Quỹ VinIF muốn thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học tại Việt Nam

Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc VinIF cho rằng, nghiên cứu khoa học là nền tảng phát triển công nghệ tại các quốc gia song Việt Nam chưa thật sự phát huy hiệu quả.

– Dự án của Quỹ từ lúc xét duyệt đến lúc giải ngân chỉ vẻn vẹn 6 tháng. Theo ông điều gì làm nên hành trình “thần tốc”này?

– Quỹ VinIF đã tài trợ 20 dự án khoa học và công nghệ sau một thời gian ngắn thành lập. Quỹ lựa chọn dự án theo tiêu chí là phải mới và có tính nghiên cứu cơ bản, đồng thời có định hướng ứng dụng. Kết quả đầu ra của dự án cần được công bố trên ấn phẩm của các tạp chí uy tín và quan trọng hơn là phải có khả năng ứng dụng vào công nghệ, công nghiệp của Việt Nam. Ngoài ra, chủ nhiệm dự án phải trả lời được câu hỏi về định hướng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như sau 2-5 năm sẽ tiến hành bước tiếp theo nào, đòi hỏi chủ nhiệm dự án phải có tầm nhìn xa, chứ không chỉ nghĩ tới việc làm dự án, báo cáo xong kết quả là dừng lại.

Bên cạnh đó, VinIF coi trọng và đặt chất lượng của dự án lên hàng đầu. Chúng tôi xét chọn theo 3 vòng. Vòng đầu tiên được thực hiện với sự tham gia chấm điểm của chuyên gia từ viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước. Sau đó, chúng tôi mời 40 nhà khoa học nước ngoài từ các trường nổi tiếng trên thế giới đến thẩm định. Mỗi dự án qua các vòng đều có ít nhất 3 người thẩm định. Đến vòng cuối, tất cả các chủ nhiệm dự án cần thuyết trình bảo vệ trước hội đồng do Viện (Big Data) thành lập.

– Ông đánh giá thế nào về các dự án gửi xét duyệt nhưng không được chọn để nhận tài trợ? 

– Với những dự án chưa nhận được tài trợ năm nay, VinIF khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiếp tục tham gia vào năm sau, đặc biệt là các dự án đã lọt vào vòng cuối cùng. Đây là những dự án rất chất lượng, tiệm cận 20 dự án được chọn. Tất nhiên, các dự án này sẽ phải cập nhật thêm những giá trị mới, tính sáng tạo cho phù hợp với sự phát triển rất nhanh của khoa học, nhất là trong lĩnh vực dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

– Các cam kết của VinIF với những người nhận khoản tài trợ là gì?

– Quỹ trao trách nhiệm chủ động thực hiện chương trình cho các chủ nhiệm dự án. Bên cạnh đó, đội ngũ cố vấn dự án do Quỹ tuyển chọn sẽ hỗ trợ, cố vấn cho các đơn vị theo chu kỳ nhất định. Sau khoảng 1/3 thời gian thực hiện dự án, VinIF sẽ tiến hành đánh giá, kiểm tra tiến độ.

Đầu ra của dự án sau khi nghiệm thu sẽ được bàn giao cho viện, trường và các nhà khoa học. Các nhà nghiên cứu hoàn toàn sở hữu các sản phẩm trí tuệ của mình.

– Là nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu ở nước ngoài, ông đánh giá mô hình Quỹ VinIF ra sao?

– Quỹ mới hoạt động năm đầu tiên, thậm chí không có thời gian chạy đà, trong khi các quỹ tương tự ở trong nước hay trên thế giới thường có thời gian chuẩn bị từ một đến hai năm. Bởi vậy, sẽ có những vấn đề chúng tôi cần tối ưu. Nhưng xét một số điểm mấu chốt, mô hình của VinIF có ưu điểm hơn các quỹ trước.

