải tích tính xác suất sinh cặp và xác suất triệt tiêu cặp.
- Mô phỏng hiệu ứng sinh và triệt tiêu cặp hạt-phản hạt trong BWA và kiểm chứng công thức giải tích tính xác suất sinh cặp và xác suất triệt tiêu cặp.
– Nghiên cứu khả năng truyền ổn định và bảo mật của cấu trúc Jackiw-Rebbi trong mạng BWA hai chiều với phân bố dày đặc.
– Tìm ra loại soliton hoàn toàn mới trong hệ ống dẫn sóng nhị nguyên.
Tác động của dự án
Dự án có những tác động về mặt ngắn, trung và dài hạn như sau:
– Ngắn hạn: những ý tưởng mới để khai thác bộ mô phỏng lượng tử dựa trên hệ ống dẫn sóng nhị nguyên.
– Trung hạn:
- 01 nghiên cứu sinh sẽ bảo vệ thành công luận án TS
- Phát triển một concept mới (dựa trên trạng thái Jackiw-Rebbi) để truyền tín hiệu quang theo cách bảo mật và ổn định trong mạng ống dẫn sóng phân bố dày đặc dưới tác động của nhiễu mạnh.
– Dài hạn: Dự án mở đường cho nhiều công trình khoa học khác (và những bài báo ISI) về mô phỏng các hiệu ứng lượng tử trong hệ ống dẫn sóng nhị nguyên với tác động đáng kể về mặt học thuật trong lĩnh vực này ở cấp độ quốc tế.
Phân bón Phosphate có vai trò thiết yếu đối với sự sinh trưởng phát triển và quyết định tới năng suất của cây trồng. Bên cạnh đó, sự cạn kiệt nhanh chóng của nguồn mỏ nguyên liệu không tái tạo cũng như những tác động tiêu cực từ việc khai thác phosphate tới môi trường đất, nước và hệ sinh thái đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp cải tiến các giống cây trồng, nâng cao hiệu quả trong việc hấp thụ và sử dụng Phosphate. Kế thừa kết quả phân tích di truyền liên kết toàn bộ hệ gen (GWAS) trên một tập đoàn gần 200 giống lúa bản địa đã được giải trình tự, chúng tôi đề xuất sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng Phosphate ở cây lúa, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, với một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Định vị chính xác SNP quyết định tới khả năng hấp thụ và sử dụng phosphate trong đất của cây lúa bằng phương pháp QTL-sequencing
- Hiểu rõ được cơ chế phân tử của các gen ứng viên trên cây lúa tới khả năng hấp thụ và sử dụng phosphate bằng phương pháp phân tích hệ gen chức năng.
- Cải tiến một giống lúa ưu tú của Việt Nam nhằm nâng cao khả năng sử dụng Phosphate bằng phương pháp chỉnh sửa gen chính xác.
Những nội dung chính của dự án
- Nội dung 1 (01 / 2022-12 / 2022): Xác định chính xác SNP quyết định tới khả năng sử dụng Phosphate bằng phương pháp QTL-sequencing.
- Nội dung 2 (01/2022-06/2025): Nghiên cứu chức năng gen của các gen ứng viên bằng phương pháp mất chức năng, thêm chức năng và giải phẫu mô học của dòng promotor gắn với gen báo cáo Gus.
- Nội dung 3 (01/2023-06/2025): Chỉnh sửa gen GDPD5 và/hoặc GDPD13 cho một giống lúa phổ biến của Việt Nam.
