Giải pháp công nghệ hàn nối kim loại tấm mỏng và siêu mỏng cho các ngành sản xuất công nghệ cao
Dự án khoa học công nghệ mang tính ứng dụng được Quỹ VINIF tài trợ “Nghiên cứu phát triển công nghệ hàn mới, thiết kế chế tạo hệ thống hàn tự động ứng dụng hàn nối các tấm mỏng và siêu mỏng vật liệu đồng chất hoặc không đồng chất trong các ngành sản xuất mũi nhọn” do TS. Ngô Hữu Mạnh chủ nhiệm, Trường Đại học Sao Đỏ chủ trì đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu thành công.
Các tấm kim loại mỏng và siêu mỏng với chiều dày 0,02-2,0 mm được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp sản xuất kỹ thuật cao: chip-bán dẫn, thiết bị y tế, chế tạo pin, chế tạo linh kiện điện tử, đóng gói, đồ hộp thực phẩm, sản xuất các cuộn thép, và là thị trường có giá trị kinh tế cực lớn.
Dự án đã cải tiến công nghệ stamping hiện nay vốn tiêu tốn nhiều thời gian, lãng phí vật liệu, thông qua cách hàn nối các cuộn vật liệu trong dây chuyền đột dập khi đang hoạt động ổn định. Dự án đã nghiên cứu và phát triển các công nghệ hàn mới để tối ưu hóa quy trình này. Công nghệ hàn mới có khả năng duy trì hồ quang ở các dòng hàn khác nhau đã hàn giáp mối thành công các tấm mỏng từ 0,02mm đến 2,0 mm và dày hơn nữa với chất lượng ổn định.
Quá trình kiểm tra thử nghiệm đã vượt qua các yêu cầu về độ bền mối hàn trong các dây chuyền đột dập và đang bắt đầu được các doanh nghiệp tin tưởng dùng thử: Nhà máy Toyota – Nhật Bản, Nhà máy Tesla Thượng Hải – Trung Quốc, Tập đoàn TE Connectivity – Mỹ, Tập đoàn Foxconn – Đài Loan, Tập đoàn Samsung – Hàn Quốc.
Dự án đã đạt được một số kết quả quan trọng:
01 hệ thống hàn nối kim loại tấm mỏng và siêu mỏng tự động;
01 chương trình điều khiển hệ thống hàn;
01 phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu hàn;
01 chấp nhận đăng ký sáng chế trong nước của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam;
01 chấp nhận đơn đăng ký sáng chế quốc tế PCT của WIPO;
03 bài báo đăng trên các tạp chí Q1 – ISI;
04 báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế tại Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ;
Hỗ trợ đào tạo 01 nghiên cứu sinh và 02 học viên cao học.
Dự án đã quyết định thương mại hóa công nghệ và giải pháp thông qua Công ty Dreamweldtech, hướng đến nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất hàng loại các robot hàn thế hệ mới nhất phục vụ cho các ngành công nghiệp để hàn nối các cuộn vật liệu có chiều dày mỏng và siêu mỏng. Công ty Dreamweldtech thể hiện mơ ước và niềm khao khát về một công nghệ hàn mới để giải quyết thách thức khó khăn nhất trong quá trình hàn nối kim loại tấm rất mỏng và siêu mỏng.
Nhóm Dự án cũng đã may mắn nhận được sự đầu tư hàng triệu USD của các nhà đầu tư thiên thần từ Việt Nam, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Ngoài ra, công ty Dreamweldtech cũng thu hút sự quan tâm một số quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín tại Hoa Kỳ trong vòng gọi vốn tiếp theo.
Xin chúc mừng Dự án đã nghiệm thu thành công và tiến những bước vững chắc trên con đường thương mại hóa các sản phẩm KHCN tại Việt Nam. Xem thêm thông tin về start-up của Dự án tại https://www.dreamweldtech.com/