Sự tăng lên nhanh chóng về số lượng và dung lượng của các ứng dụng băng rộng như video chất lượng cao, 5G, điện toán đám mây (cloud computing) và Big Data, đặt ra những yêu cầu rất lớn về dung lượng và độ linh hoạt trên khắp hạ tầng mạng thông tin ngày nay vốn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ truyền dẫn sợi quang. Chính vì vậy, làm thế nào để xây dựng một mạng thông tin quang thông minh có khả năng truyền tải dung lượng dữ liệu cực lớn được tạo ra liên tục với độ trễ thấp, khả năng thích nghi và độ an toàn thông tin cao trở thành thách thức mang tính toàn cầu.
Dự án Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn (I-OCOM: Intelligent Optical Communications for Extremely Big Data Networks) nghiên cứu và kết hợp khéo léo các kỹ thuật machine learning và xử lý tín hiệu số nhằm phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có cấu hình đơn giản, hiệu năng cao, có khả năng thích nghi và linh hoạt cho các mạng dữ liệu cực lớn, lưu lượng dữ liệu động nhiều Terabit (1012 bit) trên giây. Đây sẽ là hệ thống thông tin quang thông minh đầu tiên trên thế giới có khả năng: 1) Tự phát hiện và khắc phục các yếu tố làm suy giảm chất lượng hệ thống như các loại méo tín hiệu tuyến tính và phi tuyến mà không cần đo đạc trạng thái kênh; 2) Thích nghi với các điều kiện kênh truyền động trong mạng dữ liệu cực lớn bằng việc lựa chọn và nhận dạng các thông số kênh truyền phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống; 3) Giám sát và điều khiển thời gian thực các thông số kênh truyền và mạng để dự đoán lỗi mạng, tắc nghẽn, giám sát và điều khiển mạng.
Dự án I-OCOM được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu công nghệ mạng thông tin và truyền thông của Đại học Đà Nẵng, do PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng làm chủ nhiệm.