Để mở rộng ứng dụng của nghiên cứu về khả năng cải thiện khả năng hấp thụ và sử dụng Phosphate trên cây lúa bản địa của Việt Nam, cùng với thông tin chính xác về các alen quyết định cho hấp thụ và sử dụng Phosphate cao, chúng tôi sẽ chọn một giống lúa ưu tú của Việt Nam để cải thiện khả năng sửa dụng Phosphate của chúng. Đầu tiên, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát khả năng sử dụng Phosphate trên 50 giống lúa phổ biến của Việt Nam để chọn ra dòng ưu tú, năng suất cao nhưng khả năng sử dụng Phosphate thấp. Sau khi đã chọn được giống cần cải tiến, chúng tôi sẽ chuyển cấu trúc chỉnh sửa gen bằng CRISPR/Cas9 thông qua quy trình đã được tối ưu cho việc chuyển gen lúa bản địa. Tác động của đột biến của gen GDPDs đối với sự thay đổi cấu trúc rễ cũng như hiệu quả sử dụng Phosphate của lúa đột biến trên cây lúa Việt Nam sẽ được đánh giá bằng kiểu hình và bằng phương pháp định lượng hiệu suất sử dụng Phosphate.
Tác động của dự án
- Tác động đối với phát triển KH&CN và giáo dục:
Công nghệ chỉnh sửa gen nói chung và chỉnh sửa chính xác bộ gen nói riêng là một công nghệ đột phá, đặc biệt hứa hẹn sẽ đóng góp lớn cho lĩnh vực sinh học nông nghiệp. Đề tài có sự tham gia của các giảng viên và nhà nghiên cứu đến từ USTH, Viện công nghệ sinh học IBT-VAST và với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm nghiên cứu chỉnh sửa gen tại Khoa Khoa học Đời sống Ứng dụng (Đại học Quốc gia Gyeongsang, Hàn Quốc). Chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển thành một nhóm nghiên cứu mạnh chuyên về chỉnh sửa bộ gen và nghiên cứu giải phẫu mô ở cây lúa tại Việt Nam. Việc làm chủ công nghệ này sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và góp phần đẩy nhanh quá trình chọn giống cây trồng có năng suất, chất lượng. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển các giống lúa có khả năng chống chịu một số điều kiện bất lợi của môi trường. - Tác động tới kinh tế xã hội và môi trường:
Các dòng lúa được tạo ra được coi là không mang các gen chuyển, thân thiện với môi trường chuyển giao dưới hình thức chuyển giao vật liệu nghiên cứu cho các đơn vị lai tạo, sản xuất để tạo giống lúa mới, phục vụ sản xuất. Và nếu chọn tạo giống lúa mới được thực hiện đúng hướng sẽ làm giảm việc sử dụng phân bón Phosphate, giảm chi phí chi tiêu cho phân bón đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho người nông dân. Hơn nữa, việc giảm khai thác và giảm sử dụng Phosphate cũng làm giảm ô nhiễm môi trường, tránh hiện tượng phú dưỡng, tránh ô nhiễm do tích tụ kim loại nặng Cadmium khi khai thác mỏ Phosphate, góp phần hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu dự định đề xuất một dự án có tính đột phá để phát triển các lý thuyết và phương pháp tìm hiểu về hàm zeta trên các trường toàn cục và địa phương. Chúng tôi dự kiến sẽ nghiên cứu các loại hàm zeta gắn liền với các giả thuyết trọng tâm sau: hàm zeta Riemann, L-hàm Dirichlet, giả thuyết Riemann tổng quát, hàm zeta địa phương Igusa và các giả thuyết của Igusa, hàm zeta Goss và các phiên bản của các giả thuyết Birch và Swinnerton-Dyer hay Zagier-Hoffman. Chúng tôi đồng thời nghiên cứu về các vấn đề liên quan như các nhóm Galois hay đối ngẫu Tannaka, đây là các công cụ chính để tìm hiểu về hàm zeta và giá trị zeta.
Những nội dung chính của dự án
Dự án Hàm zeta, giá trị zeta và những chủ đề liên quan bao gồm một số nội dung chính như sau:
- Tìm hiểu về hàm zeta, giá trị zeta và các vấn đề liên quan
- Hướng dẫn cao học và nghiên cứu sinh
- Khoá học ngắn hạn và Hội thảo
Tác động của dự án
Trong dự án này, chúng tôi sẽ nghiên cứu về nhiều loại hàm zeta và cách nhìn nhận tương quan giữa chúng qua nhiều góc nhìn: giải tích, đại số, số học và tổ hợp. Như đã trình bày ở trên, các kết quả của nhóm sẽ góp phần giải quyết nhiều bài toán mở của Lý thuyết số và đưa đến các tương quan mới giữa các lĩnh vực Toán học.
