Sáng ngày 24/8/2023, tại Hội trường Hoàng Tụy, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra sự kiện “Các bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững”. Sự kiện được Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO – VAST, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững của UNESCO, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại biểu và khách mời, với đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu viên trẻ trong cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội, lãnh đạo Viện Toán học, Viện Khoa học và Công nghệ Vật liệu, đại diện lãnh đạo và cựu lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
️ Phát biểu tại sự kiện, Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương, Phó giám đốc Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO – VAST, Giám đốc Điều hành Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF chia sẻ: “Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Các mục tiêu chính này được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu chính cùng 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm hưởng ứng tinh thần đầy nhân văn đó, đồng thời để phổ biến các kiến thức có giá trị đến xã hội, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO – VAST, Viện Toán học và Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa và sức lan tỏa rộng, như sự kiện bài giảng đại chúng “Toán học trong nghiên cứu Khí hậu và Biến đổi Khí hậu quy mô khu vực” vào năm 2022. Năm 2023, chúng tôi tiếp tục thể hiện sự ủng hộ vô điều kiện đối với các mục tiêu của LHQ và UNESCO bằng sự kiện quan trọng: “Các Bài giảng đại chúng về Phát triển bền vững”. Hai bài giảng được Ban tổ chức lựa chọn trong ngày hôm nay liên quan đến lĩnh vực vật liệu mới và văn hóa xã hội – những vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.
Bài giảng đại chúng số 1: “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe”
Diễn giả: Giáo sư Phan Mạnh Hưởng, Giám đốc Phòng thí nghiệm Cảm biến và Vật liệu tiên tiến, Khoa Vật lý, Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ.
Trong bài giảng này, giáo sư đã chia sẻ góc nhìn về những cơ hội đang nổi lên và cả những thách thức hiện tại trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành này, đồng thời đề xuất các chiến lược mới để vượt qua các thách thức đó. Giáo sư cũng chia sẻ đang và sẽ tập trung vào những phát triển mới nhất trên nền tảng các cảm biến từ không tiếp xúc, không xâm nhập trong việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác thông qua khai thác từ trường và học máy. Công nghệ này có thể ứng dụng trong các cơ sở và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại điểm hoặc từ xa, có tiềm năng nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể và thúc đẩy các nỗ lực đo đạc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn để đối phó với sự lan rộng của dịch bệnh.
Bài giảng đại chúng số 2: “Không gian phát triển tri thức của người Việt: Vài suy nghĩ bước đầu về sự hình thành, những cản trở, viễn cảnh tương lai”
Diễn giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Alpha Books; Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG; Phó chủ tịch thường trực Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC).
Trong bài giảng đại chúng này, bằng những luận cứ sâu sắc qua những trải nghiệm và nghiên cứu, ông Nguyễn Cảnh Bình đã nêu lên một bức tranh tổng quan về không gian phát triển tri thức của người Việt từ hàng ngàn năm trước cho đến thời hiện đại. Ông đặt ra nhiều trăn trở về những bất cập, hạn chế trong việc tạo lập một môi trường thoáng rộng cho sự tranh luận tư tưởng, tri thức trong xã hội; một số sự bó hẹp trong các truyền thống “Á Đông” thực sự đã gây cản trở cho quá trình tiếp cận tri thức mới trên thế giới của người Việt. Ông cũng đưa ra những nhận định, lý luận và biện giải cho không gian phát triển tri thức người Việt và đặt trọng tâm vào hai trụ cột chính ảnh hưởng đến sự phát triển này: sự xuất hiện chữ viết và bối cảnh kinh tế thời đại.
Sang thời cận, hiện đại, Việt Nam mở rộng giao lưu học thuật với đông đảo các nước phương Tây hơn và xuất hiện nhiều trí sĩ yêu nước nổi tiếng có học vấn uyên bác và tiếp thu được những làn sóng tri thức thế giới như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Xuân Hãn… Ngày nay, trong một thế giới ngày càng phẳng hơn, sự giao lưu giữa giới học thuật Việt Nam với thế giới là điều tất yếu và chắc chắn đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… của đất nước. Theo diễn giả, muốn hình thành các các nhà trí thức, học giả, doanh nhân có trình độ cao… cần tạo không gian, môi trường học thuật cởi mở. Việt Nam muốn đạt được những thịnh vượng như các nước phát triển thì cần lan tỏa tri thức đến với phần lớn đại chúng thông qua sự phát triển và cải tổ hệ thống thư viện, dịch thuật.
Những bài giảng đại chúng trong chương trình năm nay có chất lượng rất cao, đi sâu vào cả hai chủ đề khoa học công nghệ và văn hóa xã hội, do đó đã thu hút được lượng lớn các học giả, giới trí thức của Việt Nam tham gia và đóng góp, chia sẻ. Rất nhiều câu hỏi, ý kiến, tranh biện đã diễn ra giữa người nghe với các diễn giả, góp phần làm rõ hơn các ý tưởng, quan điểm và tiềm năng triển khai các giải pháp phát triển khoa học và văn hóa xã hội trong thực tế.