(CAFEF) Thông qua 7 chương trình tài trợ lớn, tổng kinh phí tài trợ trên 900 tỷ đồng, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF (thuộc VinBigdata) đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đột phá về tư duy, phong cách và văn hóa hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước.
Quỹ Việt “chắp cánh” cho các dự án nghiên cứu khoa học
Ngày 8/11, 10 nhà khoa học trẻ độ tuổi từ 30-34 đã vinh dự nhận giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng nhờ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học với nhiều sáng chế, nghiên cứu quốc tế.
4 trong số 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc này có một điểm chung – đều nhận tài trợ khoa học từ một quỹ trong nước mà theo mô tả của họ là “kịp thời, cần thiết, có tác động rất lớn đến thành tựu họ có được hôm nay” – Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF (thuộc VinBigdata).
TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, Phó trưởng phòng – Phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khẳng định sự hỗ trợ của Quỹ VinIF có đóng góp tích cực đến các kết quả mà anh đạt được trong thời gian qua. “Nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ học bổng đào tạo tiến sĩ trong nước của Quỹ VinIF, tôi có thêm nguồn kinh phí để tập trung và đầu tư cho các phép phân tích trong các công bố khoa học”, anh nói.
TS. Tuấn Anh nhận học bổng tiến sĩ VinIF năm 2020 và học bổng sau tiến sĩ VinIF năm 2024. Anh đã có 39 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 và 19 bài báo thuộc danh mục Q2. Anh cũng là chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học tương đương cấp Bộ và 4 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu.
Tương tự, TS. Trần Ngọc Quang, 34 tuổi, nhận học bổng tiến sĩ năm 2023 và 2024 từ VinIF, hiện là nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc nano và phân tử thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Thành tích đạt được là động lực để tôi không ngừng cố gắng, học tập và phát triển bản thân, đồng thời thúc đẩy tôi trong việc tiếp tục đào tạo và dìu dắt các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học. Để đạt được kết quả này là nhờ sự tham gia, đồng hành, và hỗ trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF trong năm vừa qua. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Quỹ VinIF và kính mong Quỹ sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhiều nhà khoa học trẻ tại Việt Nam”, anh nói.
Là tác giả chính của chuỗi 4 công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí quy tín Chemical Engineering Journal, TS. Trương Hải Bằng từng gặp không ít khó khăn khi phải xoay xở đầu tư thu thập mẫu vật, thực hiện thí nghiệm, gửi mẫu phân tích tính chất vật liệu.
“Giữa lúc khó khăn đó, học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ của VinIF là nguồn tài trợ khoa học đầu tiên cho nghiên cứu của tôi từ khi tôi trở về Việt Nam. Phương thức giải ngân đơn giản, nhanh chóng đã giúp tôi có thể đầu tư các thiết bị thí nghiệm căn bản, cung cấp chi phí để tôi gửi mẫu phân tích tính chất vật liệu và mẫu nước đến các trung tâm phân tích không chỉ ở trong Việt Nam mà cả ở nước ngoài”, vị tiến sĩ trẻ chia sẻ.
Trong khi đó, với nữ PGS.TS. Phùng Xuân Lan – Chủ nhiệm dự án “Thiết kế và chế tạo máy in sinh học 3D tích hợp để đặt nền móng cho các nghiên cứu công nghệ mô tại Việt Nam”, Quỹ VinIF không chỉ tài trợ kinh phí thực hiện mà còn cung cấp những hỗ trợ tuyệt vời: thủ tục hành chính tinh gọn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu.
Trên khắp Việt Nam, còn rất nhiều các nhà khoa học trẻ khác đang ấp ủ những dự án nghiên cứu đầy tiềm năng khác nhưng không phải ai cũng có cơ hội nhận tài trợ, hỗ trợ để theo đuổi đam mê khoa học của mình.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn từ 2017-2023, tỷ lệ chi ngân sách cho cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,82% tổng chi ngân sách – đạt 2.076 tỷ đồng, trong khi Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên. Kinh phí là bài toán không dễ giải cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trên 900 tỷ đồng và hơn thế nữa
Sự xuất hiện của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup – VinIF (thuộc VinBigdata) từ năm 2018 đã “chắp cánh” cho không ít ước mơ nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trẻ trong nước, mà theo GS. Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học Quỹ VinIF từng gọi đây là “nơi người trẻ coi làm khoa học là một nghề được trả lương, với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm”.
Thông qua 7 chương trình đào tạo lớn, Quỹ VinIF đã tài trợ trên 900 tỷ đồng, góp phần giúp các nhà khoa học tạo ra những công trình mang tầm thế giới, xây dựng mới những ngành đào tạo trọng yếu, thành lập những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tác động giúp đổi mới cơ chế, chính sách tài trợ khoa học công nghệ.
Tính đến nay, Quỹ VinIF đã nhận 1.500 hồ sơ đề xuất và tài trợ cho 124 dự án Khoa học công nghệ (KHCN). Các dự án tạo ra trên 350 sản phẩm dạng mẫu cũng như sản phẩm có thể tiêu thụ trên thị trường, hơn 80 sáng chế được cấp bằng bảo hộ hoặc chấp nhận đơn, trên 600 công trình công bố trên các tạp chí, hội nghị quốc tế uy tín, hơn 100 cơ sở dữ liệu mở…
Quỹ cũng đã cấp 748 học bổng thạc sĩ, 787 học bổng cho các tiến sĩ và 240 suất tài trợ học bổng sau tiến sĩ.
Vừa qua, vào ngày 20/12/2024, Quỹ VinIF đã tổ chức Lễ công bố các chương trình tài trợ năm 2024 với 7 chương trình tài trợ thường niên bao gồm dự án KHCN; học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước; học bổng sau tiến sĩ trong nước; hợp tác đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu; lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử (VHLS); khóa học ngắn hạn và giáo sư thỉnh giảng; hợp tác và tài trợ sự kiện, hội thảo.
Qua các vòng xét duyệt của hội đồng chuyên gia, Quỹ quyết định tài trợ cho 7 dự án KHCN; 7 dự án và 15 sự kiện VHLS; 200 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ; 60 suất học bổng sau tiến sĩ; và 38 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng.
Lễ công bố có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup; đại diện các dự án KHCN và VHLS; các ứng viên xuất sắc nhận học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ năm 2024; đại diện câu lạc bộ VinIF Alumni cùng các ứng viên nhận giải thưởng Gương mặt VinIF Alumni tiêu biểu 2024.
Đức Nam
Nhịp sống thị trường.