Một mục tiêu chính của dự án là xây dựng được một nhóm nghiên cứu mạnh gồm các nhà toán học Việt Nam trong lĩnh vực Lý thuyết số, tạo ra ảnh hưởng xã hội và kinh tế lâu dài. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua dự án, có thể hình thành một cách nhanh chóng và bền vững một nhóm nghiên cứu của Việt Nam với trình độ cao và vị thế xứng đáng được sự công nhận của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Mục tiêu của dự án là xây dựng giải pháp ứng dụng học máy để trích xuất thông tin về cấu trúc phân tử với độ phân giải dưới femto giây từ phổ phát xạ điều hòa bậc cao và phổ nhiễu xạ electron, từ đó tái tạo các quá trình động lực học của phân tử trong thời gian thực. Trong dự án này chúng tôi nghiên cứu các quá trình hóa sinh phổ biến nhưng còn ít thông tin như sự phân ly và sự hoán chuyển tautomer giữa các base của DNA. Cần nhấn mạnh là các nghiên cứu hiện tại về tái tạo động lực học phân tử cực nhanh chủ yếu đang ở trạng thái chứng minh nguyên lý và chưa áp dụng cho các phân tử phức tạp. Khó khăn lớn nhất là khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các giải thuật tối ưu truyền thống không xử lý được. Do vậy, chúng tôi áp dụng học máy để xây dựng giải pháp tái tạo động lực học cho các quá trình hóa sinh này.
Những nội dung chính của dự án
- Mô phỏng dữ liệu HHG/LIED của phân tử phức tạp, trong đó có tính đến các hiệu ứng vĩ mô như phân bố định phương. Bộ dữ liệu này được mô phỏng cho mỗi vị trí trên đường phản ứng hóa học và được xem như là số liệu “thực nghiệm” dùng để kiểm chứng chương trình dựng phim. Khi sử dụng cho trường hợp cụ thể thì dữ liệu đầu vào là phổ HHG/LIED thu được từ thực nghiệm, khi không biết tham số động cấu trúc phân tử.
- Dùng giải thuật học máy xây dựng trong vấn đề III của nội dung trước để tách ra dữ liệu đơn phân tử (định phương lý tưởng) từ phổ HHG/LIED thực nghiệm (phân tử định phương không hoàn toàn).
- Từ đây sử dụng giải pháp từ vấn đề II của nội dung trước để tái tạo thông tin cấu trúc từ HHG/LIED của đơn phân tử. Các số liệu này thu được theo thời gian đo. Thời gian trên đường phản ứng hóa học là độ trễ giữa xung laser kích phân tử lên trạng thái kích thích và xung laser tạo ra ion hóa và dẫn đến HHG/LIED. Kết quả thu được là cấu hình phân tử tức thời trong quá trình phân ly hoặc đồng phân hóa.
- Từ tập hợp các số liệu trên, sử dụng chương trình để tạo phim là một quá trình động lực học. Các phép đo HHG/LIED có độ phân giải thời gian vài femto giây hay ngắn hơn phụ thuộc vào thông số laser kích trong thực nghiệm.
Tác động của dự án
- Nghiên cứu này là cầu nối giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng, cụ thể, cung cấp các giải pháp, phần mềm để các nhà thực nghiệm dựng được các đoạn phim phân tử mô tả quá trình phân ly và đồng phân của phân tử phức tạp với độ phân giải không gian và thời gian cao.
- Với tầm nhìn xa, các kết quả trong dự án góp phần vào xây dựng nền tảng cho việc chế tạo các kính hiển vi bốn chiều thế hệ mới, phục vụ nghiên cứu trong khoa học, đặc biệt trong vật lý, hóa học và sinh học.