Tôi ví dụ, Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), một trong những quỹ lớn của Mỹ và thế giới, chỉ xét duyệt 1 vòng. Quỹ này yêu cầu nộp dự án từ tháng 10, tới tháng 12, hội đồng sẽ mời các chuyên gia tới đọc một lượt, chấm điểm rồi quyết định trong một vòng xét duy nhất. Trong khi ấy, ngoài hai vòng chấm điểm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, VINIF có thêm phần thuyết trình bảo vệ dự án của các chủ nhiệm dự án trước hội đồng. Người làm dự án sẽ có cơ hội thể hiện trực tiếp ý tưởng để hội đồng hiểu và đánh giá sát thực tế hơn.

Ngoài ra, ngân sách tài trợ nghiên cứu của Quỹ đến từ tập đoàn tư nhân nên giảm thiểu được nhiều thủ tục, giấy tờ. Mức hỗ trợ về tài chính nếu tính theo tháng lương của nhà nghiên cứu thì cao hơn mức ở Mỹ rất nhiều. VinIF hiểu lương cứng của các nhà khoa học Việt Nam không cao. Một số người phải làm nhiều việc khác để tăng thu nhập. Chúng tôi để mức tài trợ của quỹ cao hơn mức lương cứng nhiều lần, đảm bảo một cuộc sống tương đối thoải mái trong thời gian làm dự án, giúp các nhà khoa học có điều kiện tập trung toàn lực vào nghiên cứu.

– Một quỹ đầu tư từ một doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp ích gì cho cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt, thưa ông?

– VinIF là quỹ tư nhân lớn nhất ra đời ở Việt Nam về tài trợ khoa học và công nghệ. Ở nước ngoài, việc một doanh nghiệp tư nhân tài trợ trực tiếp vào các trường đại học hoặc lập ra quỹ tài trợ khoa học tương tự như VinIF là chuyện khá phổ biến. Chưa kể tại nhiều trường đại học, nhiều đơn vị tư nhân mời các giáo sư hoặc đầu tư phòng thí nghiệm.

Tôi nghĩ rằng đó là cách họ hoàn lại một phần cho xã hội và cũng là một cách đầu tư vững chắc nhất cho tương lai. Nhưng ở nước ta vẫn chưa có văn hóa này. Sự liên kết giữa các doanh nhân hay các tập đoàn lớn với các nhà nghiên cứu hầu như chưa tồn tại. Sự kết nối nếu có thường chỉ ở mức đặt hàng, tức là doanh nghiệp cần gì thì đặt nhà nghiên cứu làm rồi trả tiền. Vì vậy, chúng tôi hy vọng trong tương lai cách làm này sẽ thay đổi và sẽ xuất hiện thêm những quỹ hay chương trình tài trợ tương tự như VinIF.

– Trên cương vị giám đốc VinIF ông mong muốn điều gì ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Việt Nam?

– Điều chúng tôi muốn không chỉ là hỗ trợ cho một số dự án cụ thể, mà quan trọng hơn là xây dựng văn hóa, tác phong nghiên cứu mới, từ chuyện xét duyệt đến giải ngân, cho đến tính hiệu quả và chuyên nghiệp của các công trình. VinIF cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà nghiên cứu chuyên tâm vào dự án, khích lệ họ làm những điều mà trước đây họ không có điều kiện thực hiện. Chúng tôi có cơ sở để hy vọng vào những đột phá mà họ mang tới, sẽ tạo ra môi trường, tác phong chuyên nghiệp, lan toả tâm huyết tới các nghiên cứu viên trẻ và sinh viên cùng tham gia, tạo ra sự khác biệt, đổi mới cho văn hóa nghiên cứu của Việt Nam trong tương lai gần.

Minh Chi – VnExpress

Tags:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin

Có thể bạn quan tâm

VINIF – Cơ chế chặt chẽ và linh hoạt

Là một quỹ tư nhân mới ra đời, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã

Những dấu mốc ấn tượng của VinBigdata trên hành trình 03 năm

Ngày 21/8/2018, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigdata) được thành lập, với sứ mệnh