Vingroup dành 92 tỷ đồng tài trợ các dự án khoa học – công nghệ

(Báo Vietnamnet.vn) Ngày 9/12/2021, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) công bố tài trợ 92 tỷ đồng cho 20 dự án Khoa học – Công nghệ có những giá trị thực tiễn với cộng đồng, nâng tổng giá trị tài trợ trong 3 năm qua lên 445 tỷ đồng.

Đây là chương trình phi lợi nhuận của Tập đoàn Vingroup, nhằm mục tiêu thay đổi môi trường nghiên cứu và góp phần tạo bệ phóng đưa khoa học Việt vươn tầm quốc tế.

Đích đến là sản phẩm ứng dụng thực tế

Năm nay, Quỹ VINIF tiếp nhận tổng cộng 211 dự án đề xuất, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hội đồng khoa học cũng tăng gấp ba lần với 180 chuyên gia trong và ngoài nước.

Để được nhận tài trợ, các dự án đều phải đáp ứng được bộ năm tiêu chí của VINIF, bao gồm: mức độ cần thiết của đề tài; năng lực nghiên cứu của tác giả, cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; tác động tới kinh tế – xã hội; tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị khoa học – công nghệ của sản phẩm, dịch vụ. Chương trình ưu tiên những chủ nhiệm dự án là nhà khoa học (có bằng tiến sĩ) sở hữu kinh nghiệm nghiên cứu dày dặn và thành tựu học thuật nổi bật.

Sau quá trình thẩm định khắt khe và minh bạch, 20 dự án nổi bật nhất năm 2021 đã được xét duyệt tài trợ với tổng giá trị lên tới 92 tỷ đồng. Các dự án trên đến từ nhiều lĩnh vực từ Y sinh – Y dược – Vật lý – Vật liệu đến Toán học – Công nghệ thông tin – Khoa học máy tính…

Vingroup dành 92 tỷ đồng tài trợ các dự án khoa học - công nghệ

Điểm chung của các dự án là nghiên cứu khoa học mũi nhọn hoặc có định hướng ứng dụng, cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đại, cũng như mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Một số dự án tiêu biểu bao gồm: Chế tạo linh kiện quang điện hóa cho sản xuất nhiên liệu H2 từ nước, nhằm giải quyết bài toán năng lượng sạch và phát triển bền vững, hay Hệ thống internet vạn vật theo dõi điện tim thai nhi với cảm biến không tiếp xúc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe thai nhi và bà mẹ ngay tại nhà với chi phí thấp.  

Bên cạnh nguồn lực tài chính, VINIF sẽ đồng hành cùng đội ngũ thực hiện dự án tiếp cận các nguồn lực khoa học, kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn. Kết quả nghiên cứu cũng sẽ được VINIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai ứng dụng vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn. Đây là cách làm được các nhà khoa học đánh giá là toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Vingroup dành 92 tỷ đồng tài trợ các dự án khoa học - công nghệ

Phát biểu tại sự kiện trao tài trợ, GS.Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học quỹ VINIF và VinBigData, Tập đoàn Vingroup, nhấn mạnh: “Đích đến cuối cùng của nghiên cứu khoa học phải là tạo ra được những nhà khoa học có tư duy lành mạnh và tác phong làm việc chuyên nghiệp, những sản phẩm ứng dụng có ý nghĩa thực tế, giúp nâng cao tầm hiểu biết và chất lượng cuộc sống của người Việt và khẳng định tầm vóc trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Muốn làm được như vậy, nhà khoa học không thể đứng độc lập một mình mà cần sự chung tay của cả cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp tư nhân. Những nỗ lực dài hạn của VINIF trong việc hỗ trợ nguồn lực phát triển dự án khoa học – công nghệ là nhằm mục tiêu đó”.

Kỳ vọng thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu

Chương trình Tài trợ Dự án Khoa học – Công nghệ VINIF được triển khai từ năm 2019 nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học phát huy khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, từ đó, xây dựng những công trình khoa học và giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Đến nay, VINIF đã tài trợ cho 83 dự án khoa học, tổng kinh phí trên 445 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều dự án đã cho ra kết quả thực tiễn, với 163 sản phẩm dạng hệ thống, thiết bị; 159 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu; cũng như xuất bản 143 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 và hội thảo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, với sự đồng hành của VINIF, 34 nghiên cứu đã được cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế.

Vingroup dành 92 tỷ đồng tài trợ các dự án khoa học - công nghệ

GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trong bối cảnh tự chủ đại học và nguồn ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ cùng với các thủ tục hành chính còn hạn chế thì việc tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào việc thúc đẩy khoa học công nghệ quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này. Tôi đánh giá cao việc ra đời của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam”.

Với tư duy tài trợ đột phá, thông qua việc thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu – ứng dụng, VINIF kỳ vọng góp phần gắn kết mạng lưới nhà khoa học – viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, hướng tới từng bước thay đổi môi trường và tác phong nghiên cứu tại Việt Nam.

Bên cạnh Tài trợ Dự án Khoa học – Công nghệ, VINIF còn triển khai 6 chương trình thường niên khác, bao gồm học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ và sau Tiến sĩ; Hợp tác, tài trợ sự kiện khoa học; Tài trợ khóa học ngắn hạn và giáo sư thỉnh giảng; Tài trợ và hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu và Lưu giữ các giá trị Văn hoá, Lịch sử.

Bài viết trên Báo Vietnamnet.vn

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Tọa đàm “Toán– Học thế nào và làm việc ở đâu?”

(truyenthongkhoahoc.vn) Ngày 20/3, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn

Dự án của PGS.TSKH. Huỳnh Văn Ngãi vừa nghiệm thu thành công

Dự án “Một số hướng mới của Giải tích điều hòa, Tối ưu và Điều khiển