- Dự án giúp đào tạo các nhà khoa học trẻ, tiếp cận nghiên cứu các vấn đề nghiên cứu thời sự trên thế giới. Dự án có sự tham gia của nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.
- Dự án này cũng sẽ giúp cho nhóm chúng tôi phát triển quan hệ với các nhóm nghiên cứu thực nghiệm ở các đại học tiên tiến, học hỏi các kỹ thuật và công nghệ mới.
Mục tiêu tổng thể của dự án là nghiên cứu phát triển vaccine cho cá tra nhằm phòng ngừa bệnh gan thận mủ gây ra bởi Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết gây ra bởi Aeromonas hydrophila sử dụng vector chuyển vaccine Bacillus subilis.
Những nội dung chính của dự án
Nội dung 1: Xác nhận các kháng nguyên tiềm năng từ A. hydrophila và E. ictaluri có thể được sử dụng để phát triển vaccine
Nội dung 2: Phân tích bộ gen, kháng nguyên tiềm năng, các gen độc tố từ các vi khuẩn gây bệnh cho cá tra
Nội dung 3: Xây dựng phương pháp để đo sự đáp ứng miễn dịch ở cá tra
Nội dung 4: Tạo các chủng B. subtilis biểu hiện kháng nguyên nhằm phát triển vaccine phòng bệnh gây ra bởi A. hydrophila
Nội dung 5: Tạo các chủng B. subtilis biểu hiện kháng nguyên nhằm phát triển vaccine phòng bệnh gây ra bởi E. ictaluri
Nội dung 6: Nghiên cứu tính sinh miễn dịch của các chủng vi khuẩn B. subtilis mang kháng nguyên riêng biệt
Nội dung 7: Nghiên cứu sự an toàn và tỷ lệ bảo hộ của vaccine ở trong phòng thí nghiệm.
Tác động của dự án
Việt Nam dẫn đầu trên thế giới về nuôi cá tra và kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỉ USD. Ước tính thị trường cho vaccine cá tra 700 – 1400 tỷ đồng/năm. Vi khuẩn quan trọng gây bệnh cho cá tra gồm: A. hydrophila gây bệnh xuất huyết và E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ. Giải pháp điều trị bệnh chính trong thời gian qua là sử dụng kháng sinh, nhưng việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản ở Việt Nam đã bị cấm sử dụng từ năm 2020. Vaccine là một trong nhưng giải pháp thay thế quan trọng để phòng ngừa bệnh, nhưng thị trường chưa có vaccine hiệu quả cho bệnh gây ra bởi A. hydrophila và E. ictaluri. Dự án hy vọng có thể tạo ra được vaccine góp phần duy trì việc phát triển ngành nuôi cá tra ở Việt Nam.
Dự án INNSA nhằm phát triển một nền tảng nông nghiệp Thông minh và Đổi mới sáng tạo cho chuỗi giá trị cà phê bền vững, với trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các yếu tố chính của chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam. Dự án được phát triển dựa trên nền tảng của chuyển đổi số và các công nghệ nông nghiệp thông minh: Thiết bị thông minh và Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ truy xuất nguồn gốc và chuỗi khối, Thiết kế & Sản xuất bền vững. Các công nghệ ấy nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tính bền vững, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Những nội dung chính của dự án
Nội dung 1: Điều tra, khảo sát thực tế và tổng quan tài liệu về chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cà phê ở Việt Nam
Nội dung 2: Phát triển hệ thống quản lý và cơ sở dữ liệu liên quan của nền tảng INNSA
Nội dung 3: Cài đặt gói IoT tại các trang trại cà phê và các không gian lưu trữ cà phê tiêu chuẩn
Nội dung 4: Phân tích, xứ lý dữ liệu lớn có ứng dụng AI cho nền tảng INNSA nhằm hỗ trợ chức năng quyết định vận hành canh tác, chăm sóc cây cà phê
Nội dung 5: Phát triển một số sản phẩm giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất cà phê
Nội dung 6: Tích hợp hệ thống dữ liệu và phát triển các ứng dụng của nền tảng INNSA
Nội dung 7: Phân tích, xứ lý dữ liệu lớn có ứng dụng AI cho nền tảng INNSA nhằm hỗ trợ chức năng dự báo mùa vụ, xu hướng thị trường cà phê
Nội dung 8: Quản lý chung dự án
Tác động của dự án
Động lực mạnh mẽ của dự án INNSA là mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam phát triển vượt bậc, được công nhận về giá trị, thương hiệu và tính bền vững, đóng góp trực tiếp vào tham vọng phát triển Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam nói chung cũng như nền nông nghiệp thông minh và bền vững nói riêng.
