Giới khoa học Việt ‘tuyên chiến’ với đại dịch COVID-19

Với phương châm luôn chung tay trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt tay, triển khai nhiều dự án cấp bách nhằm đẩy lùi COVID-19, dịch bệnh nguy hiểm nhất với nhân loại trong nhiều thập kỷ trở lại đây.  

Nhiệm vụ cấp bách

Tết năm nay có lẽ là cái Tết đặc biệt nhất với 300 cán bộ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (VSDTTW). Ngày 27, 28 Tết khi tất cả mọi hoạt động trên cả nước bắt đầu dừng lại cho kỳ nghỉ Tết thì toàn bộ nhân sự của Viện lại khởi động một quy trình khẩn cấp khi bệnh viêm phổi do chủng mới virus corona gây ra bắt đầu có những diễn biến khó lường tại Trung Quốc.

“Cường độ làm việc dịp Tết ở Viện thậm chí còn khẩn trương, vất vả hơn ngày thường vì đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, chúng ta lại ở sát với Trung Quốc”, GS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện VSDTTW, chia sẻ khi nhắc lại những ngày khuôn viên số 1 phố Yersin (Hà Nội) đêm nào cũng sáng đèn trong dịp Tết vừa qua. 

Công sức đã được đền đáp khi thành quả của các nhà khoa học Viện VSDTTW đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới phân lập thành công chủng virus corona mới, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về chủng virus mới với tốc độ lây lan chóng mặt và gây ra nhiều ca tử vong như COVID-19. Viện VSDTTW tiếp tục triển khai nghiên cứu ở quy mô toàn quốc với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học từ Bắc vào Nam, nhận diện đầy đủ về chủng virus corona đang gieo rắc nỗi sợ hãi toàn cầu.

“Nếu trong chiến đấu biết địch biết ta sẽ trăm trận trăm thắng thì trong phòng dịch, tất cả các bên đều cần thông tin dịch tễ học về virus. Cả thế giới đều cần thông tin này chứ không chỉ riêng Việt Nam”, GS. Đặng Đức Anh nói về mục đích của nghiên cứu.

Trong khi đó, tại một góc khác của khuôn viên số 1 Yersin, 2 cán bộ của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế, gấp rút chuẩn bị lên đường sang Anh ngay khi kỳ nghỉ Tết còn chưa kết thúc. Họ là thành viên của dự án đột xuất nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng virus corona theo công nghệ mới.

GS. Lê Thị Thu Hương (Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y HN) cho biết: “Từng nếm trải nhiều gian nan trong việc xin ngân sách phục vụ nghiên cứu, bà đã thực sự bị sốc khi nhận được tài trợ của Vingroup”.

“Để rút ngắn thời gian chế tạo vắc xin, chúng tôi tiến hành một số công đoạn nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của đối tác ở Anh vì ở đó có thể đáp ứng được các yêu cầu về vật liệu và cơ sở vật chất”, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech, tiết lộ.

Cũng theo TS. Đạt, việc tự nghiên cứu, sản xuất vắc xin giúp chúng ta chủ động về nguồn cung, nhất là để phòng ngừa hay chấm dứt một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đặc biệt nghiêm trọng như COVID-19.

“Nếu dự án lần này thành công thì sẽ là nền tảng để phát triển các vắc xin phòng đại dịch sau này chứ không chỉ riêng phòng coronavirus”, TS. Đạt khẳng định.

Vị tiến sĩ mà tên tuổi gắn với nhiều dự án phát triển vắc xin đã tạo tiếng vang cho Việt Nam cũng cho rằng, dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng đây cũng là cơ hội quý báu để khẳng định năng lực nghiên cứu, vị thế của khoa học nói chung và y tế dự phòng Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Vabiotech, GS.TS.Lê Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội, lại trăn trở làm sao có thể cảnh báo sớm đồng thời xây dựng được kế hoạch đáp ứng khẩn cấp với những dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19.

“Viện chúng tôi đang triển khai xây dựng mô hình để dự báo dịch dựa trên các dữ liệu đầu vào như báo cáo về các ca bệnh, tình hình giao lưu, đi lại của người dân, điều kiện môi trường… giống cách các nhà khí tượng dự báo thời tiết, đồng thời ước tính các nguồn lực cần thiết để ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra”, GS. Hương giải thích.

Sốc vì… được tài trợ khẩn cấp

Ba dự án mà Viện VSDTTW, Công ty Vabiotech và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng vừa triển khai nằm trong chương trình tài trợ khẩn cấp trị giá 20 tỷ đồng của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF (thuộc Tập đoàn Vingroup) nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chia sẻ về quá trình “thần tốc” 10 ngày xây dựng dự án, từ viết thuyết minh, thông qua hội đồng xét duyệt và ký kết hợp đồng triển khai, TS. Đỗ Tuấn Đạt thừa nhận điều này chưa hề có trong bất kỳ đề xuất nghiên cứu nào của Công ty từ trước đến nay. Thậm chí, rất nhiều cuộc trao đổi giữa nhóm nghiên cứu và Ban điều hành Quỹ VinIF diễn ra lúc nửa đêm.

“Trong điều kiện dịch bệnh thì các nghiên cứu ứng phó được xem là nhiệm vụ khẩn cấp, mà muốn làm nhanh, có kết quả sớm thì phải có kinh phí lớn và ngay lập tức. Đây là điều khó thực hiện nếu dùng ngân sách theo quy trình truyền thống”, TS. Đạt bộc bạch.

Tập đoàn Vingroup đã chung tay cùng các nhà khoa học Việt với số tiền 20 tỷ đồng để tài trợ khẩn cấp nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, từng nếm trải nhiều gian nan trong việc xin ngân sách phục vụ nghiên cứu, GS. Lê Thị Thu Hương cho biết bà đã thực sự bị sốc khi nhận được tài trợ của VinIF – một quỹ của doanh nghiệp tư nhân.

“Vingroup phản ứng với các hiện tượng xã hội quá nhanh. Không chỉ kịp thời định hướng để các nhà khoa học xây dựng đề tài nghiên cứu, Tập đoàn còn rất chủ động và hào phóng trong việc tài trợ cho các nghiên cứu này”, GS. Hương xúc động chia sẻ.

PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học), Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF cho biết, với vai trò là tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam, trước diễn biến phức tạp và nguy cấp của dịch COVID-19, VinIF mong muốn tìm được đúng các nhóm nghiên cứu xuất sắc đang nỗ lực hoạt động để có thể tiếp sức cho các nhà khoa học trong việc ứng phó với dịch bệnh.

“Tài trợ cho nghiên cứu, đặc biệt là các dự án khẩn cấp phục vụ cộng đồng là điều bình thường trên thế giới – các doanh nghiệp coi đóng góp cho xã hội là trách nhiệm của mình. VinIF muốn khởi đầu, tạo tiền đề để nhiều doanh nghiệp khác cùng bước với chúng tôi”, PGS. Dương nói. 

MAI ANH – Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

Dự án VAIPE ký kết hợp tác cũng FPT Long Châu

Dự án VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ thông minh