Kiều tầm nguyên hay Truyện Kiều trong di cảo Hoàng Xuân Hãn

Chủ nhiệm dự án
Ông Nguyễn Nhật Anh
Tổ chức chủ trì
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

“Khoảng từ năm 1943 -1945, để tránh máy bay Nhật ném bom Hà Nội, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã theo trường Đại học Hà Nội vào giảng dạy ở Thanh Hóa. Vào thời kỳ này giáo sư đã tranh thủ đi khảo cứu khắp vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, và đã phát hiện được nhiều di tích lịch sử quý báu.

Cuối năm 1946, trong thời kỳ Toàn quốc Kháng chiến, làn sóng người tản cư và việc tiêu thổ kháng chiến diễn ra rầm rộ ở các đô thị, nhất là Hà Nội. Nhiều sách báo được bán làm giấy loại khắp đường phố Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có nhiều sách quý. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dành nhiều thời gian để tìm mua lại và cứu vớt được nhiều sách quý về lịch sử và văn học Việt Nam thời trung đại.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khảo cứu và hiệu đính Truyện Kiều với quan điểm ’tầm nguyên’, nghĩa là cố gắng tái tạo lại Truyện Kiều gần với bản gốc của Nguyễn Du đã bị thất lạc. Sách Kiều tầm nguyên của giáo sư gồm có 5 phần:

  • Phần thơ Kiều phiên âm ra quốc ngữ từ bản Kiều Nôm mà giáo sư đã dựng lại;
  • Phần hiệu đính, chú thích và khảo dị viết dưới các câu thơ;
  • Phần dịch ra Quốc ngữ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân;
  • Phần bảng chỉ vần Kiều;
  • Phần so sánh 8 bản Kiều mà giáo sư đã dùng để hiệu đính, sau khi đánh giá các bản còn lại đều chép ra từ các bản đó. Trong 8 bản này, trong Kiều tầm nguyên, sẽ chỉ in một bản duy nhất là bản Duy Minh Thị (1872), vì GS đánh giá nó gần bản gốc nhất.

Rất tiếc là trong khi giáo sư chưa hoàn tất bản thảo và in ấn Kiều tầm nguyên thì giáo sư đã đột ngột ra đi vào ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Bản thảo Kiều tầm nguyên của giáo sư Hoàng Xuân Hãn với hơn 500 trang viết tay của giáo sư, kết quả của hơn 50 năm nghiên cứu Truyện Kiều của giáo sư, chưa được ra mắt giới nghiên cứu và bạn đọc trong dịp Việt Nam và toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du  theo nghị quyết của UNESCO.”

Trên đây là trích đoạn câu chuyện được nhà giáo Hoàng Xuân Khóa kể lại trên diễn đàn Yêu Truyện Kiều (bài đầy đủ đính kèm). Phần tiếp theo đó có thể coi chính là sự kiện vào khoảng gần cuối năm 2019, các cháu ngoại của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã liên hệ với Nhã Nam để gửi ảnh chụp bản thảo viết tay của cuốn Kiều tầm nguyên này, bản thảo được các học giả trong và ngoài nước chuyên nghiên cứu về Truyện Kiều chờ đón, tìm kiếm và bàn tán suốt mấy chục năm qua.

Xuất bản tập bản thảo này và giới thiệu đến giới nghiên cứu nói chung và độc giả quan tâm văn học Việt Nam trong và ngoài nước nói chung hẳn là việc phải làm. Bởi giáo sư Hoàng Xuân Hãn là nhà nghiên cứu Kiều hàng đầu, thậm chí còn là người mở ra lĩnh vực nghiên cứu Kiều, nên một công trình tâm huyết như vậy của ông là tài sản khó có thể bỏ qua. Tác phẩm này sẽ không chỉ đơn giản là bổ sung vào nguồn tư liệu về Kiều sẵn có, mà còn được giới nghiên cứu Kiều đánh giá là một sự bổ sung đầy đủ và toàn vẹn, để từ đó có thể tìm đến gần nhất bản gốc Truyện Kiều, quốc hồn quốc túy của nền văn học Việt Nam.

Chủ nhiệm dự án
Ông Nguyễn Nhật Anh
Tổ chức chủ trì
Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam

Tags

Tiến độ dự kiến
15/12/2021
15/12/2022
Giai đoạn

– Làm việc với gia đình tác giả, ký hợp đồng với gia đình tác giả;
– Lập đề cương sách;
– Đánh máy bản thảo;
– Đối soát bản thảo;
– Biên tập;
– Dàn trang, làm bìa, xin giấy phép, in ấn, phát hành.

Tags