Dự án sẽ tạo ra nền tảng INNSA, một cơ sở hạ tầng trong không gian kinh tế số của nông nghiệp Việt Nam, bắt đầu từ cà phê và sau đó sẽ tích hợp dần các cây trồng và vật nuôi khác. Nền tảng INNSA sẽ có ít nhất 05 module/chức năng chính: 01 Module quản lý và số hoá cho chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng cà phê ở Việt Nam, 01 Module tích hợp hệ thống công nghệ truy xuất nguồn gốc, 01 Module ứng dụng trí truệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ chức năng quyết định vận hành canh tác, chăm sóc cây cà phê, 01 Cổng thông tin điện tử giới thiệu nền tảng INNSA, và 01 Sàn giao dịch trực tuyến các sản phẩm liên quan đến cà phê.
Bên cạnh đó, dự án còn tham gia đào tạo các nghiên cứu sinh, học viên cao học trong các lĩnh vực Công nghệ sinh học, Nông nghiệp và Công nghệ thông tin, cũng như công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín hạng Q1.
Tác động của dự án InnSA sẽ được đánh giá trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
– Ngắn hạn (6 tháng)
Nền tảng InnSA dựa trên Dữ liệu lớn sẽ cải thiện chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cà phê thông qua chuyển đổi số, tích hợp công nghệ cao và thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho tất cả các bên liên quan, những người sẽ được kết nối và trao đổi dữ liệu để cải thiện sinh kế và / hoặc kinh doanh của mình.
Kết quả dự kiến của dự án sẽ nhằm phát triển các gói IoT cho sản xuất cà phê tại các trang trại cà phê và bảo quản trong các cơ sở chế biến cà phê. Trong nông nghiệp dựa trên IoT, một hệ thống giải pháp được xây dựng để giám sát trang trại với sự hỗ trợ của các cảm biến (ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, đất, …) và hệ thống tưới tự động. Nông dân có thể theo dõi tình trạng vườn cà phê từ bất cứ đâu. Nông nghiệp thông minh dựa trên IoT như vậy rất hiệu quả so với các phương pháp truyền thống.
– Trung hạn (6 tháng – 2 năm)
Áp dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Dự án sẽ cung cấp đào tạo và tư vấn cho những người trồng cà phê, gia đình của họ tiếp cận với các công nghệ cao tiên tiến nhất, nhằm đạt được việc áp dụng Công nghệ thông tin và tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số mà họ cần sử dụng cho việc canh tác cà phê, cho giáo dục và cuộc sống hàng ngày.
Phát triển kinh doanh / Chuỗi giá trị: Thông qua các hoạt động và công cụ Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được phát triển trong các chương trình đào tạo, dự án tìm cách tác động tích cực đến quá trình và hoạt động kinh doanh và cải thiện chuỗi giá trị của người trồng cà phê thông qua sự hỗ trợ từ các công ty cà phê địa phương như Iced Coffee.
– Dài hạn (2 năm trở đi)
Khoảng 95% người trồng cà phê ở Việt Nam là nông dân sản xuất nhỏ, nhiều người trong số họ vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Trong bối cảnh ngành cà phê, biến đổi khí hậu và các hoạt động nông nghiệp không thông minh là một vài trong số những mối đe dọa chính mà những người nông dân đang phải đối mặt để cải thiện điều kiện sinh kế của họ.
Nền tảng InnSA, bao gồm các giải pháp IoT dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ AI được áp dụng trong chuỗi giá trị cà phê, tạo ra và hỗ trợ những người nông dân trồng cà phê đang tìm cách chuyển đổi và chứng minh rằng có thể sản xuất cà phê hữu cơ, công nghệ cao và bền vững 100%. Sáng kiến này được thực hiện trong hai lĩnh vực chiến lược chính: (i) cải tiến chuỗi giá trị và tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, và (ii) nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng chống chịu với những thay đổi của ngành nghề và môi trường sống. Các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo và thông minh là đặc điểm cơ bản của dự án và Nền tảng InnSA, và do đó, chúng tôi hy vọng rằng những khía cạnh này sẽ tác động sâu rộng vào quá trình chuyển đổi hơn nữa của ngành cà phê Việt Nam.
Sản xuất nhiên liệu sạch H2 từ năng lượng mặt trời và nước biển sử dụng Lá nhân tạo được xem là một công nghệ tiềm năng có thể cho phép giải quyết đồng thời bài toán tiêu thụ năng lượng ngày càng cao và hạn chế các tác động môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay. Một số công nghệ Lá nhân tạo đã được công bố, có thể đạt hiệu suất chuyển hóa ánh sáng-tạo-H2 đạt gần 30%, vượt xa mục tiêu 10% để có thể thương mại hóa. Tuy nhiên, các Lá nhân tạo hiện nay chưa đáp ứng được độ bền cần thiết: bị phá hủy trong vài chục giờ hoặc vài giờ làm việc trong khi để có thể ứng dụng trong công nghiệp tuổi thọ của chúng cần ít nhất 5 năm.
Do đó, dự án PRE-H2 đặt mục tiêu nghiên cứu cơ chế phá hủy của các thành phần cấu thành Lá nhân tạo (vật liệu xúc tác, quang xúc tác cho các phản ứng khử proton tạo H2 và oxi hóa nước) trong điều kiện làm việc thực sử dụng các phương pháp phân tích Điện hóa – Quang phổ thời gian thực. Từ các hiểu biết cơ chế thu được, xây dựng các phương án bảo vệ vật liệu xúc tác, quang xúc tác nhằm kéo dài tuổi thọ làm việc của Lá nhân tạo.
Dự án PRE-H2 được hi vọng sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng để nhóm nghiên cứu Hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng (CECS) tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) hướng tới việc chế tạo và thử nghiệm Prototype Lá nhân tạo kích thước lớn.
Những nội dung chính của dự án
(i) Xây dựng phương pháp ăn mòn phá hủy tăng cường cho phép nhanh chóng xác định vật liệu xúc tác, quang xúc tác phù hợp nhất cho chế tạo Lá nhân tạo trong công nghiệp;
(ii) Nghiên cứu cơ chế phá hủy của các vật liệu xúc tác và quang xúc tác tiềm năng nhất trong quá trình làm việc, sử dụng kết hợp phân tích điện hóa và các phân tích quang phổ Raman, UV-Vis hay phân tích vi cân thạch anh (EQCM);
(iii) Thử nghiệm các biện pháp bảo vệ vật liệu xúc tác, quang xúc tác nhằm kéo dài tuổi thọ làm việc của chúng; (
(iv) Chế tạo Lá nhân tạo hoàn chỉnh sử dụng các vật liệu xúc tác, quang xúc tác tốt nhất và nghiên cứu cơ chế làm việc của Lá nhân tạo.
Tác động của dự án
Dự án được hi vọng sẽ đóng góp những hiểu biết nền tảng về cơ chế, nguyên nhân bị ăn mòn phá hủy của Lá nhân tạo và các thành phần cấu thành của nó, qua đó góp phần thúc đẩy nhanh hơn hoạt động nghiên cứu & phát triển hướng tới công nghệ Lá nhân tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất nhiên liệu H2 trong công nghiệp.
Dự án sẽ góp phần xây dựng một tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực năng lượng H2 tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Thông qua dự án, các nhà nghiên cứu trẻ (Postdoc, NCS) cũng sẽ được đào tạo, góp phần phát triển cộng đồng nghiên cứu Vật liệu tích trữ và chuyển hóa năng lượng tại Việt Nam.
Dự án đề xuất, thiết kế, đánh giá, và triển khai thử nghiệm VAIPE, một hệ thống thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và mạng Internet vạn vật, giúp người dùng thu thập, quản lý các dữ liệu liên quan tới sức khoẻ, và hỗ trợ người dùng trong việc chăm sóc sức khỏe cá nhân. VAIPE gồm hai thành phần chính: một ứng dụng tương tác trực tiếp với người dùng (được gọi là ứng dụng VAIPE), và một hệ thống xử lý dữ liệu hoạt động trên các máy chủ (được gọi là máy chủ VAIPE).
Những nội dung chính của dự án
Ứng dụng VAIPE là một phần mềm chạy trên các nền tảng điện thoại thông minh, cung cấp cho người dùng một giao diện thống nhất, giúp thu thập tất cả các thông tin liên quan tới sức khoẻ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ảnh chụp các văn bản như đơn thuốc, sổ y bạ; ảnh chụp các vật thể như viên/lọ thuốc, biểu đồ nhịp tim; các tín hiệu số thu được từ các thiết bị IoT. Bên cạnh đó, ứng dụng VAIPE cung cấp giao diện trực quan hoá các kết quả phân tích dữ liệu, các dự đoán về tình trạng sức khoẻ của người dùng. Ứng dụng VAIPE được trang bị nhiều chức năng thông minh hỗ trợ người dùng trong chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh như: tự động nhắc lịch uống thuốc; nhận diện thuốc và nhắc nhở việc uống thuốc sai đơn, cảnh báo nguy cơ bệnh tật ở giai đoạn sớm.
Tác động của dự án
Dự án này có ảnh hưởng lớn ở nhiều khía cạnh, bao gồm lý thuyết, thực tiễn và giáo dục. Trước hết, dự án sẽ thúc đẩy các bài toán lý thuyết liên quan và đạt được nhiều kết quả nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn trong nhiều lĩnh vực như: học máy, khai phá dữ liệu, công nghệ chuỗi khối, tối ưu hoá. Về mặt thực tiễn, hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam, một quốc gia đang phát triển có nhu cầu cấp thiết về việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mọi người sẽ được trao quyền dễ dàng quản lý và chia sẻ dữ liệu sức khỏe của chính họ, lời khuyên hữu ích và cảnh báo về nguy cơ bệnh tật, tất cả đều được thực hiện với sự tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Bằng cách thu hút sinh viên ở cả cấp đại học và sau đại học, dự án cũng sẽ có tác động đáng kể đến việc giáo dục và đào tạo thế hệ kỹ sư và nhà khoa học tiếp theo.
Dự án hướng tới thiết kế thiết bị theo dõi điện tim thai nhi tại nhà với công nghệ cảm biến không tiếp xúc, đảm bảo sự an toàn, dễ sử dụng nhưng vẫn đạt được độ tin cậy cao trong thu nhận và xử lý tín hiệu điện tim thai nhi phục vụ chẩn đoán lâm sàng. Đồng thời, dự án ứng dụng công nghệ IoT để xây dựng một hệ sinh thái kết nối các bác sĩ sản nhi và các bà mẹ mang thai, lưu trữ và cung cấp dữ liệu điện tim thai nhi cho các bác sĩ phục vụ chẩn đoán cũng như các dịch vụ tạo kênh kết nối giữa các bác sĩ và bà mẹ cho thăm khám định kỳ và thông báo các trường hợp nguy cấp kịp thời.
Những nội dung chính của dự án
Dự án có 3 nội dung chính gồm:
(1) Phát triển thiết bị thu tín hiệu điện tim thai nhi với công nghệ cảm biến không tiếp xúc.
(2) Phát triển hệ thống thông tin điện tim mẹ/con bao gồm ứng dụng điện thoại thông minh cho bệnh nhân và bác sỹ, máy chủ đám mây quản lý dữ liệu, phần mềm xử lý tín hiệu.
(3) Thử nghiệm hệ thống trên 200 bà mẹ mang thai.
Tác động của dự án
Các dị tật bẩm sinh về tim cho đến hiện nay là một trong những dị tật phổ biến nhất trong thai nhi và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỉ lệ tử vong trong và sau sinh. Tỉ lệ dị tật tim mạch càng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực chuyên môn để có thể thực hiện đánh giá thai nhi định kì hiệu quả và liền mạch, với hiện tượng quá tải thăm khám luôn xảy ra tại các bệnh viện tuyến trung ương. Tại các vùng nông thôn hay vùng xa xôi, sự thăm khám thai nhi định kỳ thậm chí ít hoặc không được thực hiện. Ngoài ra, việc phải đến các trung tâm y tế để thăm khám thai nhi định kỳ đã gặp nhiều cản trở trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi các yêu cầu tiếp xúc và giãn cách xã hội được thực hiện. Do vậy, dự án này với mục tiêu hướng đến theo dõi tim thai nhi tại nhà và cung cấp một hệ sinh thái kết nối bác sĩ-bà mẹ sẽ giúp giải quyết các khó khăn nêu trên một cách triệt để, từ đó nâng cao sức khỏe các bà mẹ và thai nhi, giảm thiểu đáng kể các ca dị tật về tim mạch và tỷ lệ tử vong trong và sau sinh.
Mục tiêu của dự án
Mục tiêu chung: Phát triển được thuốc phòng và/hoặc hỗ trợ điều trị đột quỵ từ nấm dược liệu Cordyceps militaris.
Mục tiêu cụ thể:
(i) Xác định được cơ chế phân tử của hiện tượng thoái hóa giống của nấm C.
militaris nhằm tăng hiệu suất kinh tế của quy trình trồng nấm C.militaris
(ii) Xác định được cơ chế điều khiển sinh tổng hợp hoạt chất cordycepin của nấm C. militaris nhằm tăng sản lượng cordycepin.
(iii) Đánh giá được tác dụng dược lý và cơ chế tác dụng của cordycepin trong điều trị bệnh đột quỵ nhồi máu (ischemic stroke) trên động vật thực nghiệm nhằm tạo tiền để cho những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
Tác động của dự án
Những hiểu biết về cơ chế phân tử của quá trình thoái hóa ở C. militaris sẽ là thông tin khoa học hữu ích góp phần làm sáng tỏ cơ chế lão hóa của sinh giới.
Những hoạt chất tự nhiên như cordycepin có nhiều ứng dụng tiềm năng trong cải thiện sức khỏe con người. Tuy nhiên, hàm lượng hoạt chất này thu được trong tự nhiên rất thấp do các gen mã hóa cho các enzyme tổng hợp chúng thường bị ức chế. Vì vậy, việc tìm hiểu cơ chế điều khiển sinh tổng hợp cordycepin sẽ góp phần mở rộng kiến thức khoa học về quá trình sinh tổng hợp các hợp chất tự nhiên.
Việc đánh giá tác dụng dược lý của cordycepin trong điều trị đột quỵ và cơ chế tác dụng của nó sẽ mở ra một hướng tiếp cận mới trong kiếm soát bệnh đột quỵ, giúp giảm gánh nặng kinh tế xã hội do đột quỵ gây ra.
Như vậy có thể thấy ngoài những đóng góp về mặt khoa học, sự thành công của dự án sẽ góp phần tăng năng suất sinh khối C. militaris và hàm lượng hoạt chất cordycepin, giúp hạ giá thành sản phẩm và tăng lượng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, gánh nặng về kinh tế – xã hội do các bệnh mãn tính gây ra cũng có thể được cải thiện nhờ việc sử dụng thường xuyên C. militaris hoặc/và cordycepin. Do đó, việc thúc đẩy ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến C.militaris là hướng phát triển kinh tế tiềm năng và bền vững.